Phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg (ngày 14/1/2020) của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát vào tình hình thực tế địa phương ban hành nghị quyết, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tạo được sự lan tỏa, khích lệ doanh nghiệp, người dân sử dụng công nghệ số.

Chế biến các sản phẩm từ hàu tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thủy sản Quảng Ninh.

Cụ thể hóa Chỉ thị số 01/CT-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND (ngày 29/10/2021) về phát triển doanh nghiệp số tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) thực hiện chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ gắn với việc phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện. Đồng thời, xác định rõ lộ trình, thời gian hoàn thành, sản phẩm đối với từng nhiệm vụ với mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu quy tụ được 50 doanh nghiệp công nghệ số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh, đơn vị đã chủ trì tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số năm 2023 với 2 nội dung: Hỗ trợ phát triển nhân lực về chuyển đổi số; hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên Cổng Thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp để các doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình hoặc đề nghị tư vấn hỗ trợ đánh giá xác định mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), UBND các địa phương, bưu điện tỉnh, Viettel Quảng Ninh và các đơn vị liên quan tổ chức 14 hội nghị tập huấn kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh, đưa sản phẩm tham gia phân phối trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó, đã có 560 sản phẩm OCOP (334 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao) được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Riêng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh đang giới thiệu 402/560 sản phẩm OCOP, trong đó có 175 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Nhân viên Công ty CP Công nghệ Viindoo nghiên cứu, phát triển phần mềm quản trị doanh nghiệp.

Nhằm phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, hiện tỉnh hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn trong nước để nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT) để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số. Hiện các doanh nghiệp này đã cung cấp, hỗ trợ triển khai nhiều ứng dụng nền tảng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số doanh nghiệp.

Ngày 24/3/2023, dưới sự chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Công nghệ Viindoo đã giới thiệu, tư vấn cho 20 doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh về phần mềm Quản trị doanh nghiệp Viindoo, giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp... Ông Trần Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Viindoo, cho biết: Phần mềm quản trị doanh nghiệp Viindoo giúp doanh nghiệp giải quyết thách thức trong thời đại chuyển đổi số. Bộ phần mềm tích hợp đầy đủ hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), quản lý quan hệ khách hàng (CRM), thương mại điện tử…, đáp ứng mọi nhu cầu quản lý, vận hành và tăng trưởng của doanh nghiệp. 

Hiện UBND tỉnh đã phê duyệt, lựa chọn 50 doanh nghiệp thực hiện thí điểm chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Một số doanh nghiệp tiêu biểu được tỉnh tin tưởng, lựa chọn, như: Công ty CP Ngọc Trai Hạ Long, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thủy sản Quảng Ninh, Công ty CP sữa An Sinh, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng dân dụng - công nghiệp, Công ty TNHH Du thuyền Việt…

Trước yêu cầu phát triển mới, việc chuyển đổi, phát triển doanh nghiệp công nghệ số là cần thiết, cấp bách hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp của tỉnh cần có nhận thức sớm để chuyển đổi, bỏ tâm lý ngại thay đổi để tiếp cận với công nghệ mới, đáp ứng, theo kịp với thị trường, xu hướng phát triển của thế giới. Đi đôi với đó, các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng cần tích cực vào cuộc dẫn dắt, tạo được sự thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Đặc biệt, tỉnh cần phải có những cơ chế, chính sách tạo sự đột phá lớn, khuyến khích doanh nghiệp yên tâm chuyển đổi, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Mạnh Trường/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7518 Tổng lượt truy cập 94828901