Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Các tiêu chí nổi bật cho giá trị toàn cầu

Với những giá trị to lớn về truyền thống văn hoá, lịch sử cũng như các giá trị về tự nhiên, địa chất, địa mạo, quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử được lựa chọn 3 tiêu chí phù hợp nhất theo tuyên bố của UNESCO cho giá trị toàn cầu, cụ thể:

Yên Tử chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong. Quần thể di tích danh thắng Yên Tử là một minh chứng cho liên minh chiến lược giữa nhà nước, tôn giáo và người dân phát triển từ quê hương vùng núi Yên Tử, tạo ra một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu đã định hình sự tồn tại quốc gia, củng cố hòa bình và an ninh cho cả khu vực rộng lớn. Yên Tử là một bằng chứng ngoại hạng về một truyền thống văn hóa được hình thành và phát triển trên quê hương của Vương triều Trần, đồng thời là chiếc nôi ra đời của Thiền phái Trúc Lâm - một thiền phái Phật giáo độc đáo. Liên minh giữa thiền phái Trúc Lâm và các vị vua Trần đã tạo ra đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng và toàn bộ các nhóm dân tộc và tôn giáo - tín ngưỡng cho việc xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền toàn vẹn, bảo vệ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh lan xuống Đông Bắc Á và Nam Á trong các thế kỷ 13-14. Truyền thống văn hóa này đã được biểu hiện qua những di chỉ khảo cổ và di tích quan trọng, một mạng lưới rộng rãi nhiều am chùa, đền miếu, lăng tẩm, mộ tháp, các bãi chiến trường và cùng với một lượng lớn các di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Liên minh lịch sử giữa chính trị, tôn giáo, xã hội cùng với ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục phát huy cho tới ngày nay, thông qua sự tiếp nối truyền thống thờ tự Phật giáo Trúc Lâm và di sản Triều Trần tại vùng lõi Yên Tử, lan tỏa ra toàn bộ đất nước và nhiều nơi khác trên thế giới.

Các kiến trúc tháp được làm bằng gạch, đá và đất nung, thuộc loại hình di tích chùa tháp Trúc Lâm.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa hoặc quá trình tương tác giữa con người với môi trường, đặc biệt khi trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược; thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thiên nhiên của người Đại Việt ở Yên Tử từ xa xưa là một minh chứng nổi bật trên thế giới về sự tương tác giữa con người với môi trường, thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Yên Tử là một cảnh quan tiến triển hữu cơ, trải qua một tiến trình kiến tạo lâu dài, phức tạp, quá trình biển tiến, biển thoái và những thay đổi lớn trên các dòng sông và hình thành các bãi đất ven biển. Đó cũng là nơi con người đã chiếm hữu và ở lại định cư từ xa xưa. Trong khoảng thế kỷ 13-14, dải đất này đã trở thành lãnh thổ có tầm quan trọng chiến lược của triều đại nhà Trần và là “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Đặc điểm hữu hình của Yên Tử rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương quốc tế, giao thoa văn hóa, tín ngưỡng và quân sự, quốc phòng. Phật giáo Trúc Lâm, trân trọng một cuộc sống yêu thương, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên, với sự thấu hiểu về các điều kiện tự nhiên và ứng dụng thành thạo các nguyên lý phong thủy, bao gồm các yếu tố tự nhiên về địa chất, địa hình, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, gió và nước trong sự hài hòa với vận mệnh con người, từ các góc độ an toàn và an ninh đối với con người. Những hiểu biết và ứng dụng thành thạo đó thể hiện rõ trong việc lựa chọn nơi cư trú, thờ tự, và thậm chí cả bố trí các bãi chiến trường trong chiến tranh. Sự kết nối hữu cơ giữa cảnh quan và đời sống con người vẫn tiếp tục đến ngày nay, đơn cử như đã hé lộ một sự bố trí, sắp đặt toàn diện các địa điểm thờ tự và thực hành tôn giáo.

 

Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cùng một số tấm Mộc bản chùa. 

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử có liên hệ trực tiếp hoặc có thể nhận thấy được với những sự kiện hay các truyền thống sinh hoạt, với các ý tưởng hay các tín ngưỡng, với các công trình nghệ thuật hay văn học có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. Phật giáo Trúc Lâm thể hiện một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ Yên Tử, có ảnh hưởng tới xã hội thế tục, góp phần củng cố quốc gia, đảm bảo cho hòa bình và hợp tác khu vực. Yên Tử có mối liên hệ hữu cơ với Phật giáo Trúc Lâm, dòng thiền có bản sắc Việt độc đáo, dung hợp các dòng phái Phật giáo đương thời, các phái thiền khác nhau trong khi tư tưởng của nó còn được đúc rút cả từ Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa. Đặc trưng bởi tinh thần tự giác và nhập thế tích cực vào đời sống của Nhân dân và mọi mặt của đất nước, Phật giáo Trúc Lâm trở thành một lực lượng nền tảng cho xây dựng đất nước. Bắt đầu từ quê hương tâm linh Yên Tử và lan rộng ra trần thế, Phật giáo Trúc Lâm có đóng góp rõ rệt cho mọi phương diện của cuộc sống đất nước từ tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia dưới triều đại nhà Trần. Các công trình tu tập, thờ cúng thể hiện rõ các yếu tố về bố cục, kiến trúc và trang trí đặc trưng của thời đại, truyền thống văn hóa và mục đích của chúng. Thêm vào đó còn có nhiều di sản phi vật thể vô giá minh chứng cho tư tưởng và ảnh hưởng của Trúc Lâm, như kinh sách, truyện kể, văn hóa dân gian, truyền thuyết và thơ phú. Nổi bật trong số này là mộc bản quý hiếm được khắc chữ Hán - Nôm, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới. Phật giáo Trúc Lâm thể hiện giá trị di sản nổi bật toàn cầu đối với Việt Nam, châu Á và thế giới.

Ba tiêu chí trên chứa đựng mọi giá trị và thuộc tính nổi bật của quần thể di tích danh thắng Yên Tử, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm và triều Trần được thể hiện một cách toàn diện trong Khu di sản, bao gồm cả một hệ thống các di chỉ khảo cổ, kiến trúc và các yếu tố phi vật thể đang được bảo vệ, bảo tồn và tiếp tục được coi trọng, phát huy giá trị. Tất cả các di tích thành phần đều là bộ phận của các Di tích Quốc gia Đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật pháp quốc gia với ranh giới pháp lý được xác định rõ ràng và có kế hoạch quản lý, bảo tồn cho từng điểm di sản. Mọi thay đổi đáng kể về giá trị văn hóa của các di tích này đều phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quyết định.

Kim Thuỷ

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18903 Tổng lượt truy cập 94763825