Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Quyết liệt, bài bản

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được tỉnh quyết liệt chỉ đạo, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC về lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho công dân. Ảnh: Thu Nguyệt

Để góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm. Tỉnh kiên quyết mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm tra đến các cấp; tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trong đó có cả cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu.

Các ngành Thanh tra, Kiểm toán với vai trò của mình đã công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm và kiến nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Từ tháng 8/2021 đến đầu tháng 8/2022, Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị đã triển khai 196 cuộc thanh tra hành chính (145 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 51 cuộc thanh tra đột xuất); trong đó kỳ trước chuyển sang 42 cuộc. Qua thanh tra, đã ban hành kết luận 150 cuộc, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 7,9 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về kinh tế trên 5,9 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với 142 tập thể và 226 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ việc và 10 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tỉnh chỉ đạo tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm, tạo bước chuyển biến mạnh trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Trong kỳ (từ 1/8/2021-1/8/2022) đã có 21 vụ/71 bị can bị khởi tố, điều tra; 15 vụ án/56 bị can do Viện KSND truy tố; 17 vụ án/66 bị cáo thụ lý xét xử. Kết quả phát hiện, điều tra và xử lý tham nhũng đã phần nào minh chứng cho việc thống nhất quan điểm "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng được triển khai nghiêm túc. Trong kỳ, tài sản bị thiệt hại chiếm đoạt là trên 163,7 tỷ đồng, đã thu hồi trên 163,2 tỷ đồng.

Thi công đường giao thông trên địa bàn thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô).

Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, lãng phí được tỉnh tiếp tục quan tâm với việc ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, trong sạch, vững mạnh; phát huy năng lực công tác của mỗi cá nhân trong thực thi công vụ.

Bám sát chỉ đạo của tỉnh, từ tháng 8/2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với 446 CCVC thuộc phạm vi, thẩm quyền. Công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, giới thiệu người ứng cử được thực hiện theo quy định, đảm bảo nguyên tắc, trình tự thủ tục, tiêu chuẩn bổ nhiệm và giới thiệu người ứng cử. Đặc biệt, công tác  quy hoạch cán bộ đều đáp ứng yêu cầu và trình độ chuyên môn, lý luận; trong đó quan tâm nguồn cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, đảm bảo chất lượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn và quy trình quy hoạch cán bộ.

Công tác cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xuyên suốt. Nhiều năm qua, tỉnh đã vận hành có hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Trong đó, các đơn vị đã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch các chính sách, quy trình TTHC trên Cổng thông tin điện tử; công bố số điện thoại, thiết lập đường dây nóng và thường xuyên thu thập phản ánh ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan, đơn vị. Qua đó tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đến nay, 100% sở, ngành, địa phương và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số (do người đứng đầu chính quyền là trưởng ban), tổ công tác triển khai Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ).

Tỉnh chỉ đạo tăng cường cải cách tài chính công. Các đơn vị, địa phương đã triển khai chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sử dụng ngân sách, tài sản; công khai đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ trong chi tiêu, sử dụng nguồn kinh phí được giao. Đặc biệt, Sở Tài chính đã triển khai công tác thẩm định giá các loại tài sản mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng ngân sách do Nhà nước cấp và các khoản thu, chi khác...

Công tác đấu tranh, PCTN, tiêu cực, lãng phí được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Theo Nguyễn Huế/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24230 Tổng lượt truy cập 94858559