Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền trung

Ngày 16-10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1829/CĐ-TTg về việc khắc phục mưa lũ tại miền trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7.

Nhiều nhà dân ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị ngập trong nước lũ. Ảnh: VIỆT HÙNG

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua ngay sau khi lũ rút, trong đó huy động lực lượng tại chỗ tập trung tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích, bị thương, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, không để người dân bị thiếu đói, bị rét; tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, chủ động hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt bảo đảm hợp vệ sinh, không để bùng phát dịch bệnh do lũ; tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp để sớm đưa học sinh trở lại trường, khắc phục công trình cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, điện, khôi phục sản xuất,… Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoãn các cuộc họp chưa thật cấp thiết, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tập trung chỉ đạo ứng phó với bão…

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ, bám sát diễn biến của bão, mưa lũ; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời đến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân để chủ động phòng tránh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng bão thu hoạch lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động triển khai phương án bảo vệ diện tích hoa màu vụ đông đã xuống giống; sẵn sàng các giải pháp kỹ thuật, chuẩn bị dự phòng giống cho sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ; chủ động rà soát, kiểm tra, vận hành bảo đảm bao toàn đê điều, hồ đập; hệ thống thủy lợi.

Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động rà soát các phương án, chỉ đạo sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa và hoa màu; phối hợp cùng với chính quyền địa phương triển khai phương án sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc bảo đảm an toàn các tàu vận tải, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền an toàn; kiểm tra, bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng để kịp thời khắc phục sự cố bảo đảm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không.

Bộ Công thương chỉ đạo rà soát bảo đảm an toàn hệ thống điện, duy trì nguồn điện phục vụ sản xuất, dân sinh; chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm mỏ, hồ chứa thủy điện, công trình dầu khí, cơ sở công nghiệp lớn...

Đoàn viên, thanh niên tỉnh Hà Tĩnh thu dọn, khắc phục sau lũ tại Trường tiểu học Hương Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê. Ảnh: CẢNH HUỆ

* Chiều ngày 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7.

Bão số 7 được dự báo sẽ gây ra mưa lớn, thời gian mưa ngắn và tập trung. Khu vực mưa to được dự báo là Thanh Hóa, đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Tổng lượng mưa từ 200 đến 400 mm. Điểm cần đặc biệt lưu ý là thời điểm bão đổ bộ (dự báo khoảng chiều ngày 19-10) cũng là thời điểm triều cường cao nhất trong năm. Do đó, nguy cơ xảy ra ngập lụt là rất cao.

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, còn một cơn bão nữa đang hình thành ngoài khơi và cũng được dự báo đi vào Biển Đông với cấp siêu bão. Nếu đúng như dự báo, bão số 7 sẽ là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, lại diễn ra vào thời điểm hết sức nguy hiểm là triều cường đạt đỉnh, có thêm một cơn bão lớn nữa đang hình thành, trong khi đó các tỉnh miền trung vẫn đang khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế phải tiếp tục thực hiện nghiêm hai công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên cao nhất là tìm kiếm người mất tích, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết, mất tích, bị thương, đồng thời khẩn trương rà soát để ứng cứu kịp thời những hộ dân bị hoạn nạn, không để bất cứ người dân nào bị đói, khát. Bên cạnh đó, nhanh chóng sửa chữa hạ tầng phục vụ sản xuất, trước hết là hạ tầng giao thông, điện, sửa chữa nhà cửa; vệ sinh môi trường, tẩy rửa các khu vực ô nhiễm để sớm khôi phục sản xuất.

Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, duy trì chế độ trực. Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động, quản lý, không để ngư dân ra biển trong những ngày sắp tới; thông báo cho tàu, thuyền trên biển để chủ động ra khỏi khu vực nguy hiểm…

* Chiều 16-10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại tỉnh Nghệ An, vẫn còn năm xã với 5.960 khách hàng chưa được khôi phục cấp điện. Hà Tĩnh có 138.504 khách hàng, ảnh hưởng vận hành 18 trong số 49 đường dây trung thế. Hiện vẫn còn huyện Hương Khê, hai xã huyện Thạch Hà, ba xã huyện Cẩm Xuyên chưa khôi phục được, do nước lũ chưa rút.

Tại Quảng Bình, đến sáng 16-10, Công ty Điện lực Quảng Bình đã khôi phục phụ tải hoàn toàn cho TP Đồng Hới, phụ tải các huyện Quảng Ninh và Minh Hóa đã cơ bản khôi phục xong. Tại Quảng Trị, còn lại một nhánh rẽ đường dây trung áp với công suất 0,5MW trên khu vực huyện Đa Krông chưa khôi phục được do đang bị nước lũ cô lập.

* Ngày 16-10, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu sở y tế các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và các đơn vị trực thuộc triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Theo đó, bên cạnh tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất, các cơ sở y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi lũ đã đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ.

Các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, hóa chất vệ sinh môi trường... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông hướng dẫn người dân trong vùng bị lũ lụt cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, úng lụt, sạt lở đất, lũ quét gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh, tham gia trực tiếp cùng tổ công tác của các cấp chính quyền nhằm khắc phục hậu quả những nơi bị ảnh hưởng nặng hoặc bị chia cắt, cô lập. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện phòng chống lụt, bão và phân công các đội y tế cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét gây ra.

Ngay trong sáng 16-10, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các Công ty cổ phần y tế Danameco, Dược T.Ư 3 và thiết bị y tế Medinsco cấp hỗ trợ ngành y tế các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa, mỗi tỉnh 125 áo phao cứu sinh, 200 phao tròn cứu sinh, hai phao bè cứu sinh, 50 cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, 100 nghìn viên khử khuẩn CloraminB. Riêng Sở Y tế tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ thêm hai nhà bạt 16 m2.

Cùng với phòng, chống dịch bệnh thì việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đặc biệt quan trọng đối với đời sống nhân dân vùng lũ, lụt. Việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong và sau lũ, lụt sẽ giúp người dân có sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bữa ăn gia đình cần bảo đảm được ăn no (đủ năng lượng), đủ dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn. Chuẩn bị thực phẩm sạch và nấu chín kỹ; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong; bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn...

* Trước những thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh miền trung, ngày 16-10, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình một tỷ đồng (mỗi tỉnh 500 triệu đồng). Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ có người chết, 5 triệu đồng/người bị thương; đồng thời hỗ trợ trực tiếp các hộ bị sập, lún, hư hỏng nhà cửa.

* Ngày 16-10, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước cùng chung tay đóng góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở các tỉnh miền trung. Trước mắt, thành phố ủng hộ số tiền 10 tỷ đồng để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền trung.

* Sáng 16-10, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu tiền và hàng trị giá 1,97 tỷ đồng cho bốn tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn ban đầu, ổn định cuộc sống. Đợt cứu trợ bao gồm: một tỷ đồng tiền mặt, 900 thùng hàng gia đình, 300 bộ dụng cụ sửa nhà, 70 nghìn viên lọc nước Aquatabs, 100 thùng dầu gội đầu… Ngày 17-10, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cử đoàn công tác có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình để triển khai các hoạt động cứu trợ.

* Chiều 16-10, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa các đơn vị chức năng yêu cầu kiểm tra tất cả các nhà máy thủy điện (NMTĐ), nhất là NMTĐ Hố Hô để có phương án đề phòng, bảo đảm an toàn đời sống dân sinh tại khu vực quanh nhà máy; cập nhật thông tin diễn biến và kịp thời có phương án đối phó xử lý.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công thương quyết định thành lập tổ công tác điều tra việc xả lũ tại NMTĐ Hố Hô. Sáng nay 17-10, tổ công tác dự kiến lên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy, khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, đồng thời chỉ đạo khắc phục sự cố nếu có. Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý với tập thể, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.

Trước đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cũng đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Hồ Bốn (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành NMTĐ Hố Hô): gặp và báo cáo trực tiếp lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và thông tin tới báo chí những nội dung liên quan vận hành hồ chứa trong thời gian qua; thường xuyên thông tin cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện và các xã khu vực hạ lưu trước khi xả lũ.

* Chủ động ứng phó với bão số 7, tỉnh Thái Bình đã có công điện chỉ đạo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 16-10; yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện ven biển kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển, khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn; bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, thuyền; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền tại khu neo đậu.

* Ngày 16-10, mưa trên diện rộng kết hợp với triều cường đang lên nhanh và lượng nước xả qua tua-bin Nhà máy Thủy điện Trị An lớn. Do đó, mực nước trên sông Đồng Nai đang lên nhanh đạt mức báo động II. Theo cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn, do mưa lớn kết hợp với triều cường, nhiều vùng trũng thấp khu vực hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn có nguy cơ ngập lụt.

* Vào khoảng 18 giờ 15 phút ngày 16-10, tổ công tác của Đồn Biên phòng Ngư Thủy cùng người dân xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã cứu sống bốn người trôi dạt trên bờ biển địa phương.

Sau khi hồi sức, một trong số bốn người cho biết, họ là thuyền viên của một tàu vận tải bị lũ cuốn trôi và chìm ở cửa sông Gianh và đã lênh đênh trên biển hơn một ngày, một đêm. Bốn người gồm: Lê Bá Hoạt, thuyền trưởng; Vũ Như Thắng; Ngô Văn Di và Nguyễn Ngọc Thành đều là thuyền viên.

Đồn Biên phòng Ngư Thủy đã bàn giao hai thuyền viên là Lê Bá Hoạt và Ngô Văn Di cho gia đình đưa về chăm sóc. Còn hai anh là Nguyễn Ngọc Thành và Vũ Như Thắng do quá yếu nên được Bộ đội Biên phòng chuyển về Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu-ba Đồng Hới để chăm sóc điều trị.

Trước đó, khoảng 3 giờ sáng 15-10, có năm tàu hàng chở hàng clinker (Công ty Vận tải thương mại Trường Thành) đang neo đậu tại cửa sông Gianh thì bị lũ cuốn đứt neo trôi ra biển. Trong đó, hai chiếc trở về an toàn, một chiếc với bốn thuyền viên bị mắc cạn phía ngoài cửa biển được lực lượng của Cục Hàng hải, Quân khu IV, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cứu nạn thành công sáng 16-10. Hai chiếc tàu còn lại bị sóng đánh chìm, mới cứu được sáu người, năm người mất tích thì chiều 16-10 đã cứu được bốn người tại bờ biển xã Ngư Thủy Bắc.

Đêm 16-10, đại diện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đến thăm, động viên hai thuyền viên tại bệnh viện.

* Lũ trên sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống; hạ lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) đang lên. Tình trạng ngập lụt tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) giảm dần.

* Ngày 16-10, Chi cục Quản lý đường bộ II cho biết, mưa lớn hai ngày qua, lũ dâng cao đã khiến quốc lộ 7 đoạn qua Diễn Châu và Yên Thành (Nghệ An) ngập sâu trong nước, nhiều đoạn nước ngập sâu hơn nửa mét, khiến giao thông tê liệt. Người dân sống trong khu vực bị ngập lụt phải thuê xe công nông chở người và xe máy ra khỏi chỗ ngập với giá 10 đến 15 nghìn đồng.

Để bảo đảm an toàn, từ 17 giờ ngày 15-10, Chi cục đã phối hợp các lực lượng chức năng lập rào chắn, chốt chặn, cảnh báo nguy hiểm không cho các phương tiện đi vào các đoạn đường bị ngập nặng. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này được hướng dẫn di chuyển vòng sang đường 538. Hiện, nhiều đoạn trên quốc lộ 1, 46, đoạn qua xã Diễn An (huyện Diễn Châu) bị sạt lở đã được thông đường.

* Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, huy động lực lượng Quân khu 4, 5; Quân đoàn 3, 4 ứng trực, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, gồm: 215.992 chiến sĩ và 1.932 phương tiện (947 ô-tô, 50 xe lội nước, 80 tàu, 855 xuồng các loại). Các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương chủ động, tập trung mọi lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền trung và sẵn sàng ứng phó với bão số 7.

Tại các địa phương xảy ra lũ lụt đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, khắc phục tình hình mưa lũ. Các tỉnh, thành phố ven biển khác từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã có công điện thông báo, chỉ huy các địa phương, các sở, ban, ngành tổ chức ứng phó thiên tai hiệu quả.

* Huyện Quảng Trạch đã chuyển hơn 1.000 thùng mì tôm để hỗ trợ cho người dân những vùng bị lũ ngập sâu. Đoàn thiện nguyện Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Quảng Bình triển khai chương trình "Nắm cơm tình thương" đến 700 hộ dân khó khăn ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Tranh thủ lúc lũ rút, các cơ quan, trụ sở, trường học trên địa bàn huyện Tuyên Hóa tiến hành dọn dẹp vệ sinh. Tại xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa có hai ngôi nhà hai tầng bị sập. Chính quyền địa phương cử lực lượng giúp dân dọn dẹp đống đổ nát, tìm chỗ ở tạm thời.

* Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và để bảo đảm an toàn các hồ chứa, tỉnh tiến hành xả lũ các hồ Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên. Các địa phương vùng hạ lưu hồ, đập đã khẩn trương có phương án giúp nhân dân khi nước ngập sâu. Huyện Cẩm Xuyên có kế hoạch di dời tại chỗ gần 2.000 hộ dân với hơn 3.700 nhân khẩu thuộc các xã vùng hạ lưu hồ Kẻ Gỗ và các vùng trũng đến nơi tránh trú an toàn. Huyện huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ giúp dân dời chuyển, kê cao tài sản, đồ dùng vật dụng gia đình tránh không bị ngập trong nước.

Để đối phó với cơn bão số 7, Cẩm Xuyên điều 21 tàu thuyền gắn máy công suất dưới 20 CV của ngư dân vùng biển cùng chín thuyền máy của các địa phương phục vụ cho công tác di dời. Hiện nay, tại các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, thủy điện Hố Hô đang xả lũ nên nhiều thôn xóm vẫn đang chia cắt và cô lập. Tỉnh đã phân công các đoàn công tác đưa lương thực, thực phẩm và đồ dùng, dụng cụ thiết yếu nhằm giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn trước mắt.

Tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền khẩn trương khắc phục hỗ trợ nhân dân vùng bị ngập lụt của chín huyện, thành phố, không để nhân dân đói, rét. Bên cạnh đó có các phương án bảo vệ hồ đập, hệ thống đê điều và chuẩn bị phương án “bốn tại chỗ” kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

* Ngày 16-10, thời tiết ở tỉnh Thừa Thiên - Huế thuận lợi, mưa giảm, trời có lúc có nắng, thuận lợi cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Cùng với đó, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và cơn bão số 7 để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là chuẩn bị các nhu yếu phẩm thiết yếu, lương thực, thực phẩm đề phòng mưa lũ kéo dài, địa hình bị chia cắt, không ứng cứu kịp.

* Tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương nhanh chóng có các giải pháp giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy và lũ lụt gây ra. Tổ chức các đoàn về các địa phương thăm hỏi người bị thương, gia đình bị thiệt hại nặng. Các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và thanh niên xung kích giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa, xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, từng bước ổn định cuộc sống.

Chủ động đối phó với diễn biến cơn bão số 7, lực lượng chức năng đã thông báo, hướng dẫn hơn 2.300 chiếc tàu, thuyền, với hơn 6.900 lao động vào nơi trú ẩn, neo đậu an toàn. Các địa phương đã tổ chức sơ tán gần 1.000 người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm và triển khai các phương án PCLB cho công trình đê điều, hồ đập, và kênh mương... trên địa bàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 116,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135 đến 150km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 22 giờ hôm nay 17-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ bắc; 111,9 độ kinh đông, trên khu vực phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, cấp 17.

Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): 14,5 độ vĩ bắc và 110,0 độ kinh đông. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía 15,5 độ vĩ bắc và phía 111,0 độ kinh đông.Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Từ đêm 17-10, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, cấp 9; riêng vùng biển đông nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

 

 

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4191 Tổng lượt truy cập 94782978