Phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn không ma túy

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đặt mục tiêu hằng năm, giảm số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. (Ảnh: DUY LINH)

Chiều 27/11, tại Kỳ họp thứ 8, với 453/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,57% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ, việc đầu tư Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống ma túy; lấy địa bàn cơ sở để triển khai; thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên cả ba lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.

Về mục tiêu cụ thể, Chương trình hướng tới nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy của toàn xã hội từ cơ sở, từng địa bàn, từng gia đình, từng người dân, nhất là với người có nguy cơ cao, thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động nhằm giảm mạnh số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Cùng đó, đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm ma túy, đặc biệt là tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng và trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc không ma túy; 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy và 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện và triệt phá.

Đồng thời, trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.

Kết quả biểu quyết. (Ảnh: DUY LINH)

Chỉ tiêu nữa mà Chương trình đề ra là trên 80% số trạm y tế cấp xã trên toàn quốc và 100% cơ sở thực hiện cai nghiện ma túy công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện; trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn có chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống ma túy.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình được thực hiện từ năm 2025 đến 2030 với tổng nguồn lực huy động tối thiểu là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương tối thiểu: 17.725,657 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 4.674,537 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác: tối thiểu 50 tỷ đồng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, Quốc hội quyết định tổng mức dự toán cho Chương trình; Thủ tướng Chính phủ giao tổng dự toán cho cấp tỉnh và điều chỉnh khi cần thiết; cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ cho cấp huyện trên cơ sở nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Chính phủ tăng cường đôn đốc kiểm tra và giám sát để bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cạnh đó là các cơ chế, chính sách đặc thù khác được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh thực hiện Chương trình.

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9040 Tổng lượt truy cập 94792467