Phát huy các mô hình điểm Đề án 06
Những năm gần đây, Quảng Ninh khẳng định là điểm sáng trên toàn quốc về chuyển đổi số ở mọi lĩnh vực. Trong đó, đã chủ động và có nhiều cách làm sáng tạo, đảm bảo thực chất, cung cấp các tiện ích cụ thể trong việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nói chung và các mô hình điểm Đề án 06 nói riêng trên địa bàn.
Mô hình thông báo lưu trú trên xe khách đường dài qua quét thẻ CCCD của Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên.
Với phương châm triển khai thận trọng từng bước, có trọng tâm trọng điểm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh với vai trò Cơ quan thường trực đã tham mưu lựa chọn triển khai thí điểm mô hình điểm Đề án 06 phù hợp với đặc thù địa phương, lĩnh vực và nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tiễn của mô hình trước khi áp dụng rộng rãi. Bên cạnh các ứng dụng, sản phẩm do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) cung cấp, tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng các ứng dụng, phần mềm riêng để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế.
Một trong số đó là mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú trên xe khách đường dài, thí điểm tại Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên. Với hơn 100 phương tiện, ngoài hệ thống xe bus, doanh nghiệp này hoạt động cả 2 tuyến xe khách đường dài liên tỉnh, tần suất trung bình 8 chuyến/ngày. Các dịp nghỉ lễ, tết, lượng hành khách lên xuống xe đông hơn ngày thường. Nhằm giúp nhà xe có thể linh hoạt khai báo, kiểm soát lượng hành khách lưu trú mà không phải khai báo trên máy tính, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng riêng trên điện thoại. Sau khi quét mã trên thẻ CCCD, thông tin của hành khách được truyền trực tiếp về máy tính để nhân viên văn phòng đẩy lên hệ thống thông báo lưu trú quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, do chưa có quy định của pháp luật về việc yêu cầu xe khách đường dài phải thực hiện thông báo lưu trú, nên việc vận động còn gặp nhiều khó khăn.
Anh Đinh Hồng Đức, lái xe Công ty TNHH vận tải Phúc Xuyên, cho biết: Tôi chạy tuyến Quảng Ninh - Lào Cai. Tôi thấy việc thu thập thông tin qua quét mã QR CCCD như thế này rất thuận tiện, tránh thất thoát vé và cũng dễ dàng khi cần tra cứu thông tin hành khách để phục vụ cho việc kiểm tra. Tuy nhiên, hầu hết hành khách chưa hiểu, chưa ủng hộ, có người không hài lòng khi chúng tôi đề nghị quét mã.
Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) hướng dẫn cơ sở thực hiện mô hình xác thực thẻ CCCD gắn chíp.
Trên thực tế, việc xác thực thẻ CCCD gắn chíp có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác minh danh tính của khách hàng. Điều này rất phù hợp với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như cơ sở cầm đồ; dịch vụ bảo vệ; dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ…
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ bảo vệ Bảo Ngọc (địa chỉ tại TP Hạ Long) phải đối mặt với nguy cơ các đối tượng giả danh đi xin việc, rồi trà trộn vào đội ngũ bảo vệ do công ty cung cấp, nhằm thực hiện các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội tại các địa điểm, mục tiêu được bảo vệ. Để phòng ngừa tình trạng này, tránh tiếp tay cho các đối tượng xấu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ bảo vệ Bảo Ngọc đã lắp đặt thí điểm mô hình xác thực thẻ CCCD gắn chíp, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Chị Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ bảo vệ Bảo Ngọc, cho biết: Công ty có trên 500 người, đa phần làm dịch vụ bảo vệ tại trên 60 cơ sở trên địa bàn tỉnh. Từ khi thí điểm xác thực thẻ CCCD, việc quản lý nhân sự có nhiều thuận lợi hơn, đặc biệt là tạo sự yên tâm đối với khách hàng.
Đến nay, trong tổng số 45 mô hình điểm Đề án 06 được phê duyệt, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm 33 mô hình. Quá trình triển khai đã ghi nhận những hiệu quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã gặp một số khó khăn, như một số mô hình có chi phí đầu tư tương đối lớn về hạ tầng, trang thiết bị; cơ sở pháp lý chưa rõ ràng về việc thu chi phí xác thực CCCD,... nên việc triển khai trên diện rộng chưa hiệu quả.
Thượng tá Trần Viết Luận, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) khẳng định: Những mô hình điểm Đề án 06 được xây dựng, nếu được triển khai diện rộng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, là “chìa khóa” tạo nên đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Thời gian tới, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai rộng rãi các mô hình. Để các mô hình điểm thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027