Quảng Ninh - Nơi in dấu tâm hồn thợ mỏ

Ở vùng đất vàng đen của Tổ quốc, có một mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau giữa ngành kinh tế và hệ thống chính trị, là “Than với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Than”. Lớp lớp thế hệ những người thợ mỏ là máu thịt của nhân dân Quảng Ninh! Trong chiến tranh những người thợ mỏ là những chiến sỹ sản xuất than phục vụ cho công cuộc tái thiết miền Bắc XHCN. Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, ngành Than là ngành kinh tế chủ lực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới các thế hệ thợ mỏ tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm làm chủ công nghệ khai thác than hiện đại sản xuất hàng triệu tấn than cho Tổ quốc, góp phần “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để khai thác "vàng đen" cho Tổ quốc những người thợ lò Công ty CP Than Vàng Danh phải làm việc ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Môi trường làm việc thợ lò khá vất vả, ngày cũng như đêm, họ phải thường xuyên thay đổi đi 3 ca liên tục.

Dưới những tầng than sâu, dẫu phải đối mặt với khó khăn, vất vả, hiểm nguy song những người thợ mỏ luôn nêu cao khẩu hiệu "Kỷ luật- Đồng tâm" quyết tâm giữ vững an toàn, đảm bảo hoàn thành sản lượng khai thác than.

Để lấy được những mẻ than đen nhánh, lấp lánh trong lòng đất thợ lò phải thực hiện các mũi khoan sâu để tìm kiếm, tiếp cận, khơi thông nguồn "vàng đen" mới...

Thợ lò Trần Tuấn Anh, Phân xưởng Khai thác 8, Công ty CP Than Vàng Danh chia sẻ: Dù lao động vất vả trong môi trường làm việc đặc biệt nhưng thu nhập của thợ lò rất ổn. Hiện tại, thu nhập của tôi đạt 22-25 triệu đồng/tháng.

Trong điều kiện diện sản xuất ngày càng xuống sâu, hiện nay, ngành Than đang đẩy mạnh "3 hóa" (cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa) trong các dây chuyền sản xuất. Những công nghệ khai thác than hiện đại sẽ giúp các đơn vị tiết giảm lao động, cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo an toàn, nâng cao năng suất lao động cho hàng nghìn công nhân. Ảnh chụp tổ khai thác Phân xưởng Khai thác 4 (Công ty Than Nam Mẫu) đang bảo trì hệ thống giá khung vào lắp đặt tại lò chợ.

Công ty Than Nam Mẫu là một trong những đơn vị đi đầu trong ngành Than về ứng dụng "3 hóa" trong sản xuất. Ảnh chụp công nhân Công ty Than Nam Mẫu sửa chữa công nghệ chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY. Đây là công nghệ phù hợp với các lò chợ vỉa đứng góp phần nâng cao năng suất và công tác an toàn cho người lao động.

Máy đào lò Com bai AM-50Z được mệnh danh là một trong những cỗ máy đào lò nhanh, hiệu quả nhất đang được các đơn vị trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam áp dụng hiệu quả.

Thợ lò Ngô Duy Ngọc, Phân xưởng Khai thác 4 (Công ty Than Nam Mẫu) gắn bó với nghề hơn chục năm nay là từng đấy năm đội mũ, chui lò. Anh chia sẻ: "Nghề mỏ quả thực nhiều vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm độc hại nhưng qua mỗi năm, với bao nỗ lực, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ mới, điều kiện làm việc đã ngày một tốt hơn, tăng năng suất và hiệu quả gấp 3-4 lần trước kia. Đây là những yếu tố giúp chúng tôi thực thực sự yên tâm, tiếp tục cống hiến với nghề".

Không chỉ dưới các tầng than sâu, trên các khai trường mỏ lộ thiên vùng Cẩm Phả việc khai thác than đang được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao cho thị trường...

Những tấn "vàng đen" sau khi được khơi thông dưới lòng đất sẽ được kéo ra cảng Cửa Ông (TP Cẩm Phả) sàng tuyển, chế biến trước khi tiêu thụ.

Trung bình mỗi năm, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam sản xuất và tiêu thụ trên 40 triệu tấn than cung cấp phục vụ cho các ngành nghề kinh tế...

Theo Phạm Tăng- Phạm Cường- Quốc Khương (CTV)/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4604 Tổng lượt truy cập 94783880