Sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng để chủ động đón các nhà đầu tư

6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã gần hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư của cả năm với kết quả đạt 83% chỉ tiêu về vốn FDI và 102,4% chỉ tiêu về vốn trong nước. Để làm được điều này, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, trong đó có công tác đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư.

Thực tế cho thấy, những năm qua Quảng Ninh đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, công trình cấp điện, nước đến vị trí các dự án; đến chân hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN theo quy hoạch. Trong đó, tổ chức các hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đôn đốc, rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án trong KCN, KKT, trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù, GPMB, đơn giá thuê đất, thủ tục đất đai, cấp mỏ đất, nhu cầu sử dụng điện, kết nối hạ tầng dự án,... để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN. Các địa phương, sở, ngành thường xuyên quan tâm, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp đã được thành lập như: Cụm công nghiệp Tràng An, Cụm công nghiệp Phương Nam, Cụm công nghiệp Đông Mai, Cụm công nghiệp Vân Đồn... khẩn trương triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, sớm đi vào hoạt động.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay thực trạng bố trí quỹ đất sạch và đầu tư cơ sở hạ tầng trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh cụ thể: Khu công nghiệp Sông Khoai còn diện tích có thể cho thuê đến cuối 2023 là 21,07ha, không đáp ứng đủ nhu cầu thu hút FDI đến cuối năm; hạ tầng cấp điện dự kiến quý III/2023 là 189MVA, quý IV/2024 là 2x63MVA-110/22Kv. Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong còn diện tích có thể cho thuê là 100ha (gồm 40ha đất CN, 60ha đất cảng biển, logistics); hạ tầng cấp điện đến hết năm 2024 là 30MW. Khu công nghiệp Nam Tiền Phong còn diện tích có thể cho thuê là 137,95ha; hạ tầng cấp điện kế hoạch 2025-2026, trạm 2x63MVA. Khu công nghiệp Texhong (GĐI) hiện đang có 200ha đất sạch sẵn sàng thu hút đầu tư (120ha đất đã được giao và 80ha đất đang làm thủ tục xin thuê đất); hạ tầng cấp điện: 4x63MW (vận hành 2 máy) 2024: 50MW điện tự dùng tại dự án khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường và Dự án nhiệt điện đồng phát 2100MW sẽ đầu tư khi có các hộ tiêu thụ điện lớn theo giai đoạn.

Về hạ tầng giao thông, tỉnh đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông tới các cảng biển, sân bay và hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tham mưu triển khai dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc - Tây Bắc; trình cấp có thẩm quyền xem xét khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại. Hiện Quảng Ninh cũng đang triển khai các thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án giao thông kết nối liên vùng, kết nối vùng thấp với vùng cao, vùng động lực với vùng khó khăn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án hạ tầng giao thông lớn như: Dự án cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3; dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc, dự án Đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ Nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338; dự án Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, Đường giao thông nối QL18 với ĐT334 tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả...

Song song với đó, Quảng Ninh cũng tích cực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2023 đang được xem xét, nghiên cứu, dự kiến năm 2023 có khoảng 19 dự án nhà ở thương mại triển khai với tổng diện tích sàn khoảng 2.100.000 m2; khoảng 7.000 căn nhà của người dân tự xây dựng với khoảng 800.000m2 sàn; khoảng 24 dự án nhà ở, đất ở tái định cư với khoảng 2.000 ô đất tái định cư. Tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Sở Xây dựng và UBND các địa phương cũng đang đôn đốc triển khai các dự án nhà ở công nhân KCN, KKT, công nhân ngành than; nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Bằng những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư tại Quảng Ninh đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tổng vốn đầu tư thu hút trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tính đến thời điểm ngày 8/7/2023 đạt 62.428 tỷ đồng, bằng 124,86% kế hoạch thu hút đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm 2023.

Theo Bảo Bình/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3495 Tổng lượt truy cập 91860554