Quảng Ninh hướng tới chính quyền số

Năm 2020, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Thực hiện chương trình này, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng các kế hoạch, triển khai các giải pháp hiệu quả để chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển chính quyền số. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, kiến tạo sự phát triển cho xã hội.

Tiên phong xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh hướng tới xây dựng Chính quyền số để thực hiện cải cách hành chính, nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch vì nhân dân phục vụ. Cụ thể, tháng 9/2012, tỉnh chính thức phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh.

a
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, thành phố thông minh.

Thời điểm đó, việc xây dựng chính quyền điện tử được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính, nhưng triển khai chưa mang tính tổng thể. Mặt khác, việc xây dựng chính quyền điện tử mới trong thời kỳ đầu, chưa có điển hình thành công để làm căn cứ, rút kinh nghiệm..., nên rất nhiều địa phương còn chần chừ, chưa dám quyết. Mặc dù vậy, Quảng Ninh vẫn quyết tâm tiên phong trong cả nước về xây dựng chính quyền điện tử.

Đến ngày 7/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 thì Quảng Ninh đã đi được một quãng đường dài và nhanh chóng đạt được các chỉ tiêu trong Nghị quyết. Tính đến tháng 8/2020, Quảng Ninh đã hoàn thành 19/21 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết 17 của Chính phủ. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong toàn quốc gửi nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp (từ xã lên Văn phòng Chính phủ; từ xã của tỉnh Quảng Ninh đến một xã bất kỳ của một địa phương khác nếu xã đã kết nối lên trục liên thông quốc gia).

Trung tâm Điều hành thành phố thông minh được đưa vào vận hành là một trong những giải pháp để Quảng Ninh tiến đến chính quyền số.
Trung tâm Điều hành thành phố thông minh được đưa vào vận hành là một trong những giải pháp để Quảng Ninh tiến đến chính quyền số.

Quảng Ninh cũng hoàn thành là tỉnh sớm nhất trong cả nước việc kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh với nền tảng thanh toán trực tuyến Quốc gia Paygov. Đến nay các đơn vị trung gian thanh toán chỉ cần kết nối vào Cổng thanh toán chung của Bộ TT&TT là thực hiện được kết nối thanh toán đến Cổng dịch vụ công của tỉnh. Việc thực hiện kết nối qua Cổng PayGov đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, chi phí trong việc kết nối với từng nền tảng thanh toán trực tuyến riêng lẻ. Với việc nền tảng thanh toán thông dụng đã kết nối vào Cổng PayGov giúp người dân và doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ninh thanh toán nhanh, thuận tiện, an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tháo gỡ nút thắt còn lại trong quy định thực hiện dịch vụ công mức độ 4.

Không chỉ thế, Quảng Ninh cũng là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tại, Cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến hoạt động tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn đang cung cấp tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.552, đạt 89,9% (1.552/1.725). Trong đó: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được cung cấp là: 621, đạt 36% (621/1.725); dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được cung cấp là: 931, đạt 53,9% (931/1.725). Đặc biệt, tỉnh đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 là 519/1.725, đạt 30% và trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về dịch vụ công trực tuyến được kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2020. Năm 2020, số hồ sơ nộp trực tuyến là 236.945/592.363 tổng số hồ sơ giải quyết TTHC, đạt 40% (năm 2019 là 22%). Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến cao nhất toàn quốc.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh; xây dựng hệ thống ứng dụng thông minh trên các lĩnh vực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, đa dạng hóa dịch vụ thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, an ninh trật tự…Trong đó có 8/17 dự án thành phần đã hoàn thành, như các dự án về xây dựng trường học thông minh với trang thiết bị hiện đại và hệ thống phần mềm dùng chung của ngành giáo dục; các dự án xây dựng bệnh viện thông minh (gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh).

Sự thành công đề án chính quyền điện tử và thành phố thông minh đã trở thành động lực quan trọng để Quảng Ninh thực hiện cải cách hành chính thành công. Tỉnh đã 3 năm liền (2017-2019) dẫn đầu về chỉ số PCI; đứng đầu bảng xếp hạng các chỉ số Par Index, SIPAS; đứng thứ 3 toàn quốc về chỉ số PAPI (năm 2016 còn xếp vị trí 62/63 tỉnh, thành trong nước), chỉ số ICT năm 2019.

Chuyển đổi số bắt đầu từ chính quyền số

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh xác định Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng Đề án chính quyền số tỉnh Quảng Ninh theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành Chính quyền số.

tỉnh Quảng Ninh và Bộ TT&TT đã thông qua thỏa thuận hợp tác giữa hai bên (giai đoạn 2019-2020),
Tỉnh Quảng Ninh và Bộ TT&TT ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên (giai đoạn 2019-2020).

Tỉnh cũng xác định, trong mô hình chính quyền số, toàn bộ dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của chính quyền được tích hợp, thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bộ máy vận hành… Tuy nhiên, việc xây dựng Chính quyền số là nội dung mới; chưa có mô hình thành công trong nước để tham khảo, đánh giá và học tập; khối lượng công việc cần triển khai đề xây dựng Đề án rất lớn. Do đó, để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Đề án, tỉnh đã phân công cụ thể cho từng đơn vị liên quan. Cụ thể, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định Đề án, giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu thuê đơn vị tư vấn có uy tín, kinh nghiệm trong việc xây dựng Chính quyền số để xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và khảo sát, xây dựng Khung Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 17/4/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND thành lập Hội đồng thẩm định Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh. Hội đồng do đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Chủ tịch, thành viên của Hội đồng đều là các chuyên gia đầu ngành có uy tín về công nghệ thông tin như các đồng chí: Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; Thái Lê Thăng, Giám đốc tư vấn công nghệ, Công ty CP Tin học Tài Ngân...

Để đảm bảo chất lượng của Đề án, sát tình hình thực tiễn về đổi mới công nghệ của Quảng Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống Chính quyền điện tử, Thành phổ thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (gồm hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế) và thực trạng chât lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và các nhiệm vụ cụ thể.

Thực tế cho thấy, xây dựng chính quyền số tại Quảng Ninh có nhiều thuận lợi. Những năm qua, sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy rất rõ điều đó qua những kết quả quan trọng, như thực hiện gửi nhận văn bản điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền phi giấy tờ, cung cấp các dịch vụ công, chuyển đổi từ chính quyền quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Đề án Chính quyền số Quảng Ninh giai đoạn 2019-2025.

Từ năm 2012, khi Quảng Ninh triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, để chuyển đổi nền hành chính nặng về giấy tờ sang số hóa, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước thông qua thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại 100% xã, phường, thị trấn. Thông qua mô hình này, tỉnh đã vận hành hiệu quả hệ thống thông tin một cửa điện tử với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, trung tâm phục vụ hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện để tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả hồ sơ giải quyết TTHC. Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết, được máy tính hoá trên môi trường mạng đã làm thay đổi căn bản cách thức tương tác với người dân, doanh nghiệp; giúp giảm trên 50% thời gian và số lần đi lại, giao dịch cho người dân, doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí xã hội hàng tỷ đồng.

Ứng dụng Smart Quảng Ninh là một phần trong hệ thống Trung tâm Điều hành thành phố thông minh được tỉnh Quảng Ninh chính thức đưa vào vận hành ngày 28/8/2019 để nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường, cuộc sống tươi đẹp, phục vụ tốt cho người dân.
Ứng dụng Smart Quảng Ninh - nền tảng kết nối giữa chính quyền với người dân trên di động.

Đặc biệt, tháng 8/2019, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đặt tại trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Với trung tâm điều hành trên, cơ quan quản lý nhà nước còn có thể sử dụng hệ thống xem và gửi báo cáo thông minh; chỉ đạo điều hành, quản lý văn bản, lịch làm việc, nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; tiếp nhận và trả lời ý kiến người dân; công cụ theo dõi, phân tích báo chí và mạng xã hội. Cụ thể, Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp. Đồng thời, Trung tâm tăng tính tương tác ngược lại, khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng Smart Quảng Ninh.

Ván bộ phường Hoành Bồ họp trực tuyến với UBND TP Hạ Long và các phường, xã khác
Cán bộ phường Hoành Bồ họp trực tuyến với UBND TP Hạ Long và các phường, xã khác.

Việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của Quảng Ninh hiện cũng đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành trung ương. Trong buổi làm việc với Quảng Ninh hồi cuối năm 2019, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho tỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất khi Bộ TT&TT có chính sách mới sẽ thông báo tới Sở TT&TT Quảng Ninh để phối hợp với Bộ triển khai ngay các chương trình cho tỉnh. Chẳng hạn như khi Bộ TT&TT ban hành đề án Chuyển đổi số Quốc gia, thì Cục Tin học hóa của Bộ cũng làm việc ngay với Sở TT&TT Quảng Ninh để xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho tỉnh, làm song song với chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia để triển khai sớm nhất có thể.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng Chính quyền số theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ trên cơ sở kế thừa toàn bộ những kết quả đã đạt được của công cuộc xây dựng Hệ thống Chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Theo Hà Chi/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7736 Tổng lượt truy cập 94789915