Phật giáo Trúc Lâm trong đời sống Đại Việt thời Trần, thế kỷ XIII – XIV

Phần 2: Sơ lược về Tam Tổ Trúc Lâm

Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm, Ninh Bình, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông - Trúc Lâm Đầu Đà, Pháp Loa và Huyền Quang, gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ.

Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông (1258-1308): Năm 1295 Thượng hoàng Trần Nhân Tông và vua Trần Anh Tông đã cử sứ giả sang Nguyên triều biếu lễ vật, đồng thời dâng biểu xin kinh Đại Tạng về cho ấn loát, ban phát các nơi trong nước. Năm 1299 Ngài về Yên Tử tu hành, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó Ngài vân du khắp nơi trong nước, lập am chùa, tịnh xá, thuyết pháp, thậm chí sang cả Chiêm Thành; khuyến hóa dân chúng phá bỏ dâm từ, tu hành thập thiện, bố thí pháp dược để chữa trị những người nghèo và bệnh; thọ tâm giới tại gia Bồ-tát cho vương công, bá quan; đào tạo được nhiều đại đệ tử như Pháp Loa, Huyền Quang, Bảo Sái... Sinh thời, Ngài biên soạn nhiều kinh văn như Niêm tụng thạch thất mị ngữ, Thạch thất mị ngữ, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục, Tăng-già toái sự, Đại hương hải ấn thi tập, Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Thánh đăng ngữ lục, Công văn cách thức...

Đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330): Xuất gia theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ năm 1304. Đến năm 1306, làm giảng sư đào tạo tăng tài. Năm 1308, được truyền y bát để trở thành Đệ nhị Tổ Phật giáo Trúc Lâm. Năm 1318, được vua Trần Anh Tông phong Quốc sư. Ngài lập văn phòng Trung ương giáo hội tại chùa Vĩnh Nghiêm, cho xây nhiều bảo tháp, dựng nhiều cơ sở hành đạo, tăng đường, đúc tượng Phật... Ngài biên soạn nhiều kinh văn Phật giáo Trúc Lâm như: Tham thiền chỉ yếu, Đoán sách lục, Thạch thất mị ngữ niêm tụng, Kim Cương trường đà-la-ni kinh khoa chú, Pháp Hoa kinh khoa sớ diễn nghĩa, Lăng Già kinh khoa sớ diễn nghĩa, Bát Nhã tâm kinh khoa sớ chú giải, Nhân vương hộ quốc nghi quỹ, Thiền đạo yếu học, Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, ngữ lục Trúc Lâm đại tôn giả thượng tọa thính sư thị chúng...;

Đệ tam Tổ Huyền Quang (1254-1334): Xuất gia theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông năm 1305. Từ năm 1308, Ngài được Đệ nhất Tổ Trúc Lâm lập làm Trưởng sơn môn Yên Tử, làm giảng sư ở các hành cung, biên soạn giáo trình giảng dạy bồi dưỡng tân tăng. Ngài biên soạn các kinh văn Trúc Lâm như: Phổ Tuệ ngữ lục, Côn Sơn thời khuê tập, Công văn tập.

Chùa Bảo Sái và Ban thờ Tam Tổ.

Từ sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông về Yên Tử tu hành và Phật giáo Trúc Lâm ra đời, tăng đoàn Phật giáo và Phật tử Đại Việt được nhân lên nhiều lần về số và lượng. Tăng đoàn thuộc Giáo hội Trúc Lâm lúc cực thịnh có tới 30.000 tăng ni. Hệ thống chùa chiền có trước và được dựng mới trong giai đoạn này trải rộng khắp Đại Việt, đặc biệt trên Dãy núi Yên Tử. Cùng với đó, kinh Đại tạng và kinh sách Phật giáo Trúc Lâm đã được ấn tống, phát hành rộng rãi trên cả nước.

Phật giáo Trúc Lâm được khởi lập từ dòng Thiền Yên Tử, kế thừa tinh hoa của ba dòng Thiền có trước đó là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi chú trọng tư tưởng Bát-nhã và tu tập thiền quán. Thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương “đốn ngộ” và “nhập thế”. Thiền phái Thảo Đường lại thiên trọng trí thức và văn chương...

Phật giáo Trúc Lâm dung hợp tam giáo là Phật – Nho  - Đạo và tín ngưỡng bản địa. Giáo lý Trúc Lâm hàm chứa nội dung tư tưởng, luân lý đạo đức của Nho giáo, Đạo giáo. Một số kinh văn Nho giáo, Đạo giáo đã được chọn lọc, tiếp thu, trở thành giáo lý Trúc Lâm. Nhiều vị vua, hoàng thân quốc thích, quan lại lẫn dân chúng thời Trần vừa là Phật tử thuần thành đồng thời cũng thấm nhuần tư tưởng, triết lý, luân lý của Đạo giáo, Nho giáo. Phật giáo Trúc Lâm chịu ảnh hưởng và tiếp thu tinh hoa văn hóa, tư tưởng của Nho giáo, tinh thần nhập thế tích cực và Đạo giáo, tư tưởng tiêu dao, vô vi, thoát tục. Phật giáo Trúc Lâm không bài xích mà còn tôn trọng tín ngưỡng dân gian, truyền thống tốt đẹp như tục thờ cúng tổ tiên nhưng lại tuyệt đối bài trừ những tập tục thờ cúng ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục;

Phật giáo Trúc Lâm dung hợp tam tông là Thiền - Tịnh - Mật. Phương thức tu tập của Phật giáo Trúc Lâm dung hợp việc hành thiền của Thiền tông với việc niệm Phật, học giáo lý, trì giới của pháp môn Tịnh Độ và việc thực nghiệm các pháp trì chú, trai đàn chẩn tế, quán đỉnh... của Mật Tông; thể hiện được sự thống nhất giữa các phương pháp thực hành đời sống đạo được thiền định của Phật giáo Nguyên thủy với lập trường tư tưởng triết học của Phật giáo Đại thừa.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ở tư thế nằm và Bia Yên Tử Sơn Bảo Sái tự.

Trong đời sống Đại Việt thời Trần, Phật giáo Trúc Lâm có vai trò, ảnh hưởng to lớn,  góp phần mở mang, nâng cao dân trí, giáo dục con người, góp phần xây dựng một xã hội đạo đức

Giáo lý Trúc Lâm đem lại nhận thức mới về Phật. Khác với quan niệm phổ biến trước đó và ngay cả hiện nay, rằng “Phật ở ngoài mình”, ở cõi Tây phương cực lạc …, giáo lý Trúc Lâm cho rằng “Phật tại Tâm” – tâm tức Phật và “Bụt là ta”. Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu khác trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Làm người từ bậc thiện tri thức đến tầng lớp bình dân đều có sẵn Tâm Phật. Nếu để cho Tâm mình tĩnh lặng, an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh, soi lại tâm mình thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Vì “Phật tại Tâm”, nên ai cũng tu được, tu mọi lúc, mọi nơi, không chỉ lên chùa, kể cả lúc cầm gươm ra trận. Quan niệm “Phật là Ta” là bản lĩnh tư tưởng đặc sắc và mạnh mẽ của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Quan điểm này bảo vệ và đề cao việc con người tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chính mình; chính mình làm nên và quyết định tất cả, không ỷ lại trông chờ vào tha lực. Bản lĩnh tư tưởng đặc sắc và mạnh mẽ này tác động to lớn đến tư tưởng, tinh thần, góp phần vun đắp ý chí tự chủ, quật cường ở người dân Đại Việt, làm nên thắng lợi trong cả ba cuộc kháng chiến chống đế chế Mông Cổ và tái thiết đất nước;

Giáo lý Trúc Lâm đem lại nhận thức mới về nơi tu hành: Đó là tu trong đời thường, “cư trần lạc đạo” (sống ở cõi phàm trần vui với Đạo), “hòa quang đồng trần”, không tách rời cuộc sống trần tục (nhập thế), ai đủ căn duyên thì xuất gia đi tu, còn lại thì có thể tu tại gia. “Chỉ cần giác ngộ được chữ Tâm là lập tức thành Phật, cần gì cầu tìm ở bên ngoài”.

Giáo lý Trúc Lâm đem lại nhận thức mới về mối quan hệ giữa “Tâm của mình” với “Tâm thiên hạ”. Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên khuyên vua Trần Thái Tông: “Phàm đã làm vua trong thiên hạ phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, và lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nếu bệ hạ thực lòng hiểu Phật thì không gì bằng lo cho hạnh phúc của trăm họ, giảm nhẹ hình án, chăm lo cây đức của mọi nhà mãi mãi sum xuê”. Trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam, với lời khuyên đó, lần đầu tiên mối quan hệ giữa “Tâm của mình” với “Tâm thiên hạ” được đặt ra trong một mệnh đề “phải lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình” Tư tưởng chính trị ấy đã giúp cho Nhà Trần “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước gắng sức”, lập nên những chiến công oanh liệt, ba lần kháng chiến chống đế chế Mông Cổ thắng lợi, đồng thời là ánh sáng soi dẫn những chính sách canh nông, đê điều, chấn chỉnh phong hóa, khuyến học, khuyến tài, cứu tế người cô quả, chăm lo phúc lợi và đời sống cho trăm họ, xây dựng đất nước thịnh vượng…

Giáo lý Trúc Lâm chỉ ra pháp tu Tâm “Phản quan tự kỷ - soi sáng lại chính mình”. Tông chỉ đó đã khuyên con người luôn quán chiếu lại mình, không chỉ quan sát sự hiện hữu và diễn tiến của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan để nhận thức về chúng mà còn quan sát ngược vào bên trong để tìm hiểu nội giới của chính bản thân mình…

Giáo lý Trúc Lâm răn dạy con người tâm hướng thiện. Tư tưởng Trúc Lâm lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị con người, đề cao việc rèn luyện luân lý đạo đức hơn là tôn giáo. Giáo lý Trúc Lâm khuyên răn con người không tham-sân-si, không làm việc ác, làm việc đức, việc thiện, thương yêu người khác, tôn trọng phép nước, kính cha, thờ vua, góp phần tích cực xây dựng nên một xã hội đạo đức, một Tịnh Độ ở trần gian;

Hệ thống chùa chiền, đội ngũ đông đảo các Thiền sư, cư sĩ Phật giáo Trúc Lâm là những người thầy dạy Đạo, giúp người Việt khai tâm sáng trí. Các trường ở làng xã, phủ châu thời Trần đều là trường tư thục. Nhiều ngôi chùa kiêm chức năng trường học. Nhiều Thiền sư, cư sĩ có tri thức trở thành thầy dạy học, góp phần mở mang, nâng cao dân trí. Các kinh sách, khoa nghi do các nhà kinh điển Phật giáo Trúc Lâm biên soạn đều được triều đình cho khắc in, phổ biến rộng rãi cả trong văn võ bá quan lẫn trong dân chúng…

Kim Thuỷ

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 34906 Tổng lượt truy cập 91966429