Quy định 189-QĐ/TW: Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công

Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương nêu cụ thể những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công.

Ngày 08/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Theo đó, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Quyền lực nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả; mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước.

Nội dung kiểm soát phải toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động kiểm soát phải tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công.

2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong quản lý, sử dụng tài chính công.

3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công.

4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

5. Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.

6. Chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao trái với quy định của pháp luật; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.

7. Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.

8. Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

9. Sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật.

10. Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật. Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.

11. Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định. Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật.

12. Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công.

13. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài chính công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

 Xử lý vi phạm

Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo

Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các nội dung nêu tại Quy định này thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu)

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công vi phạm các nội dung quy định thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình và trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các hành vi nêu tại Điều 8, Điều 9 của Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang công tác khi có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đề nghị, kết luận của cơ quan có thẩm quyền còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

- Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

- Tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn, bổ nhiệm lại, tái cử, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10760 Tổng lượt truy cập 94747240