Ở nơi những trái tim non được hồi sinh kỳ diệu

Gần gũi và thân thiện, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường khiến người đối diện thấy an nhiên và lạc quan khi được trò chuyện cùng anh. Vị bác sĩ được coi là cứu tinh của những trái tim non nớt bị lỗi nhịp kể cho chúng tôi nghe nhiều điều bất ngờ về nghề, nghiệp và cả về những điều mà có lúc, chính bản thân anh cũng tưởng chừng không thể vượt qua.

 

1. Tốt nghiệp Khoa Tim mạch, Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường có ba năm học phẫu thuật tim tại Nhật Bản. Từ năm 2004, khi thực hiện công việc mổ phụ cho nhiều bác sĩ, anh đã được lãnh đạo Trung tâm giao trực tiếp mổ những ca phức tạp như thông liên thất, tiểu xảo của phổi. Sau khi ở Nhật về, anh lại tiếp tục được đặt vào thử thách ở những ca mổ vô cùng phức tạp.

Hơn 12 năm công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gần 9 năm mổ chính, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường không thể nhớ nổi đã từng cầm dao thực hiện bao nhiêu ca mổ. Rất nhiều ca mổ mất 9-10 giờ đồng hồ và ca nào cũng có những thách thức riêng của nó.

Có những ca mổ, các bác sĩ cảm thấy không có lối thoát ngay từ khi lên kế hoạch. Có những ca mổ có tổn thương rất phức tạp và hoàn toàn không hề được dự báo trước. Nhiều lần, chỉ vừa kịp bước chân vào cửa nhà tại Văn Quán, Hà Đông, anh phải quay trở lại bệnh viện với tốc lực 10 phút cho quãng đường 8 km, để kịp lao vào phòng hồi sức sau mổ cứu trái tim non đang thoi thóp thở.

Cuộc mổ dài nhất trong lịch sử, kéo dài gần 36 giờ đồng hồ, từ đầu giờ sáng hôm trước đến chiều hôm sau. Ca mổ cho bệnh nhi nhỏ xíu này cách đây năm năm, là một trong những chuyển gốc động mạch chủ đầu tiên được phẫu thuật tại Trung tâm Tim mạch Nhi. Bệnh nhi có quả tim không tốt nên kíp mổ rất khó để xử trí hết tất cả những tổn thương của cháu bé trong thời gian phẫu thuật trung bình. Chỉ nhỉnh hơn quả chanh với những mạch máu nhỏ li ti, trái tim bệnh nhi vô cùng non nớt. Suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải đeo kính hiển vi để xử lý các tổn thương cho cháu bé.

36 giờ đồng hồ, sức mạnh của việc phải vượt qua được ca mổ phức tạp khiến cả ê kíp không ăn, không ngủ. Anh cũng không lý giải được vì sao, mình lại có thể trụ được thời gian dài như thế trong tình trạng căng thẳng tột độ, mà bản thân lại cũng không có thời gian để dừng tay chợp mắt hay ăn uống. “Có lẽ có phép màu kỳ diệu nào đó giữ được cho mình sự tỉnh táo suốt ca mổ” - anh Trường tâm sự.

2. Năm năm trước, bệnh lý chuyển gốc động mạch chủ là nỗi sợ hãi với các bà mẹ không may có con bị tim bẩm sinh. Tám năm trước, chỉ khoảng trên dưới 10 ca bệnh lý này được phẫu thuật, và phần lớn phải nhờ vào các chuyên gia nước ngoài. Nhưng đến nay, tại Trung tâm Tim mạch, những bệnh lý này đã được xử trí rất hiệu quả nhờ vào kỹ thuật tiên tiến, đôi bàn tay tài năng của các bác sĩ, cũng như nỗ lực và sự tiến bộ về các khâu chẩn đoán, gây mê và đặc biệt là hồi sức sau mổ của Trung tâm Tim mạch trẻ em.

Năm 2017, Trung tâm Tim mạch trẻ em đã tiến hành phẫu thuật cho gần 1.400 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó 1.016 ca tim hở; 800 ca là bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Trong đó 1/3 ca mổ được xử trí bởi bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường. Có gần 280 trường hợp trẻ ở lứa tuổi sơ sinh đã được xử trí kịp thời bệnh tim bẩm sinh.

Năm qua, Trung tâm cũng can thiệp điều trị dị tật tim bẩm sinh cho 850 ca bệnh tim bẩm sinh. Đặc biệt, năm nay, Trung tâm đã thực hiện thành công một số kỹ thuật tiên tiến như tiến hành mở van động mạch phổi thường quy cho trẻ sơ sinh mắc bệnh teo phổi – lành vách liên thất; Can thiệp tim mạch thành công cho trẻ sơ sinh đẻ non, cân nặng thấp, thấp nhất 1,3kg. Có 270 ca được can thiệp điều trị rối loạn nhịp, trong đó, đã tiến hành triệt đốt triệt rối loạn nhịp cho 150 ca trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cân nặng thấp (dưới 15 kg).

Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường cùng đoàn cán bộ Trung tâm khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí tại Nam Định.

Không kìm nén được cảm xúc khi kể về những trái tim non nớt bị lỗi nhịp, bác sĩ Trường tâm sự, anh đã phải trấn an không biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn, trong đó có những trường hợp hiếm muộn gần 10 năm mới có được đứa trẻ. Có những người biết con bị tim bẩm sinh nhưng quyết định giữ lại với niềm hy vọng kỳ diệu vào phép màu sẽ sửa chữa những tổn thương cho con mình, mặc dù bác sĩ cũng chưa chắc có thể cứu được sinh mạng của cháu bé.

3. Khiêm tốn, không thích nói về mình, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch Nguyễn Lý Thịnh Trường cho biết, bệnh tim thật sự không đáng sợ, kể cả bệnh tim phức tạp. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, 95% bệnh tim bẩm sinh có thể chữa được và trở về cuộc sống bình thường. Với khoảng 12.000 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại Việt Nam mỗi năm, chỉ có khoảng 50-60% trẻ được phát hiện và điều trị, bác sĩ Trường rất tâm tư và lo lắng khi số còn lại hầu như không biết mình mắc bệnh, thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.

Vì thế, ngoài những ngày bận rộn đối mặt với những ca mổ phức tạp, bác sĩ Trường cùng cán bộ, nhân viên Trung tâm đi tới các tỉnh để thực hiện những đợt khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em, trao đổi kiến thức với các đồng nghiệp ở các bệnh viện tại khu vực, nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ban đầu cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh.

Năm qua, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch đã khám sàng lọc miễn phí cho trên 10.000 lượt trẻ tại bốn tỉnh, thành phố lớn gồm Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh. Từ đó, 400 trẻ có dị tật tim bẩm sinh được tư vấn điều trị và tiếp nhận điều trị kịp thời, mang lại sự sống kỳ diệu cho các cháu bé.

Nhiều năm qua, gia đình anh chuyển sang ăn chay. Anh bảo, nhờ ăn chay, anh có thể vượt qua được những cơn đói khi phải mổ kéo dài hơn một ngày. Nhờ ăn chay, anh có thể đứng cả 10 giờ đồng hồ thực hiện phẫu thuật mà không bị những cơn đau xương khớp hành hạ như trước. Anh cũng chuyển nhà tới gần hơn bệnh viện, để sẵn sàng trong những tình huống cần phải mổ cấp cứu. Tất cả, đều chỉ hướng tới những trái tim non nớt đang thoi thóp, cần những bàn tay can thiệp kịp thời của anh và các đồng nghiệp tại Trung tâm Tim mạch trẻ em.

Năm mới đã về với Trung tâm Tim mạch trẻ em, các cháu bé điều trị tại đây trong thời gian Tết vừa qua đều đã ổn định. Ngay trong những ngày đầu năm, các y, bác sĩ của Trung tâm đã cứu sống thêm nhiều cháu bé với tình trạng cấp cứu, báo hiệu một năm tiếp theo rất bận rộn, đầy khó khăn vất vả, nhưng cũng không kém phần vinh quang trong sự nghiệp cứu người. Mong bác sĩ Trường và các y, bác sĩ của Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương có thêm nhiều sức khỏe để có thể cứu sống thêm nhiều cháu bé mắc bệnh tim bẩm sinh hơn nữa.

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7196 Tổng lượt truy cập 94828477