Quảng Ninh nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ
Sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên của Đảng ta. Bác Hồ đã viết: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giúp đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và rèn luyện đội ngũ đảng viên, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những năm vừa qua, thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và các nghị quyết về xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ vào điều kiện cụ thể, tập trung làm rõ những nội dung cơ bản, những điểm mới, khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, liên hệ với thực tiễn của địa phương, đơn vị để tìm ra cách làm thiết thực, hiệu quả. Hằng năm, cấp ủy các cấp đã khảo sát, đánh giá về nền nếp, chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó nghiêm túc rút kinh nghiệm đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ.
Việc thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo bài bản, khoa học và có hiệu quả. Ngay từ năm 2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo thống nhất thời gian sinh hoạt chi bộ trong toàn tỉnh là vào ngày mồng 3 hàng tháng. Từ năm 2011, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy hoàn thành sớm mục tiêu Nghị quyết số 22 (Trung ương 6 khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bô, đảng viên”, 100% thôn, bản, khu phố, trường học trong toàn tỉnh đã thành lập được chi bộ, không còn chi bộ thôn, bản sinh hoạt ghép. Năm 2012, đã ban hành thống nhất đồng bộ mẫu sổ nghị quyết cấp ủy, chi bộ; hệ thống mẫu biểu quản lý, theo dõi đảng viên, sổ tay đảng viên; khắc phục dứt điểm tình trạng mỗi chi bộ thực hiện một loại sổ ghi nghị quyết.
Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh dự sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Bảo tàng Quảng Ninh tháng 9/2024. Ảnh Thanh Tùng
Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh và cấp ủy cơ sở đã thực hiện phân công các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ các ban Đảng hàng tháng dự sinh hoạt chi bộ. Qua đó kịp thời nắm bắt tình hình cơ sở, đề xuất, kiến nghị của đảng viên và nhân dân để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, đồng thời hướng dẫn, định hướng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Năm 2015 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Trong đó có nội dung về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thống nhất nhiệm kỳ bầu trưởng, phó thôn, bản khu phố với nhiệm kỳ đại hội chi bộ theo phương châm “Dân tin, Đảng mới cử”; thực hiện nghiêm túc chủ trương người đứng đầu cơ quan, đơn vị là bí thư chi bộ và bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã có nhiều giải pháp, cách làm hay để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh có 63 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 39 đảng bộ và 24 chi bộ cơ sở, trên 4.500 đảng viên ở các cơ quan sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh. Năm 2007, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn công tác xây dựng Đảng với hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn để đánh giá công tác xây dựng Đảng; đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh, nhờ nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ đó, đã giúp tỉnh hoàn thiện 7 quy hoạch chiến lược có tầm nhìn dài hạn, đổi mới phương thức thu hút đầu tư, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu sang xanh”,… tạo cho Quảng Ninh có những bước phát triển đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và cải cách hành chính. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quảng Ninh là tỉnh liên tiếp duy trì được mức tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tục từ 2015-2023.
Các thành ủy, huyện ủy và các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã tổ chức giao ban định kỳ giữa thường trực huyện ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành liên quan với các cấp ủy cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố để trao đổi, phản ánh, nắm tình hình. Các đảng bộ huyện thị xã, thành phố đã tổ chức giao ban giữa Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND các cơ quan liên quan với bí thư chi bộ mỗi năm 2 lần để nắm tình hình và giải quyết khó khăn, vướng mắc của địa phương.
Hằng năm, các cấp ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện vai trò lãnh đạo của chi bộ, tổ chức tập huấn cho cấp ủy viên, bí thư chi bộ về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng.
Các đảng bộ địa phương, đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Quân sự, Đảng ủy Công an tỉnh đã tổ chức Hội thi Bí thư chi bộ giỏi, thiết thực lan tỏa hình mẫu bí thư chi bộ có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn. Các Thành ủy: Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả; các Huyện ủy: Hải Hà, Đầm Hà đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm chuyên đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cho chi ủy và cấp ủy cơ sở nhất là địa bàn thôn, bản, tổ dân phố. Các Huyện ủy: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên xây dựng Đề án kết nạp đảng viên là người hoạt động không chuyên trách, lực lượng dự bị động viên, dân quân ở thôn, bản tập trung ở địa bàn miền núi, biên giới, vùng đồng bào DTTS.
Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện có 40 cơ sở đảng trực thuộc, 8 đảng bộ bộ phận, 899 chi bộ trực thuộc, trên 18.800 đảng viên. Các doanh nghiệp/đơn vị có tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Than Quảng Ninh với nhiều mô hình khác nhau, giữ vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đã được Đảng ủy Than Quảng Ninh hết sức chú trọng.
Đảng viên phường Phương Nam, TP Uông Bí giúp nhân dân dọn dẹp sau bão số 3.
Việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở Quảng Ninh đã từng bước được nâng lên. Theo kết quả khảo sát, 100% các chi bộ trong toàn đảng bộ tỉnh đều duy trì thường xuyên mỗi tháng một kỳ sinh hoạt. Tỷ lệ đảng viên tham gia các kỳ sinh hoạt chi bộ tăng. Nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh đã tập trung thảo luận và giải quyết tốt những vấn đề thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.
Số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn hoặc kiêm trưởng ban công tác mặt trận theo Đề án 25 đã nâng lên trên 1.400. Đội ngũ bí thư chi bộ đa số có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý tình huống, biết lắng nghe và phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Các đảng viên được phân công công tác và giao nhiệm vụ cụ thể cơ bản đều nhận thức rõ trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh đã xây dựng quy chế làm việc, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa bí thư chi bộ với chi ủy viên, với trưởng thôn, khu phố (chi bộ khu dân cư), với thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các đoàn thể nhân dân. Các chủ trương quan trọng của tỉnh đều được bàn bạc, thảo luận và quyết định tập thể. Nhiều vấn đề quan trọng khi được tập thể chi bộ bàn bạc, thống nhất về nhận thức và phương hướng hành động đã được thực hiện, giải quyết kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư, Khu trưởng Chi bộ khu 4, phường Quang Trung, TP Uông Bí cho biết: Qua triển khai thực tế tại chi bộ mình cũng như nắm thông tin chi bộ bạn, tôi cho rằng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của tỉnh Quảng Ninh được tiến hành tích cực, khoa học và có hiệu quả cao.
Cùng ý kiến trên, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Bí thư Chi bộ khu Nam Sơn, Đảng bộ phường Nam Khê, TP Uông Bí, cho rằng: Khi nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các chi bộ đã khắc phục được những hạn chế trước kia như: Chuẩn bị nội dung họp chi bộ sơ sài; thiếu chủ động, nhạy bén với những vấn đề thực tiễn đặt ra; sinh hoạt học tập chưa thiết thực, hiệu quả thấp, có nơi chưa nghiêm túc, cán bộ đảng viên chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo, lúng túng trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên chưa đi vào chiều sâu, nhất là đảng viên ở nông thôn và khu phố…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sinh hoạt chi bộ ở Quảng Ninh vẫn còn những hạn chế. Đó là việc quản lý, theo dõi đảng viên ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú và thực hiện nghĩa vụ công dân với địa phương chưa chặt chẽ; công tác kết nạp đảng viên trong đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu phố và trong doanh nghiệp tư nhân chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng và ban hành quy chế làm việc của chi bộ chưa đầy đủ; việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quy định hàng năm chất lượng còn thấp… Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên và liên tục.
Đồng chí Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong thời gian tới, các cấp ủy tiếp tục nhận thức rõ, đúng tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình cụ thể, chi bộ xác định nội dung sinh hoạt phù hợp. Bí thư chi bộ và chi ủy phải chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt; phân công nhiệm vụ cho đảng viên phù hợp với năng lực, sở trường. Mỗi buổi sinh hoạt phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tạo không khí cởi mở để đảng viên thảo luận trong sinh hoạt chi bộ...
Một buổi sinh hoạt chi bộ tại Chi bộ Công an phường Quang Trung, TP Uông Bí.
Cùng với đó, chi bộ cần theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên, kiểm tra chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, ý thức trách nhiệm, phong cách lề lối làm việc, phẩm chất đạo đức của từng đảng viên. Các cấp ủy cần nâng cao chất lượng đảng viên, công tác kết nạp đảng viên, nhất là địa bàn dân cư, lựa chọn những quần chúng ưu tú để giới thiệu vào Đảng; thường xuyên kiện toàn mô hình chi bộ cho phù hợp; kiện toàn chi ủy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Đồng chí bí thư chi bộ phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, có kinh nghiệm nhất định về công tác đảng, được quần chúng và đảng viên tín nhiệm.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của chi bộ, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên và quần chúng nhân dân, phân công cán bộ của cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt chi bộ bảo đảm nền nếp, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến… Có như vậy mới đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng "chi bộ 4 tốt" mà Tỉnh uỷ Quảng Ninh đề ra, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị.
Tin tức khác
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025