Số hóa Du lịch - Bước tiến mới của Uông Bí trên bản đồ Du lịch Việt Nam

Sở hữu nhiều di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên phong phú, Uông Bí được biết đến là điểm đến du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh. Đặc biệt, khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng cùng các danh thắng như hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh và đỉnh Bình Hương không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn có tiềm năng đón khách quốc tế. Tuy nhiên, lượng du khách đến Uông Bí còn hạn chế, tiềm năng kinh tế từ ngành du lịch chưa được khai thác tối đa. Trước tình hình đó, thành phố đẩy mạnh số hóa và truyền thông trên các nền tảng số nhằm tạo ra bước tiến mới cho du lịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án “Số hóa và truyền thông quảng bá du lịch trên các nền tảng số” của Uông Bí được triển khai nhằm mang lại trải nghiệm phong phú và hiện đại cho du khách. Các tài nguyên tự nhiên và văn hóa sẽ được chuyển đổi thành các định dạng kỹ thuật số như ảnh 3D, video 360 độ và bản đồ du lịch tương tác. Điều này không chỉ giúp bảo tồn di tích và tài nguyên mà còn cho phép du khách khám phá thuận tiện cảnh quan, văn hóa và lịch sử của Uông Bí từ xa qua các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube.

Bản đồ số hóa VR 360° tại khu di tích Yên Tử, sản phẩm được đưa vào sử dụng tháng 8/2024.

Tháng 8/2024, Uông Bí đã đưa vào sử dụng Bản đồ số hóa VR 360° tại khu di tích Yên Tử, sử dụng thuyết minh song ngữ Việt - Anh để quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên nổi bật của Yên Tử trong hành trình đề cử Di sản thế giới (https://smarttravel-vr.mobifone.vn/vr-tour/quan-the-di-tich-va-danh-lam-thang-canh-yen-tu).

Công nghệ thực tế ảo giúp du khách khám phá các điểm đến từ xa, với thông tin về từng địa danh hiển thị trực tiếp trên thiết bị cá nhân, mang lại trải nghiệm du lịch mới mẻ và độc đáo. Giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ mở rộng quy mô số hóa bằng bản đồ du lịch 360° bao quát toàn thành phố, chỉ dẫn đến 31 di tích.

Hồ Ngoạn Nguyệt - Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: Sưu tầm

Việc quảng bá trên các nền tảng số giúp Uông Bí xây dựng thương hiệu du lịch bền vững, tăng sức cạnh tranh với các địa phương khác. Số hóa du lịch không chỉ phục vụ du khách mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch tại Uông Bí. Bằng cách số hóa dữ liệu về địa điểm, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ, thành phố sẽ có một hệ thống thông tin nhất quán, dễ cập nhật, giúp quản lý hiệu quả và đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp thành phố hiểu hành vi du khách, đánh giá mức độ hài lòng, và điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch. Đây là cơ sở để tối ưu hóa chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Uông Bí, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Số hóa sẽ là động lực thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. Các sản phẩm số hóa như tour tham quan ảo, ứng dụng đặt vé và hướng dẫn giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong truyền thông du lịch giúp Uông Bí tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước, thu hút du khách và tạo nguồn thu ổn định cho địa phương. Mở rộng trên các nền tảng thương mại điện tử du lịch cũng giúp Uông Bí tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng thị trường và tăng doanh thu cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch còn kéo theo các lĩnh vực như vận tải, ăn uống, lưu trú và mua sắm, hình thành hệ sinh thái kinh tế bền vững.

Làng Nương - Yên Tử. Ảnh: Sưu tầm

Trong đề án phát triển số hóa, Uông Bí đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch qua công nghệ. Trước mắt, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng số, bao gồm wifi miễn phí tại các điểm du lịch, lắp đặt biển chỉ dẫn thông minh và xây dựng bản đồ du lịch điện tử. Các giải pháp này giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin và tìm đường, tạo trải nghiệm du lịch tiện lợi và thông minh.

Sông nước Phương Nam. Ảnh: Sưu tầm

Thành phố cũng sẽ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số hóa cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, giúp ngành du lịch thích ứng nhanh với công nghệ và cải thiện chất lượng dịch vụ. Sự hợp tác giữa thành phố và doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm số hóa sẽ là động lực giúp Uông Bí đạt mục tiêu trở thành thành phố du lịch thông minh vào năm 2030.

Hồ Yên Trung, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí. Ảnh: Sưu tầm

Với đề án số hóa và truyền thông, Uông Bí không chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên mà còn nâng cao năng lực quản lý, kết nối khách hàng và mở rộng thị trường. Đẩy mạnh số hóa du lịch, Uông Bí kỳ vọng trở thành điểm đến hiện đại, thân thiện, dễ tiếp cận, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng hình ảnh Uông Bí – điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Đỉnh Phượng Hoàng, phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1452 Tổng lượt truy cập 94729411