Phim trường cổ trang lớn nhất Việt Nam
Ẩn mình giữa chốn non thiêng, Phim trường cổ trang Yên Tử (Quảng Ninh) lớn nhất Việt Nam sắp được hoàn thành sẽ tái tạo lại không gian văn hóa của người Việt xưa.
Trường quay phim cổ trang Việt Nam là dự án có quy mô 14,6 ha, nằm trong khu vực khoảnh 6, tiểu khu 32, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (thuộc khu vực danh thắng Yên Tử) do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư. Dự án nhận được sự đồng thuận và tạo điều kiện tối đa của UBND tỉnh Quảng Ninh.
Phối cảnh phim trường cổ trang.
Ẩn mình trong miền đất Phật linh thiêng, nơi đây còn khá nguyên thủy, hoang sơ với những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, những khe suối trong mát róc rách ngày đêm, những con đường mòn vắng bóng chân người. Nhưng trên hết là không gian tĩnh mịch, cách xa thế giới ồn ào, sôi động, mà khi bước chân vào đó, có cảm giác thời gian như ngừng trôi, đưa ta lạc về thời kỳ cổ xưa của người Việt.
Theo chủ đầu tư dự án, phim trường được xây dựng ở Yên Tử ngoài mục đích quay phim còn là quần thể kiến trúc văn hóa mang xu hướng du lịch nhân văn, vừa đậm đặc chất điện ảnh lại phảng phất nét tâm linh. Đến đây, du khách có thể được hòa nhập, sống trong không gian văn hóa cổ xưa; tìm hiểu tư liệu lịch sử về dòng phim cổ trang Việt Nam, lại vừa thành kính dâng lên Đức Phật nén nhang thơm trên đỉnh thiêng Yên Tử. Tiêu chí đầu tiên khi xây dựng phim trường là tái tạo rõ nét không gian văn hoá cổ của người Việt xưa. Vì vậy, trong quá trình thi công, nhà đầu tư luôn tìm hiểu kĩ từng giai đoạn lịch sử dân tộc, từ đó thiết kế lối kiến trúc phù hợp, sử dụng tối đa mọi chất liệu tự nhiên như gỗ, đá ong, sành sứ… hạn chế sự can thiệp của kĩ thuật hiện đại làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên nơi đây.
Phim trường chia làm hai khu vực với 2 con đường dẫn vào là đường Đào Nguyên và đường Tùy Duyên. Ở phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền-miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn… Trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường.
Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa (gồm cả nội thị và ngoại thành). Khu Hoàng Thành là bối cảnh chính với Đại Điện rộng 1500 m2, bên trong là một phim trường tạo dựng nội thất của các cảnh phim.
Đồng thời, Đại Điện còn dùng làm phòng chiếu và là nơi lưu trữ tư liệu giới thiệu các bộ phim cổ trang quay tại đây.
Ngoài ra, còn có các khu vực: Phố thị, Khu nhà quan lại, Làng xã Việt Nam, Hồ thiền được phục dựng theo đúng lối kiến trúc đặc trưng của từng vùng miền dân tộc, khi lên phim tạo cảm giác chân thực, sát với từng thời kì lịch sử. Gần 20 chiếc cầu đá cổ xưa được xây dựng cùng với vườn địa đàng Thượng Uyển, những dòng thác đổ, dòng suối trong, hàng ngàn phiến đá cổ… tạo cho cảnh quan thiên nhiên thêm kì vĩ mà không kém phần thơ mộng, gợi ra không gian đậm chất điện ảnh nhưng cũng rất đời thường, thực tế trong phim ảnh.
Trao đổi với báo chí, hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người thiết kế bối cảnh cho dự án này, cho biết cùng với mục đích quay phim, đây còn là quần thể kiến trúc văn hoá mang xu hướng phục vụ du lịch nhân văn. Công trình được thiết kế sao cho vừa đậm chất điện ảnh lại đậm nét tâm linh. Đến đây, du khách có thể được hoà nhập, sống trong không gian văn hoá cổ xưa, với những kiến trúc kiểu kinh thành, đại điện thiết triều, hậu cung, các dinh thự của quan lại, phố cổ, làng quê xưa, những ngôi nhà gỗ cổ, khu văn hoá ẩm thực phục vụ các món ăn dân tộc, tìm hiểu tư liệu lịch sử về dòng phim cổ trang Việt Nam, lại vừa thành kính dâng hương lên Đức Phật.
Bởi vậy, tiêu chí đầu tiên được nhà đầu tư xác định khi xây dựng phim trường là tái tạo rõ nét không gian văn hoá cổ của người Việt. Thực hiện điều đó, nhà đầu tư đã mời những chuyên gia sử học, Phật học có uy tín để tìm hiểu kĩ từng giai đoạn lịch sử dân tộc để có những tư vấn hợp lý. Từ đó để có thiết kế kiến trúc phù hợp, sử dụng tối đa mọi chất liệu tự nhiên như gỗ, đá ong, sành sứ v.v.. Và trên hết, dự án đã hạn chế tối đa sự can thiệp của kĩ thuật hiện đại làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên khu vực danh thắng Yên Tử.
Tham quan phim trường, du khách có thể hoá trang thành những nhân vật trong các bộ phim.
Theo đánh giá của NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, sau này, những cảnh, những đoạn phim, những đoạn ảnh giới thiệu phim được trích ra sẽ là công cụ hữu dụng để quảng bá du lịch rất hấp dẫn. Ông Đặng Xuân Hải cũng tin tưởng rằng, trong tương lai, trường quay phim cổ trang Yên Tử sẽ là điểm đến rất lý thú của du khách, nhất là những người vừa ham thích du lịch lại vừa yêu điện ảnh.
Tham quan phim trường, du khách có thể hoá trang thành những nhân vật cổ trang.
Ngoài ra, dự án còn có các công trình phố thị, nhà quan lại, làng xã thuần Việt, 20 chiếc cầu đá, 60 ngôi nhà gỗ cổ, hàng ngàn đồ gốm sứ, vũ khí cổ, vườn địa đàng Thượng Uyển, thác đổ, sông suối v.v.. Không gian được thiết kế rất hài hoà với thiên nhiên vừa đậm chất điện ảnh nhưng cũng rất đời thường lại tiến gần hơn với xu hướng giải trí mới của nền điện ảnh thế giới hiện đại.
Theo hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chỉ cần thay đổi hoa văn, những con rồng đá, rồng trên nóc cung điện, trang trí nhà cửa v.v.. là một bối cảnh của triều đại khác sẽ hiện ra để phục vụ cho những bộ phim cổ trang tiếp theo. Như thế, công năng sử dụng của phim trường này là rất cao, sản phẩm được tạo ra phục vụ du lịch cũng sẽ rất phong phú. Ngoài ra, dân cư trong và ngoài khu vực phim trường cũng có thể sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, các vật phẩm lưu niệm có mặt trong các bộ phim nổi tiếng để bán cho du khách hoặc làm hướng dẫn viên, phục vụ nhu cầu ăn nghỉ vui chơi giải trí của du khách. Chính vì điều đó, phim trường sẽ mở ra hàng loạt các sản phẩm dịch vụ “ăn theo” du lịch.
Được biết, vào khoảng giữa giữa năm 2017, bộ phim cổ tranh dài tập Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ chính thức được khởi quay ngay tại phim trường này.
Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Nguyễn Văn Lương cho hay phim cổ trang nói chung và đặc thù là những truyện phim có chủ đề ngợi ca những anh hùng dân tộc phần lớn đều có lượng diễn viên rất đông. Riêng phim Phật hoàng Trần Nhân Tông quy tụ nhiều vị anh hùng dân tộc hiển hách có tên trong sử sách như: Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão…là những tinh hoa đất nước Đại Việt thời bấy giờ cùng chung sức, đồng lòng để làm nên 3 lần chiến thắng quân Nguyên-Mông.
“Qua bộ phim này, tôi muốn làm bật dậy tình yêu nước, ý chí quật cường từ thời đại Đông A cách đây hơn 700 năm” - đạo diễn Lương cho biết.
Theo nld.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027