Sức xuân Uông Bí

Nói về sự phát triển của thành phố trẻ Uông Bí - vùng đô thị động lực phía Tây của tỉnh, dễ mang đến cho mọi người cảm nhận rằng, dường như sức xuân ở nơi đây luôn căng tràn cả bốn mùa vậy!

Toàn cảnh thành phố trẻ Uông Bí. Ảnh: Đức Thịnh (CTV)

Doanh nghiệp chủ động đón thời cơ
Một ngày gần Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, chúng tôi tới thăm công trường thi công Trung tâm Văn hoá lễ hội và Dịch vụ du lịch Yên Tử. Đây là dự án lớn trên địa bàn TP Uông Bí với tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Nơi này đang vào giai đoạn thi công phần thô. Có rất nhiều thiết bị, nguyên vật liệu đã được tập kết, phân loại tại đây để phục vụ cho việc xây dựng; hàng trăm công nhân lành nghề ai vào việc đó, tất cả đều khẩn trương, khéo léo, cần mẫn như những con ong thợ... Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị chủ đầu tư của dự án cho biết: Với mục tiêu phát huy tốt hơn nữa các giá trị đặc biệt của Yên Tử, tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm phật giáo cả nước, đồng thời cũng để bắt kịp định hướng chuyển dịch kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ du lịch của Uông Bí nên ngay từ sớm doanh nghiệp đã có sự hoạch định cho dự án này. Theo đó, các bước triển khai đều được thực hiện rất thận trọng, kỹ lưỡng từ việc lên ý tưởng, tư vấn, thiết kế và hiện nay là huy động cao nhất nguồn lực để thi công công trình. Với tiến độ như hiện nay, đến cuối năm 2017 tổng thể dự án sẽ được hoàn thiện.

Xác định để chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang phát triển dịch vụ du lịch, Uông Bí phải đảm bảo về môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực...

Cũng đón đầu định hướng lấy dịch vụ du lịch làm trụ cột phát triển số 1 của TP Uông Bí, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang triển khai thêm các dự án về bến xe, hệ thống dịch vụ đồng thời chuẩn bị đầu tư dự án cáp treo mở rộng (giá trị đầu tư trên 600 tỷ đồng) vừa được Chính phủ phê duyệt. Không chỉ có Tùng Lâm, hiện trên địa bàn Uông Bí, Tập đoàn Vingroup cũng đang tập trung xe, máy, nhân lực khẩn trương san nền để kịp tiến độ triển khai thi công xây dựng dự án Trung tâm thương mại Vincom vào đầu tháng 2-2017; Công ty TNHH Đức Phú đã đưa vào hoạt động một số hạng mục vui chơi giải trí thuộc dự án Trung tâm dịch vụ thương mại văn hoá thể thao Uông Bí, đang khẩn trương thi công toà nhà trung tâm 18 tầng...

Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Uông Bí, trong đó chủ lực là doanh nghiệp ngành than và điện cũng chủ động chuyển đổi và đẩy mạnh sản xuất để đón thời cơ của mình. Thời điểm tháng 8, khi ngành than còn đang trong khủng hoảng tồn đọng sản phẩm, song các đơn vị khai thác than trên địa bàn đã táo bạo với quyết định vẫn tăng sản lượng khai thác để kịp thời nắm bắt cơ hội khi Chính phủ cho tái xuất khẩu than trở lại (vào tháng 10-2016). Công ty Nhiệt điện Uông Bí ngay trong thời điểm ngành điện đang tập trung cho thuỷ điện (trước tháng 10) cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về con người và thiết bị máy móc để có thể phát căng tải vào mùa khô. Theo đó, trong quý cuối cùng của năm 2016 có tháng sản lượng than sạch đạt tới con số gần 7 triệu tấn/tháng; cũng trong thời điểm nói trên, công suất phát điện đạt gần 400 triệu kWh/tháng.

Đoàn doanh nhân Uông Bí thăm công trường thi công Trung tâm Văn hoá lễ hội và Dịch vụ du lịch Yên Tử của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm.

Chính quyền thiết lập nền tảng cho tăng trưởng xanh

Xác định để chuyển dịch thành công cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang phát triển dịch vụ du lịch, Uông Bí phải đảm bảo về môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực... Năm 2016 vừa qua đã chứng kiến hàng loạt các giải pháp quyết liệt mà Uông Bí triển khai nhằm đạt được các nhiệm vụ này. Tiêu biểu như việc dừng vận chuyển than bằng đường bộ, quản lý chặt hoạt động khai thác, vận chuyển đất đá, sỏi; trồng nhiều cây xanh, xây dựng trạm rửa xe tập trung; đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vào quy củ, tăng tổng mức đầu tư cho nông nghiệp cao hơn 15 lần; duy trì trạng thái cao điểm chống lấn chiếm vỉa hè, mái che, mái vẩy, xây dựng công trình đài phun nước thành phố, đặt tên đường phố, đánh số nhà; triển khai chính quyền điện tử tại 100% xã, phường, họp trực tuyến giữa xã, phường với thành phố, thắt chặt quy tắc ứng xử của công chức với nhân dân... Chính bởi vậy, môi trường Uông Bí hiện nay được đánh giá tốt; là thành phố công nghiệp nhưng Uông Bí có nhiều nông sản sạch, trong đó có 5 nông sản được lựa chọn là sản phẩm OCOP. Đô thị Uông Bí cũng đẹp hơn, đảm bảo mỹ quan hơn, đường thông hè thoáng; các đơn vị hành chính đều tạo điều kiện thuận lợi và hướng tới sự hài lòng tối đa cho người dân. Riêng công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm cao độ, nhờ đó đã thu hút dòng vốn của doanh nghiệp “đổ” vào Uông Bí. Chỉ tính riêng tổng đầu tư xã hội toàn thành phố năm 2016 đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm trên 10% còn lại hầu hết đều là vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn, mang tính động lực được khởi động hoặc triển khai lộ trình thực hiện như Dự án tuyến đường tránh phía Nam thành phố; Dự án đầu tư vào hồ Yên Trung, tuyến đường vào Yên Tử... Riêng hệ thống các trường học chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố hoạt động hiệu quả, trong đó Trường Đại học Hạ Long cơ sở chính đặt tại Uông Bí đã bước đầu tạo dựng niềm tin về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng không chỉ cho tỉnh. Đơn cử như năm 2016 điểm đầu vào trung bình của trường cao hơn nhiều so với trung bình cả nước, điều này cho thấy chất lượng cũng như uy tín đào tạo của Đại học Hạ Long.

Những khái quát nói trên có thể chưa phác hoạ được hết “bức tranh” tươi sáng của một Uông Bí ngày mới nhưng các kết quả mà thành phố trẻ này đạt được thật đáng tự hào trên hành trình đổi mới và phát triển.

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13676 Tổng lượt truy cập 94800556