Phấn đấu để người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng

Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện Đề án chuyển đổi số toàn diện Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan (ảnh).

- Xin ông cho biết về ý nghĩa của việc thanh toán không dùng tiền mặt?

+ Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho tổ chức, cá nhân và cả nền kinh tế. Bởi nó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho cá nhân và toàn xã hội, mà còn đảm bảo an toàn về tài sản, sức khỏe, thời gian cho người dùng. Điều này đã được thực tiễn chứng minh, nhất là trong hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn ra.

Thanh toán không dùng tiền mặt là nền tảng quan trọng để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng số như: Vay tiêu dùng, thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ công, mua bán hàng hóa dịch vụ khác… Đồng thời, là hạ tầng quan trọng để hiện thực hóa Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh, đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, phát triển thương mại điện tử, hóa đơn điện tử.

Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn là một trong những mục tiêu lớn của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, nhằm xây dựng một xã hội không tiền mặt văn minh, hiện đại, minh bạch.

Nhân viên Agribank Quảng Ninh hướng dẫn các chủ gian hàng cài đặt mã VietQR tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2022.

- Tại Quảng Ninh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được kết quả gì, thưa ông?

+ Tại Quảng Ninh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, 100% chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số. Đây được coi là chìa khóa cho thanh toán số. Toàn tỉnh có 12/415 ATM thông minh cho phép người sử dụng có thể mở tài khoản, vay tiêu dùng, gửi tiết kiệm… Các ngân hàng cũng tích cực chuyển đổi từ “thẻ từ” sang “thẻ chip” theo lộ trình đề ra của NHNN, nhằm nâng cao tính an toàn, bảo mật, gia tăng tiện ích.

Việc mở tài khoản trở nên thuận tiện hơn bằng phương thức định danh khách hàng điện tử sử dụng trí tuệ nhân tạo (eKYC) mà không cần đến quầy giao dịch ngân hàng. 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 9.747 tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến. Cùng với đó, hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có trên 2 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 1,4 triệu tài khoản đang hoạt động.

Các phương thức thanh toán linh hoạt, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao ngày càng trở nên phổ biến như: Ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, QR code… Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh cả về số lượng và giá trị giao dịch, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay, tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch tăng 21% so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 100% khoản thu nộp NSNN của các doanh nghiệp XNK qua Cục Hải quan đều được thực hiện qua NHTM hoặc qua hệ thống nộp thuế tự động; 99,66% doanh nghiệp đang hoạt động nộp thuế điện tử; 100% Kho bạc Nhà nước lắp POS phục vụ việc thu NSNN; 100% doanh nghiệp điện, nước triển khai thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng; 100% trường đại học triển khai thực hiện thu học phí qua ngân hàng; 100% cơ sở y tế, bệnh viện, trường học đều được kết nối liên thông thanh toán giữa các ngân hàng... 

- Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp gì để góp phần hoàn thành mục tiêu của Chính phủ và tỉnh về thanh toán không dùng tiền mặt, thưa ông?

+ Ngày 25/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 97/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã đề ra 43 mục tiêu thuộc 7 nhóm chỉ tiêu cơ bản. 

Với vai trò là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh triển khai Kế hoạch 97, NHNN Quảng Ninh sẽ phối hợp, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch của UBND tỉnh đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, NHNN Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các NHTM, doanh nghiệp viễn thông quán triệt, triển khai nghiêm túc nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch 97. Trong đó, phát triển hạ tầng dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến hết năm 2025 có 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; 42.000 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh với tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân 20-25%/năm; ưu tiên phát triển thí điểm dịch vụ Mobile - Money ở khu vực chưa có dịch vụ ngân hàng.

Ngành ngân hàng cũng cử cán bộ tham gia tổ công nghệ số cộng đồng ở những nơi có cán bộ ngân hàng cư trú; hướng dẫn, tập huấn cán bộ thuộc các tổ công nghệ số cộng đồng ở những nơi không có cán bộ ngân hàng cư trú về dịch vụ mở, sử dụng, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặtvà biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tài sản, dữ liệu cá nhân. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán; phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước mắt, ngành ngân hàng sẽ ưu tiên phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu du lịch, chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng; thí điểm triển khai mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại khu du lịch, chợ thông minh không dùng tiền mặt…

- Trân trọng cảm ơn ông

Theo Cao Quỳnh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16820 Tổng lượt truy cập 94758741