Sa Pa chủ động chống rét sớm cho gia súc

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, nhiệt độ tại Sa Pa giảm thấp. Ngày 9-11, nhiệt độ giảm còn hơn 10 độ C. Rét đậm, rét hại bắt đầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và đời sống của người dân địa phương. Huyện Sa Pa đã chủ động phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét hại gây ra.

Củng cố chuồng trại nuôi gia súc

Làm chuồng trại kín gió và cho gia súc ăn thức ăn dự trữ trong những ngày rét hại.

Sáng ngày 9-11, chúng tôi ngược quốc lộ 4D lên Sa Pa, trong khi trời mưa rả rích, sương mù dày đặc, gió bấc thổi ào ào, nhiệt độ xuống thấp cỡ hơn 10 độ C, rét lạnh luồn vào da thịt run lên từng đợt.

Đến thôn Má Tra, bắt gặp vợ chồng anh Má A Vàng đang miệt mài gia cố thêm tấm chắn gió lùa cho chiếc chuồng trâu rộng khoảng 15 mét vuông, cho ba con trâu trưởng thành của gia đình. Chuồng trâu của gia đình anh Vàng làm cách xa nhà, ở vị trí khuất gió, được làm bằng cột gỗ kê chắc chắn, mái lợp bằng fibrô xi-măng kín khít. Dừng tay, anh Vàng bảo: “Mình phải che thêm mấy tấm ván này nữa để chống gió lùa, giữ cho trâu được ấm. Ba con trâu là tài sản lớn của gia đình, vì thiếu nó thì không biết lấy gì cày nương, bừa ruộng để trồng trọt, nuôi sống gia đình”.

Thôn Má Tra, thuộc xã Sa Pả là một trong những “rốn rét” của Sa Pa mỗi khi mùa đông tới. Năm ngoái (2015), rét hại và băng tuyết muộn đã làm chết gần hai trăm con trâu, bò của cả xã Sa Pả; riêng thôn Má Tra bị chết mất mấy chục con, làm đảo lộn cuộc sống của những gia đình người dân tộc Mông ở đây. Nhờ có Nhà nước hỗ trợ một phần nên bà con xã Sa Pả đã gầy dựng lại được đàn gia súc, nhà khá thì có hơn chục đầu trâu, nhà ít thì cũng có 1-2 đầu trâu, bò sinh sản và làm sức kéo, phục vụ trồng trọt.

Để phòng, chống rét hiệu quả nhất cho đàn gia súc hơn 12 nghìn con, trong đó có hơn 10 nghìn con trâu và 1.800 con bò, huyện Sa Pa tập trung mạnh vào khâu chuồng trại. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao có “thói quen” thả rông gia súc trong rừng, đến mùa cần bắt về cày ruộng nương mới lên rừng tìm bắt trâu về nhà. Vì thế, vào mùa đông, rét đậm rét hại, băng tuyết là trâu lại chết rét nhiều, do đói và rét, sức đề kháng kém.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Pa cho biết: Một mặt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ khuyến nông, trạm thú y huyện “bám dân, bám bản” đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc; mặt khác huyện có chính sách hỗ trợ tiền mua vật liệu (hai triệu đồng/chuồng/hộ nghèo) giúp người dân làm chuồng gia súc. Ở một số nơi, như xã Tả Phìn, đồng bào người dân tộc Mông có “sáng kiến” lập tổ đổi công, sử dụng nguyên liệu đất tại chỗ để làm chuồng gia súc bằng cách “trình tường” dày từ 25-40cm, vừa ấm về mùa đông, vừa mát về mùa hè. Tính đến nay, toàn huyện Sa Pa đã có 92% số hộ chăn nuôi đã có chuồng trại cho gia súc, bảo đảm giữ ấm trong mùa đông; cơ bản chấm dứt tình trạng thả rông gia súc.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thành, đây là điều kiện tiên quyết để hạn chế đến mức thấp nhất số gia súc bị chết rét trong mùa đông khắc nghiệt, kéo dài ở Sa Pa. Tuy nhiên, trước mùa đông năm nay, Sa Pa còn khoảng gần 400 hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thiết yếu, đa số là những hộ nghèo và cận nghèo ở vùng núi cao, vùng sâu vùng xa. Huyện Sa Pa đang thực hiện giải pháp, vận động họ hàng giúp nhau làm chuồng trại; trường hợp khó khăn sẽ hỗ trợ kinh phí để giúp hộ dân làm chuồng chống rét cho gia súc.

Dự trữ thức ăn và chăn thả gia súc theo khuyến cáo của khuyến nông

Người dân Sa Pa kiểm tra cây rơm dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông lạnh.

Sa Pa hiện có khoảng năm nghìn hộ chăn nuôi trâu, bò; trong điều kiện đàn gia súc tăng nhanh, trong khi diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp do xây dựng các công trình thủy điện và công trình du lịch. Mặt khác, mùa rét kéo dài kèm theo sương muối khiến cỏ lụi tàn, vì vậy, cần phải tăng cường dự trữ thức ăn cho gia súc. Đây cũng là việc làm khó, bởi tập quán, thói quen lâu đời của người dân bản địa thường dựa vào tự nhiên. Huyện Sa Pa tập trung hướng dẫn người dân dự trữ rơm rạ khô, trồng cỏ voi, trồng ngô dày lấy thân lá làm thức ăn xanh và tận dụng phụ phẩm của rau xanh các loại để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông giá rét.

Người dân xã Sa Pả, huyện Sa Pa, lùa trâu đi tránh rét.

Tính đến nay, đã có khoảng 80% số hộ chăn nuôi đã dự trữ thức ăn cho gia súc, trong đó có khoảng 50% bảo đảm dự trữ được từ 70- 100% thức ăn cho gia súc trong suốt mùa đông năm nay. Số còn lại, huyện Sa Pa đang lập các tổ công tác xuống cơ sở tích cực vận động và hướng dẫn người dân tiếp tục tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho gia súc; đối với những hộ quá khó khăn thì hướng dẫn đồng bào “sơ tán” trâu, bò xuống vùng thấp tránh rét. Năm nay, huyện Sa Pa chú trọng vận động người dân chủ động dự trữ ngô, thóc (loại kém chất lượng, khó bán) để làm thức ăn tinh dự bổ sung cho gia súc vào cữ rét hại mạnh nhất.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa, nhấn mạnh, bên cạnh việc tăng cường dự trữ thức ăn khô, cán bộ khuyến nông xuống tận từng thôn, bản khuyến cáo người dân chăn thả gia súc theo lịch mùa đông, đó là: Thả muộn, về chuồng sớm. Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ xuống quá thấp hoặc khi thời tiết rét hại kèm theo sương muối, nhốt hoàn toàn gia súc trong chuồng trại, tuyệt đối không thả ra ngoài trời.

Bên cạnh đó, lực lượng thú y chuẩn bị đủ cơ số thuốc để phòng, chống các loại bệnh như cước chân, lở mồm long móng cho gia súc trong mùa đông và khi nắng ấm trở lại.

 

 

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5958 Tổng lượt truy cập 94786534