Phát triển kinh tế nông nghiệp: TP Uông Bí đi lên không từ lợi thế
Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; mở rộng diện tích canh tác, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung... là những chuyển động mới trong sản xuất nông nghiệp của TP Uông Bí.
Người dân xã Thượng Yên Công chăm sóc vườn mơ lông Yên Tử.
Không có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp như một số địa phương khác trong tỉnh, nhưng với cách làm bài bản và sự đầu tư đúng hướng, sản xuất nông nghiệp của Uông Bí đang có sự tăng trưởng tích cực cả về chất và lượng. |
Với đặc thù diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ trọng khá nhỏ (hơn 10% diện tích đất tự nhiên), địa hình không bằng phẳng, lại phân tán nhỏ lẻ nên Uông Bí rất khó để phát triển những cánh đồng hoặc vùng sản xuất, tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, người nông dân với tâm lý dè dặt, chưa mạnh dạn trong việc phát triển, đầu tư vào vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp của thành phố những năm qua chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Xác định được những khó khăn trên và với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao sản phẩm có giá trị, giai đoạn 2015-2020, Uông Bí đã đề ra kế hoạch tập trung phát triển các sản phẩm có thế mạnh đặc thù. Theo hướng “đất nào cây ấy”, từ năm 2015, thành phố tập trung phát triển 7 sản phẩm đặc trưng là: Vải chín sớm Phương Nam, thanh long ruột đỏ, mai vàng Yên Tử, mơ lông, cây thông nhựa, rau an toàn, nuôi trồng thuỷ sản... Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đây được coi là một trong những giải pháp cốt lõi để nông nghiệp của thành phố phát triển sâu từ “lượng” sang “chất”, tiến tới xoá bỏ nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, phân tán sang hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Với quyết tâm tạo bước đột phá mới trong nông nghiệp, năm 2016 thành phố đã nâng mức đầu tư cho lĩnh vực này lên 12,6 tỷ đồng, gấp hàng chục lần so với năm 2015. Từ nguồn vốn này, thành phố đã tập trung xây dựng những chính sách hỗ trợ để tạo đà cho các sản phẩm thuộc chương trình OCOP phát triển theo hướng công nghệ cao. Như với dự án trồng cây mơ lông Yên Tử phục vụ làm nguyên liệu sản xuất rượu mơ Yên Tử, thành phố đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho 70 hộ dân tham gia thực hiện. Các hộ nằm trong dự án được hỗ trợ 100% về giống, kỹ thuật, chi phí quản lý dự án; 50% phân bón, vật tư. Thành phố cũng đã làm việc với 2 đơn vị sản xuất rượu mơ trên địa bàn ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm. Theo quy hoạch vùng trồng mơ lông Yên Tử, dự kiến đến năm 2020, xã Thượng Yên Công và phường Phương Đông sẽ đạt 19ha, cung cấp khoảng 300 tấn quả/năm làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến rượu mơ. Hiện diện tích vùng mơ lông đạt 21ha, trong vòng 1-2 năm tới, sản lượng mơ sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến rượu mơ. Không chỉ có sản phẩm mơ lông, mà các sản phẩm thế mạnh như thanh long, vải chín sớm, mai vàng Yên Tử, dầu lạc, cao thiên đông, rượu ba kích…, thông qua hỗ trợ đã từng bước tiêu chuẩn hoá sản phẩm. Mới đây tại hội thi đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP lần đầu tiên của tỉnh, Uông Bí trở thành một điểm sáng khi có tới 6 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 4 sao.
Trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản, TP Uông Bí đã đầu tư trên 2 tỷ đồng lập quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại phường Yên Thanh và xã Điền Công, hỗ trợ các hộ dân tham gia với cơ chế ưu đãi của tỉnh và của thành phố để đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, điện, thuỷ lợi cho các vùng nuôi. Ông Phạm Xuân Huy, chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao tại khu vực Đầm Sứt (phường Yên Thanh), cho biết: Từ sự hỗ trợ của thành phố, gia đình đã mạnh dạn đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 6ha. Mô hình này áp dụng công nghệ tiên tiến nhất trong nuôi tôm hiện nay là thay nước chủ động và trải bạt đáy ao nhằm hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng thức ăn. Mỗi một vụ, gia đình sẽ thả 60 vạn con tôm giống, dự kiến mỗi năm, sau khi trừ chi phí, trang trại sẽ cho lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng. Hiện phường Yên Thanh có 40 hộ đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng và cá nước lợ với diện tích trung bình từ 2-5ha/hộ. Diện mạo khu vực này đã thực sự thay đổi, không còn những ao đầm bỏ hoang um tùm lau sậy, các hộ dân đã bỏ tập quán nuôi trồng theo hướng tự phát, quảng canh và mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo ao đầm, áp dụng những công nghệ mới theo hướng thâm canh. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với hướng chuyển dịch mạnh mẽ này, giá trị sản phẩm trên 1ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản năm 2016 của thành phố sẽ tăng trên 10% so với năm 2015.
Những kết quả tích cực trên cho thấy, với sự đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng, nông nghiệp của TP Uông Bí đã có nhiều chuyển động tích cực, nâng cao tính bền vững.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Thông báo kết quả kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Phường Nam Khê (TP Uông Bí) được công nhận là vùng “An toàn dịch bệnh động vật”
- Cụm công đoàn khu vực thành phố Uông Bí sơ kết công tác phối hợp năm 2024
- Tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
- Chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc)
- Công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
- Ngày 10/1, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C
- Bứt phá trên hành trình chuyển đổi số