Tạo nền tảng xây dựng tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, sau 5 năm, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông được đầu tư, mở rộng.

Đến nay tỉnh đã hoàn thành 10/11 mục tiêu: 100% các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước loại bỏ các hủ tục; 100% các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được bảo tồn và phát huy giá trị; xây dựng một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống”; 100% cơ quan, đơn vị xây dựng, thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương…

Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh thực hiện quyết liệt, bài bản, hiệu quả, từ đó đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích. Toàn tỉnh hiện có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, đứng thứ 2 toàn quốc (sau Thủ đô Hà Nội).

Đặc biệt, tỉnh lần đầu tiên tiến hành tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình, được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia.

Tỉnh đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu các đặc điểm - giá trị địa mạo và đa dạng sinh học; nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử; nghiên cứu hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Sản phẩm của việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở khoa học để xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Trong đó, 100% di tích quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, tổng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh trên 1.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương 210 tỷ đồng, xã hội hóa gần 1.400 tỷ đồng; triển khai các quy hoạch, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030.

Tỉnh đã lựa chọn 6 thôn, bản: Các thôn 1, 2, 3 (xã Bằng Cả, TP Hạ Long); bản Lục Nà, bản Cáu (xã Lục Hồn), bản Nà Ếch (xã Húc Động, đều huyện Bình Liêu); làng truyền thống người Sán Dìu (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) để thực hiện bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc phục vụ du lịch.

Nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có hiệu quả, lan tỏa, đi vào chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 99,7% số đám cưới, 99,6% số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh; 1.452 thôn, bản, khu phố xây dựng quy ước, hương ước; triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở kế thừa Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, đảm bảo theo quy định pháp luật, tôn trọng quyền con người, hướng tới xây dựng con người Quảng Ninh với đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Các địa phương chủ động xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng: TP Uông Bí xây dựng Bộ quy tắc tự hào là công dân TP Uông Bí, huyện Hải Hà ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng, huyện Đầm Hà ban hành Bộ quy tắc ứng xử người Đầm Hà “Đoàn kết - Sáng tạo - Tự tin - Thân thiện”…

Phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được các cấp, ngành quan tâm, góp phần xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện. Toàn tỉnh có 71,4% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 62,2% số dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 82% số cộng đồng đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”…

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giúp mỗi con người thụ hưởng những thành quả của sự tiến bộ của xã hội.

Theo Thu Trang/baoquangninh.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 654 Tổng lượt truy cập 91487161