Số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính
Thời gian qua, tỉnh tăng cường ứng dụng rộng rãi các dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) toàn trình trên môi trường điện tử. Để nội dung công tác này đạt được kết quả tốt, một trong những giải pháp tỉnh đang triển khai mạnh mẽ là số hóa hồ sơ, kết quả TTHC.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC toàn trình trên môi trường điện tử qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Theo số liệu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 1.244 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh (902 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 342 dịch vụ công trực tuyến 1 phần); 138 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện (88 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 50 dịch vụ công trực tuyến 1 phần); ở thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã hiện có 80 dịch vụ công trực tuyến (27 dịch vụ công tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến 1 phần).
Tỉnh cũng hoàn thành tích hợp 1.240 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 78%. Theo đánh giá sơ bộ, TTHC được thực hiện bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đã giúp nâng cao tính công khai, minh bạch và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, công tác cải cách TTHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số vấn đề như: Thành phần hồ sơ TTHC phải khai lại, chứng thực lại, nộp lại nhiều lần; kết quả giải quyết TTHC chưa thể tái sử dụng cho các lần làm thủ tục tiếp theo… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh về CCHC, hiện tỉnh đã và đang triển khai số hóa 100% TTHC từ khâu tiếp nhận tại các trung tâm hành chính công, thí điểm bóc tách dữ liệu đối với một số TTHC thuộc lĩnh vực trọng điểm và 6 dịch vụ công thiết yếu trong danh mục của Đề án 06 với mục đích tái sử dụng hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân, cho biết: Từ tháng 6/2022, khi bắt đầu triển khai số hóa hồ sơ TTHC, đến nay 100% hồ sơ TTHC được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận. Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã thực hiện số hóa được 17.029 hồ sơ, trong đó có 1.826 hồ sơ thuộc 5 lĩnh vực thí điểm đã thực hiện được bóc tách dữ liệu và lưu vào cơ sở dữ liệu chuyên dùng; ở cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 7.528/21.658 hồ sơ toàn trình theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử (đạt 34,76%).
Trên cơ sở công tác số hóa, bóc tách dữ liệu và tái sử dụng kết quả TTHC, các sở ngành chức năng của tỉnh hiện đang tham mưu phương án triển khai xây dựng Kho dữ liệu và Cổng dữ liệu mở dùng chung toàn tỉnh trong giải quyết TTHC.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ số hóa và giải quyết TTHC trên môi trường mạng cho CBCCVC các sở, ban, ngành của tỉnh.
Để phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả TTHC, trong năm 2022, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã tích cực phối hợp, triển khai số hóa, cập nhập dữ liệu hộ tịch lịch sử từ các sổ hộ tịch cũ tại địa phương nhằm mở rộng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh Quảng Ninh và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia. Đồng thời, điều tra, cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư; hoàn thành kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác khai thác và xác thực thông tin công dân, phục vụ giải quyết TTHC ở cả 3 cấp.
Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành 12 lớp đào tạo chuyển đổi số cơ bản và bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số trên nền tảng đào tạo mở trực tuyến do Bộ TT&TT tổ chức cho 31.000 CBCCVC trên toàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương cũng tổ chức tập huấn cho CBCCVC trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC về nghiệp vụ xử lý hồ sơ TTHC toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử, ký số văn bản điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa hồ sơ giải quyết TTHC.
Trong năm 2023, bên cạnh tiếp tục triển khai và hiệu chỉnh hệ thống số hóa đối với 100% hồ sơ TTHC thuộc tất cả các ngành, lĩnh vực, tỉnh đang xây dựng kế hoạch và sẽ nhanh chóng triển khai nền tảng số hóa và bóc tách dữ liệu tỉnh đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh. Trước hết, tập trung triển khai số hóa trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể tỉnh.
Đồng thời, xây dựng quy trình cho phép doanh nghiệp, người dân có thể tham gia số hóa dữ liệu nhằm phục vụ lưu trữ, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả hồ sơ, kết quả TTHC trên môi trường số, làm cơ sở thiết lập kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027