Sẻ chia và thức tỉnh
Hàng nghìn phật tử, người dân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã hội tụ về chùa Trình Yên Tử (TP Uông Bí) tham gia Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2016. Đại lễ lần đầu tiên tổ chức trọng thể tại Quảng Ninh trong 3 ngày qua, vừa trang nghiêm, ý nghĩa, đồng thời đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông, an ninh trật tự...
Nhân văn, ý nghĩa
Chùa Trình Yên Tử, chốn đi về của nhiều tăng ni, phật tử mỗi dịp hành hương về với non thiêng Yên Tử của Phật giáo Trúc Lâm những ngày qua được trang hoàng rực rỡ hơn. Hàng nghìn phật tử mọi miền đất nước đã về tham gia nghi lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT. Nhiều đoàn với hàng trăm, thậm chí cả nghìn phật tử đã về tham gia Đại lễ trong cả 3 ngày. Để phục vụ cho Đại lễ, cả không gian lớn phía trước chùa được sử dụng dựng lễ đài với mái che khá chắc chắn. Sân khấu chính trang trí các loại hoa rực rỡ, màu áo nâu của phật tử, tiếng tụng kinh, niệm Phật đều đều, mùi hương thơm trầm ấm lan toả trong không gian khiến không khí càng thêm linh thiêng, ấm áp hơn.
Các đại biểu chuẩn bị bước vào buổi lễ.
Năm 2016 là năm thứ 5 Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do TNGT nhằm hưởng ứng Chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ, giai đoạn 2011-2020”, chương trình công tác Năm ATGT 2016 và hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”. Năm nay, Quảng Ninh được lựa chọn là địa điểm để tổ chức Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT trong cả nước với ý nghĩa “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”. |
Ngày thứ 3 của Đại lễ cũng là ngày chính lễ diễn ra trang nghiêm mà xúc động. Cả hội trường như lặng đi khi nghe những con số về TNGT hàng năm của Việt Nam: Mỗi ngày trôi qua, TNGT lại cướp đi sinh mạng của 24 người và làm cho gần 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự mất mát, tang thương và đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xoá nhoà trong ký ức của người thân, bạn bè những người bị nạn...
Đến với Đại lễ có hàng nghìn phật tử, người dân mọi miền, trong đó không ít gia đình có người thân là nạn nhân của TNGT. Ai cũng biết, người ra đi vì TNGT là một nỗi đau, nhưng người ở lại nỗi đau cũng như trách nhiệm xã hội còn lớn hơn nhiều lần, vì họ còn cha mẹ già cần phụng dưỡng, gia đình, con cái cần được chăm lo, nuôi dưỡng. Chính vì vậy mà Đại lễ năm nay có chủ đề “Tưởng nhớ người ra đi, vì người ở lại”. Dự Đại lễ, nhìn biết bao gương mặt buồn đau không thể che giấu, những giọt nước mắt lăn dài trên khoé mắt..., ai cũng bùi ngùi với nỗi đau mà họ khó có thể sẻ chia và cảm nhận phía sau đó là biết bao éo le, ngang trái.
Đưa ra lời cảnh tỉnh về TNGT cũng như chuyển tải thông điệp tới mọi người, Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPG Việt Nam, Trưởng BTS GHPG tỉnh, chia sẻ: Sống chết là lẽ đương nhiên của kiếp người, nhưng ai ai cũng muốn được sống, sự chết thì không ai muốn chấp nhận nó. Tuy nhiên, con người lại rất hay bất cẩn trong khi tham gia giao thông, không tôn trọng luật giao thông, không tôn trọng và bảo vệ tính mạng cho mình và cả cộng đồng, xã hội. Cũng vì thế mà bao nhiêu người mất, bao người phải chịu thương tật suốt đời vì TNGT. Năm nay, số lượng người chết, số vụ TNGT chết người xảy ra ít hơn nhưng lại là những vụ TNGT thảm khốc, đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm. Đây là lời cảnh báo nguy cấp, cần nỗ lực tuyên truyền, phát động thành cao trào nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, giữ gìn tính mạng như là giữ gìn hơi thở và tròng mắt của mỗi người. “Người sống như đống vàng, còn người là còn tất cả, người mất là mất tất cả”, “Thà chậm một giây còn hơn là gây ra tai nạn để lùi cả cuộc đời”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim” với khát vọng một cuộc sống an bình cho mình và cho mọi người cùng tham gia giao thông, tạo nên nét đẹp văn hoá, an toàn giao thông trên mọi nẻo đường đất nước...
Các nghi lễ của đại trai đàn cầu siêu lần này không chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm, cầu mong sự siêu thoát, bình an sẽ đến với linh hồn của những nạn nhân TNGT, trong ngày chính lễ, nhiều phần quà đã được trao cho các gia đình có người thân tử vong do TNGT nhằm chia sẻ, làm vơi bớt phần nào những mất mát mà họ đang phải gánh chịu...
Tuyệt đối an toàn
Năm An toàn giao thông 2016 là năm thứ 5 Uỷ ban ATGT quốc gia phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức tôn giáo hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tổ chức các hoạt động hướng tới Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Trong đó, Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong vì TNGT do GHPG Việt Nam chủ trì lần đầu tiên tổ chức tại chùa Trình Yên Tử, Quảng Ninh. Xác định đây là sự kiện mang tầm quốc gia, Quảng Ninh đã rất chú trọng công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Đại lễ.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, trong ngày chính lễ, lượng người tập trung tại khu vực chùa Trình rất đông, nhưng mọi việc diễn ra quy củ, không xảy ra tình trạng ách tắc, lộn xộn. Lực lượng công an rải đều trong khu vực Đại lễ, đặc biệt khu vực trước tam quan chùa Trình, các điểm giao cắt các tuyến đường trong khu vực lân cận để phân luồng, hướng dẫn giao thông và xử lý các tình huống phát sinh về giao thông. Tuyến quốc lộ 18 chạy qua khu vực chùa Trình đảm bảo thông suốt, được rải nước để dập bụi. Đơn vị thi công mở rộng đường khu vực lân cận đã dừng các hoạt động để phục vụ cho Đại lễ. Các bãi đỗ xe được bố trí phát huy hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã tiến hành phân làn các lối đi vào khu vực Đại lễ để tránh tình trạng lộn xộn. Các nhóm tình nguyện viên, phật tử thực hiện hướng dẫn người dân, du khách chu đáo, tận tình. Các đội trực y tế, cứu hoả, điện luôn thường trực sẵn sàng, phòng các tình huống bất ngờ xảy ra...
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban Trị sự GHPG tỉnh, cho biết: Trong 3 ngày Đại lễ mỗi ngày ước có khoảng từ 5 đến 6 nghìn phật tử, gia đình có người thân tử nạn vì TNGT tham dự. Các phật tử ở lại dự Đại lễ cả 3 ngày với các hoạt động diễn ra từ 5h sáng đến 9-10h tối nên công tác hậu cần phục vụ được Ban tổ chức chú ý chăm lo. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều diễn ra tại chùa Trình với 3 bữa cơm hộp/ngày; buổi tối một số nghỉ tại chùa Trình, phật tử chủ yếu nghỉ tại chùa Ba Vàng và một số điểm khác. Đây là nghi lễ tâm linh mang ý nghĩa về ATGT nên công tác đảm bảo ATGT trong 3 ngày được các lực lượng công an, dân phòng địa phương giúp đỡ rất tốt. Xung quanh khu vực chùa Trình và lân cận không xảy ra ách tắc giao thông, TNGT, an toàn tuyệt đối. Vệ sinh ATTP được kiểm nghiệm, đảm bảo tốt...
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Chương trình truyền hình TP Uông Bí ngày 29/03/2024
- Phường Trưng Vương phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025
- Hội nghị Đại biểu Người lao động Công ty Nhiệt điện Uông Bí năm 2025
- Kiên Giang: Cảnh cáo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành do kê khai tài sản không trung thực
- Hội nghị nghe báo cáo về đề xuất định hướng xây dựng dự án Trường Trung học phổ thông quốc tế Stephen Hawking
- Khai trương Trung tâm ươm tạo và đào tạo bán dẫn (VSIC)
- 3 tháng đầu năm công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố được chỉ đạo quyết liệt
- Uông Bí hoàn thành và đảm bảo an toàn chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2025
- Lãnh đạo EVNGENCO1 kiểm tra công tác vận hành mùa khô tại Công ty Nhiệt điện Uông Bí
- Thành phố Uông Bí triển khai kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2025
- Tự hào 90 năm Ngày truyền thống Dân quân tự vệ
- Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng: Nhiệm vụ tất yếu và cấp bách