Quy định mới về quản lý trang thông tin điện tử, mạng xã hội

Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã bổ sung một số quy định về quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Theo đó, các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream hoặc các hoạt động phát sinh doanh thu.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), hiệu lực của giấy phép theo đề nghị của đơn vị xin cấp phép, nhưng không quá 5 năm. Mạng xã hội có giấy phép phải báo cáo về tổng số lượt truy cập và người sử dụng thường xuyên theo tháng với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các mạng xã hội đã được cấp phép mới được cung cấp livestream hoặc các hoạt động phát sinh doanh thu.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ gắn công cụ để quản lý thông tin trang thông tin điện tử tổng hợp và đo lượng truy cập các mạng xã hội đã thông báo, cấp phép. Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ thống kê và có văn bản thông báo cho các mạng xã hội đạt mức lượng truy cập lớn thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định.

Các trang tin thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội sẽ được cơ quan chức năng gửi cho đoạn mã biểu tượng nhận diện đã cấp phép để gắn trên website/ứng dụng, liên kết đến dữ liệu của cơ quan cấp phép.

Nghị định 147 cũng có thêm các quy định nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Cụ thể, trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ được đăng phát chậm hơn 1 giờ so với tin gốc, lấy nguồn tin từ ít nhất 3 cơ quan báo chí.

Trang thông tin điện tử tổng hợp có liên kết với báo điện tử chỉ được sản xuất về một số lĩnh vực nhất định. Báo điện tử phải chịu trách nhiệm nội dung liên kết, tỷ lệ tin bài liên kết không quá 50% tổng số tin, bài của cơ quan báo chí trong 1 tháng.

Trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền, tên trang gây nhầm lẫn báo chí, không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang.

“Cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm về nội dung của các trang thông tin điện tử liên kết. Tỷ lệ tin bài liên kết không vượt quá 50% tổng tin bài phát hành của cơ quan báo chí để tránh sự chi phối của các doanh nghiệp tư nhân. Nhân viên của trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép nói tôi là phóng viên, nhà báo để đi làm tin, tác nghiệp, sản xuất tin”, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh.

Mạng xã hội không được sắp xếp bài viết của thành viên thành các chuyên mục cố định, không đăng tải, viết bài dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí, không sử dụng những từ ngữ thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí.

Nghị định 147 cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của người sử dụng. Theo đó, người dùng phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình cung cấp, lưu trữ, truyền đưa, chia sẻ trên mạng.

Người dùng phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ chuyên ngành trên mạng xã hội; tuân thủ quy định về thuế và thanh toán khi có hoạt động kinh doanh, phát sinh doanh thu.

Các chủ kênh, tài khoản, nhóm cộng đồng, trang cộng đồng (fanpage) trên các mạng xã hội tại Việt Nam không đặt tên kênh, tài khoản, nhóm giống hoặc trùng với cơ quan báo chí hoặc gây nhầm lẫn cơ quan báo chí.

Chủ kênh, tài khoản, nhóm cộng đồng, trang cộng đồng có trách nhiệm tạm khóa, gỡ bỏ thông tin vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác chậm nhất 48 giờ khi có yêu cầu từ người sử dụng mạng xã hội hoặc chậm nhất không quá 24 giờ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định mới, chủ kênh, tài khoản, nhóm cộng đồng, trang cộng đồng không lợi dụng để sản xuất nội dung dưới hình thức phóng sự, điều tra, phỏng vấn báo chí, khi livestream phải tuân thủ quy định tại Nghị định 147 và quy định chuyên ngành về thuế, hoạt động thanh toán...

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19077 Tổng lượt truy cập 94764119