Sẽ sử dụng công nghệ số kiểm soát tài sản cán bộ
Quốc hội yêu cầu sau năm 2025 thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, công chức bằng cách sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.
Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Cơ quan chức năng cũng phải sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với bộ, ngành trung ương, làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Chậm nhất tháng 3/2023, các cơ quan phải ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo phải được nâng cấp, hoàn thiện, bảo đảm kết nối dữ liệu trên phạm vi toàn quốc và liên thông trong toàn hệ thống các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong làm rõ một số nội dung về công tác ngành thanh tra trước Quốc hội ngày 8/11. Ảnh: Phạm Thắng
Hàng loạt nhiệm vụ khác cũng được Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện, như nhanh chóng triển khai Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra; có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực để đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Việc thanh tra phải tập trung vào các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Chất lượng kết luận thanh tra phải được nâng cao, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận.
Quốc hội yêu cầu 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải được chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Cơ quan thanh tra phối hợp với Kiểm toán nhà nước để xử lý chồng chéo, không thanh tra, kiểm toán quá một lần/năm về cùng nội dung với một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Trước đó ngày 5/11, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng...
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027