Quảng Ninh chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết
Ngày 5/2, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy để nghe và cho ý kiến về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì và kết luận cuộc họp.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành quả hết sức toàn diện trong phát triển KT-XH, chăm lo đời sống nhân dân của tỉnh Quảng Ninh, tạo khí thế mới với niềm vui, phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh đón Tết Nguyên đán vui tươi, phấn khởi. Với mục tiêu phải chăm lo Tết cho nhân dân ở mọi miền, mọi đối tượng chu đáo hơn, tốt hơn năm trước với các tiêu chí vui tươi hơn, lành mạnh hơn, ấm no hơn, hạnh phúc hơn, an toàn hơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chỉ thị 39-CT/TU ngày 8/12/2023 về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang và công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Các đoàn công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh đã tổ chức đi thăm, chúc Tết cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn; cán bộ, chiến sĩ các lực vũ trang; thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công và đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết.
Tính đến hết ngày 30/1, toàn tỉnh đã hoàn thành việc tặng quà Tết và các tiêu chuẩn chính sách cho các đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng chính sách xã hội, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và các đối tượng cần thiết khác, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, nhà nhà, người người được vui Tết, đón Xuân no đủ, tốt hơn năm trước.
Cụ thể, cùng với trao hơn 15.011 suất quà của Chủ tịch nước đến với một số người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tặng 212.366 suất quà Tết của tỉnh cho người có công với cách mạng và thân nhân, đối tượng chính sách xã hội và các đối tượng khác, tăng so với năm 2023 là 8.586 suất. Tổng kinh phí trên 111,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, tăng trên 4,3 tỷ đồng so với năm 2023. Cấp huyện đã tặng 21.178 suất quà, với tổng kinh phí trên 8,2 tỷ đồng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí cũ của Trung ương. Cấp xã đã tặng 13.295 suất quà, với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo. Cùng với nguồn kinh phí của tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh và các địa phương đã huy động thêm nguồn xã hội hóa để chăm lo Tết cho các hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chí cũ của Trung ương và tiêu chí mới của tỉnh, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số 80.334 suất quà, trị giá gần 56 tỷ đồng.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phát biểu tại cuộc họp.
Tình hình chăm lo đời sống cho người lao động cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Ngoài tạo ra hơn 21.000 chỗ làm mới năm 2023, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp công đoàn đã tổ chức trao quà Tết của Trung ương, của tỉnh cho trên 50.000 công nhân; tổ chức nhiều các chương trình thiết thực như “Chợ Tết Công đoàn”, “Tết sum vầy” năm 2024 với nhiều hoạt động như tặng quà, tặng phiếu mua sắm hàng hoá đảm bảo chất lượng cho người lao động.
Các đơn vị, doanh nghiệp duy trì mức lương, thu nhập đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định. Mức lương bình quân chung của người lao động 12,38 triệu đồng/tháng, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Mức thưởng tết bình quân của các doanh nghiệp đạt trên 8,7 triệu/người, tăng 13,7% so với Tết Quý Mão năm 2023. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước là 10,1 triệu đồng, tăng 9,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,69 triệu đồng, tăng 24,4%, doanh nghiệp dân doanh là 5,03 triệu đồng, tăng 16,7%. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ người lao động theo các hình thức khác như: chi “Tháng lương thứ 13”; hỗ trợ tiền tàu xe đối với người lao động về quê; thưởng cho lao động có thành tích xuất sắc, quà Tết bằng tiền và hiện vật. Qua nắm bắt, tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chung của người lao động trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, các giải pháp điều hành của chính quyền, chia sẻ khó khăn và đoàn kết, gắn với đơn vị, doanh nghiệp.
Cùng chăm lo về đời sống vật chất, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm đến đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh. Trong dịp Tết này, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như Hội chợ OCOP và Chợ hoa Xuân – trưng bày sinh vật cảnh Xuân Giáp Thìn 2024 với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về số lượng, đảm bảo chất lượng, giá cả để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được mở rộng về quy mô tổ chức, nội dung, địa điểm so với năm trước cũng được tổ chức để nhân dân trong toàn tỉnh được vui Tết, đón Xuân; trong đó có nhiều hoạt động mang đậm nét truyền thống, bản sắc dân tộc như “Làng Việt – Tết xưa”; “Hội sách, báo Xuân Giáp Thìn 2024”; triển lãm tranh, ảnh... Tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tại 13/13 địa phương từ nguồn kinh phí xã hội hóa; tổ chức chương trình "Mừng Đảng - Mừng Xuân" vào tối 30 Tết.
Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao các cấp, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai kế hoạch tổ chức Tết Nguyên đán 2024, nhất là tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho nhân dân; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới, động lực mới để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng.
Tết Nguyên đán đến rất gần, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, chăm lo Tết cho nhân dân; chuẩn bị chu đáo các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo và vật liệu nổ; đảm bảo hàng hóa thị trường dịp Tết gắn liền với phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để nhân dân được đón Tết vui tươi, an toàn.
Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo phân công trực Tết nghiêm túc, thường xuyên, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân; thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ theo đúng quy định.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại cuộc họp.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về Kế hoạch tuyên truyền về tỉnh Quảng Ninh năm 2024 theo chương trình phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Tuyên giáo tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch tuyên truyền về tỉnh Quảng Ninh năm 2024 theo chương trình phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề: Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải thảo, thu hẹp khoảng cách vùng miền; kinh nghiệm của Quảng Ninh về chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm, tìm động lực mới cho phát triển văn hóa - xã hội; thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; khơi thông nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, phát huy các động lực tăng trưởng cho tăng tốc và bứt phá; quản trị phát triển bền vững địa phương; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chính quyền số, chính quyền điện tử.
Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu nghiên cứu năm nay phối hợp với Tạp chí Cộng sản sẽ để tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia về phát triển kinh tế di sản; nghiên cứu tổ chức hội thảo về các xu thế chuyển đổi tác động vào địa bàn tỉnh, nhất là xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng trong ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 350-KH/TU ngày 27/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kết quả tiếp nhận hồ sơ dự tuyển công chức khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền tỉnh Quảng Ninh năm 2023 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo baoquangninh.vn
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán