Tạo sức đột phá cho du lịch Uông Bí

Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên được xác định là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh, cũng là một trong 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Cùng với thế mạnh du lịch văn hoá tâm linh, Uông Bí định hướng cho phát triển bền vững từ các nguồn tài nguyên gắn với lợi thế riêng của mình, nhằm tạo sức đột phá cho du lịch địa phương trong thời gian tới.

Khởi sắc với nhiều điểm nhấn

Nổi tiếng với Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, nơi gắn liền với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và cuộc đời, câu chuyện về các vị vua, các thiền sư đạo cao đức trọng của lịch sử dân tộc, lâu nay Uông Bí đã phát triển mạnh mẽ du lịch nơi đây với các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội kết hợp du lịch sinh thái. Điểm đến này đông đúc nhất vào mùa hội xuân, tuy nhiên hiện nay du lịch 4 mùa ở Yên Tử cũng đã có bước phát triển mạnh, thu hút khoảng 1 triệu khách hằng năm.

Yên Tử là điểm nhấn của du lịch Uông Bí, thu hút khoảng 1 triệu khách hằng năm.

Cùng với Yên Tử, Uông Bí đã phát triển du lịch văn hoá tâm linh gắn với những di tích khác trên địa bàn từ việc phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể một cách hài hoà, tạo điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch thập phương, như: Chùa Ba Vàng, chùa Phổ Am, đình Lạc Thanh, đền - chùa Hang Son, đình Đền Công - miếu Cổ Linh, chùa Long Khánh… Theo đánh giá của Sở Du lịch trong tham luận tham gia Hội thảo khoa học Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững TP Uông Bí, tổ chức vào đầu tháng 7 vừa qua, du lịch Uông Bí được xác định là điểm đột phá trong phát triển du lịch văn hoá, tâm linh với định hướng phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch cộng đồng, sinh thái.

Bên cạnh việc tập trung khai thác sản phẩm du lịch văn hoá, tâm linh, TP Uông Bí đã từng bước khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn. Hiện nay, thành phố có Khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung và 6 điểm du lịch khác đã được công nhận, nhiều điểm tham quan có cảnh quan thiên nhiên ấn tượng và hấp dẫn như đỉnh Bình Hương, đồi Phượng Hoàng, vùng sông nước Phương Nam... Các khu du lịch, danh thắng này phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn tương đối lớn với du khách.

Du khách vui chơi tại Khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung.

Đánh giá về sự phát triển du lịch trên địa bàn thời gian qua, tham luận kể trên của Sở Du lịch ghi nhận sự tích cực phối hợp của thành phố với một số doanh nghiệp lữ hành và đã đưa vào khai thác tốt một số tuyến, điểm du lịch là thế mạnh trên địa bàn, duy trì tốt các sản phẩm du lịch đặc trưng… Qua đó, thu hút được ngày càng đông lượng khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh, lưu trú, qua đó tăng mức doanh thu dịch vụ.

Tuy nhiên, đánh giá cũng nhấn mạnh rằng, cho tới nay, những tài nguyên du lịch của Uông Bí vẫn chưa được khai thác và phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt là những giá trị tâm linh - tín ngưỡng, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng, tính gắn kết chưa cao và chưa thể hiện được đặc trưng của từng loại hình du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch chưa đa dạng và đồng đều giữa các điểm du lịch dẫn đến Uông Bí chưa giữ chân được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và lưu trú.

Định hướng cho phát triển du lịch bền vững

Năm 2024 này, Uông Bí đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 500.000 lượt khách du lịch quốc tế. Đây là con số không nhỏ, từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế của địa phương là một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Hiện nay, Uông Bí đang nỗ lực phát huy thế mạnh các giá trị văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến và khẳng định thương hiệu du lịch của Uông Bí theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững; kết nối Uông Bí với các trung tâm du lịch trong, ngoài tỉnh, các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, quốc tế.

Đồi Phượng Hoàng là cảnh điểm đẹp của Uông Bí, được nhiều du khách yêu thích.

Để làm được điều này, Sở Du lịch cho rằng, thành phố cần triển khai đồng bộ 6 giải pháp thu hút khách du lịch. Trước tiên là tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, địa phương trong tuyên truyền, giới thiệu giá trị di tích bằng các hình thức phù hợp, chú trọng cho các sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài nước có tính quy mô, lan tỏa cao. Triển khai có hiệu quả việc khai thác tuyến điểm du lịch của thành phố đã được công nhận gắn với di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Tập trung khai thác tiềm năng sản phẩm du lịch cộng đồng; tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công thông qua việc bảo tồn nghề thêu thủ công truyền thống, ẩm thực của địa phương và các giá trị văn hóa, nghệ thuật, điển hình là các làn điệu dân ca, thông qua đó góp phần bảo tồn và duy trì những giá trị văn hóa, sinh kế của đời sống cộng đồng. Phát huy công tác phối kết hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể, thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... trong phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Cùng với đó, rà soát, đánh giá lại hệ thống sản phẩm du lịch theo vùng, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của du lịch Uông Bí. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch từ di sản và khai thác chiều sâu các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong đó trọng tâm là Yên Tử. Nghiên cứu tổ chức các show diễn thực cảnh tại các khu vực di sản văn hóa tâm linh tại khu vực Yên Tử, Ngọa Vân để đáp ứng nhu cầu giải trí cho khách du lịch về đêm, đồng thời qua đó kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch tại Uông Bí.

Chiêm ngưỡng sản phẩm thêu thủ công truyền thống của người Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công.

Một thông tin mới nữa là, theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Yên Tử - Uông Bí có trong danh sách 11 địa điểm tiềm năng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là định hướng quan trọng để Uông Bí tập trung các nguồn lực để xác định lộ trình, mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, đồng thời có các kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu phù hợp với định hướng quy hoạch.

Chia sẻ thêm từ góc nhìn văn hóa để phát triển du lịch tâm linh tại Uông Bí, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhấn mạnh: Uông Bí tất yếu phải xây dựng những dự án tổng hợp, liên ngành (di sản và du lịch là chủ đạo) tích hợp yêu cầu của các ngành hữu quan ở địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn có giá trị thương phẩm cao, bán được nhiều lần, cho nhiều người với giá trị cao.

Về mặt hàng hóa, nhất thiết phải có các dự án lớn hơn mang tính liên vùng gắn kết với các tỉnh bạn liền kề. Nên nhớ, hạt nhân trung tâm của các tour, tuyến, điểm du lịch tâm linh của Uông Bí là Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Tuy nhiên, khu di tích này cũng chỉ là một hợp phần quan trọng làm nên Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Do đó, việc hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh ở các điểm di tích của 3 tỉnh, để phát huy hết tiềm năng/tài nguyên của một khu di sản văn hóa thế giới trong tương lai gần là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Theo Phan Hằng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14095 Tổng lượt truy cập 94753514