Thành phố sẵn sàng phương án ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm

Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc gia cầm (BCĐ PCD GSGC) TP Uông Bí vừa ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ về hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

Sơ đồ hóa thể hiện Mức độ nguy hiểm của Cúm A/H7N9.

Theo kế hoạch, có 4 tình huống giả định làm cơ sở để triển khai các hành động ứng phó khẩn cấp, gồm: Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Căn cứ vào các tình huống trên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố đưa ra các giải pháp chung, gồm: Giải pháp tổ chức thực hiện, giải pháp kỹ thuật, giải pháp truyền thông, cơ chế tài chính. Đồng thời đưa ra các hoạt động cụ thể để ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người.

Theo kế hoạch, BCĐ PCD GSGC thành phố là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp. Tuỳ theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban Chỉ đạo tham mưu, đề xuất với UBND thành phố, các sở, ngành của tỉnh triển khai các biện pháp bổ sung phù hợp.

Phòng Kinh tế thành phố là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ theo dõi, giám sát các hoạt động, công tác phòng, chống dịch; tham mưu cho UBND thành phố công bố dịch, công bố hết dịch theo qui định Luật Thú y.

Trung tâm Dịch vụ KTNN thành phố: Phối hợp với Phòng Kinh tế tham mưu cho thành phố triển khai các biện pháp khi có phát sinh các tình huống trên; phối hợp với UBND các xã, phường thực hiện điều tra ổ dịch, giám sát và xử lý ổ dịch. Trung tâm có nhiệm vụ hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý chợ gia cầm và các địa bàn khi có mẫu dương tính với cúm A/H7N9; hướng dẫn giết mổ và tiêu thụ gia cầm an toàn theo chỉ đạo chuyên môn.

Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố có nhiệm vụ phối hợp với Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường điều tra dịch tễ, giám sát dịch bệnh và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên người; chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch theo Kế hoạch phòng chống dịch cúm trên người của Bộ Y tế.

Cũng theo kế hoạch, Đội QLTT, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân theo qui định. UBND các xã, phường phối hợp với phòng Kinh tế thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phòng chống dịch tại địa phương; kiện toàn BCĐ phòng, chống dịch GSGC, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên BCĐ; huy động hệ thống chính trị cùng tham gia phòng chống dịch.

Bản kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Phòng Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên - Môi trường, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa thành phố để phối hợp chủ động phòng chống dịch.

Kế hoạch số 05 về ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người nhằm chủ động phát hiện, sẵn sàng ứng phó, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người cũng như những tác động bất lợi do vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác xâm nhập vào địa bàn thành phố.

Theo khuyến cáo: vi rút cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm hoặc môi trường hoặc người ở 16 tỉnh, thành phố Trung Quốc, gồm có tỉnh Quảng Đông và Vân Nam giáp biên giới với Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhâp lậu qua biên giới chưa triệt để. Vì vậy, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (như Cúm A/H5N2; A/H5N8) xâm nhập vào Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh nói chung, TP Uông Bí nói riêng là rất cao.

 

Hoàng Yến

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23357 Tổng lượt truy cập 94815516