Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Những chuyển biến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù tình hình trong nước có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện nghiêm túc, nền nếp ở tất cả các cấp, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra và đã tạo được những chuyển biến rất tích cực.
Ảnh minh họa.
Nổi bật là công tác cán bộ được coi trọng, bảo đảm đúng vai trò “then chốt của then chốt”; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tác động tới cả hệ thống chính trị và mọi lĩnh vực. Đây là những kết quả quan trọng, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025.
Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết nhanh, thống nhất, toàn diện
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiều lĩnh vực, rõ nét nhất là trong việc chỉ đạo quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, sớm hiện thực các mục tiêu phát triển đất nước.
Tại Lễ Bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ngay sau Đại hội, tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động. Ngày 9/3/2021, Bộ Chính trị có Chỉ thị 01, trong đó nêu rõ thời gian hoàn thành các nội dung công việc như: Tổ chức Hội nghị toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong tháng 3/2021. Trong quý II/2021, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức các hội nghị nghiên cứu, quán triệt nghị quyết cho từng đối tượng cụ thể, từ tỉnh tới cơ sở…
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng việc phổ biến, quán triệt nghị quyết vẫn được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định.
Trong hai ngày 27 và 28/3/2021, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức. Các báo cáo viên là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng hoặc được phân công theo lĩnh vực, đã quán triệt các chuyên đề, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, nhận thức mới, tư duy mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Điều đáng nói đây là lần đầu tiên Đảng ta triển khai quán triệt, học tập nghị quyết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ Trung ương với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.400 điểm cầu cơ sở với sự tham dự của gần 1 triệu đảng viên. Đây là sự đổi mới rất phù hợp bối cảnh xã hội, xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp đó, các hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội XIII chuyên sâu theo các lĩnh vực, các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 và 6 khóa XIII, hội nghị quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển 6 Vùng kinh tế cũng đều diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chưa bao giờ rất nhiều cán bộ, đảng viên được nghe truyền đạt những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, những điểm chính yếu, quan trọng của mỗi nghị quyết... một cách trực tiếp, nhanh chóng, đầy đủ và chính xác như thế.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách quyết liệt, bài bản của Trung ương đã tác động mạnh mẽ tới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở tất cả các cấp ủy, chính quyền, trước hết thể hiện ở việc xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra.
Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì một số hội nghị, thể hiện sự đổi mới trong nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chuyên sâu trong các lĩnh vực, theo tinh thần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên quán triệt là “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách quyết liệt, bài bản của Trung ương đã tác động mạnh mẽ tới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị ở tất cả các cấp ủy, chính quyền, trước hết thể hiện ở việc xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra.
Các ngành, địa phương đã nhanh chóng triển khai quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp với nhiều hình thức linh hoạt thiết thực, hiệu quả; đồng thời ban hành ngay các chương trình hành động gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.
Chia sẻ kinh nghiệm của một tỉnh đã tạo được bước phát triển mới trong nửa nhiệm kỳ qua, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Năm 2022, tỉnh hoàn thành toàn diện 18/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh (có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất từ trước đến nay (đạt 13,94%), đứng thứ tư cả nước về tỷ lệ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp đạt gần 30%; giải ngân vốn đầu tư công, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đều vượt chỉ tiêu kế hoạch...
Từ những kết quả đạt được kinh nghiệm rút ra là phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, từ đó cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải vừa có tính khả thi, vừa có tính đột phá.
Trước khi ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, cần khảo sát thực tiễn, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến từ tập thể cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Chương trình hành động thực hiện nghị quyết phải được cán bộ chủ chốt trực tiếp tham gia góp ý xây dựng, không giao phó cho bộ phận tham mưu và người đứng đầu cấp ủy trực tiếp triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng trực tiếp thực hiện.
Siết chặt quy trình, nâng cao chất lượng cán bộ
Đại hội XIII của Đảng xác định: “phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.
Nhiệm vụ này đã được tập trung thực hiện rất quyết liệt trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, rõ nét nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các văn bản mới có liên quan công tác cán bộ, góp phần siết chặt quy trình công tác cán bộ, kiên quyết sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và nhất trí ban hành Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng lúc, Trung ương ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm.
Phạm vi của Kết luận 21 rộng hơn, bao quát hơn, không chỉ trong Đảng mà đề cập đến cả hệ thống chính trị; đồng thời nhận diện suy thoái rộng hơn, nhấn mạnh đến vấn đề tiêu cực trong Đảng, trước hết là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương 5 ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Cụ thể hóa hơn nữa, Bộ Chính trị ban hành các văn bản: Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 65 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị…
Có thể thấy, chưa bao giờ Đảng ta có hệ thống văn bản đồng bộ và toàn diện như thế liên quan đến công tác cán bộ. Những văn bản này cùng với các văn bản đã có trước đó tạo nên một chỉnh thể hệ thống các văn bản của Đảng nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Đặc biệt, những quy định mới đã ngay lập tức được thực hiện ở cấp Trung ương với quan điểm “kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”, tạo nên tinh thần kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới.
Cụ thể, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xem xét, biểu quyết thống nhất để ba đồng chí Ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII theo Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo kết luận số 20 của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Cũng tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương do các vi phạm nghiêm trọng về nguyên tắc tập trung dân chủ, về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy.
Nói về việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “... rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm”.
Đến nay, thực hiện các quy định nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý, đồng thời khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Ban Tổ chức Trung ương đã tăng cường kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện quy định, quy chế, kết luận về công tác cán bộ. Kịp thời trao đổi với một số địa phương, đơn vị, thường trực cấp ủy, tổ chức đảng có dư luận, vấn đề phức tạp trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Năm 2022, đã kiểm tra, giám sát 15 địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương về kết quả triển khai thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác kiểm tra với khảo sát thực hiện các đề án được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Với những quy định đồng bộ, biện pháp quyết liệt, công tác cán bộ được thực hiện nghiêm minh “có vào, có ra; có lên, có xuống” là việc nổi bật trong nhiệm vụ xây dựng Đảng nửa nhiệm kỳ qua, thể hiện đúng vị trí, vai trò “then chốt của then chốt”.
Có thể nói, với những quy định đồng bộ, biện pháp quyết liệt, công tác cán bộ được thực hiện nghiêm minh “có vào, có ra; có lên, có xuống” là việc nổi bật trong nhiệm vụ xây dựng Đảng nửa nhiệm kỳ qua, thể hiện đúng vị trí, vai trò “then chốt của then chốt”.
Tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân rất đồng tình, đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm, có trường hợp cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua, trên cơ sở phân tích, dự báo về bối cảnh, tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo tập trung, ưu tiên 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, trong đó yêu cầu đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước… Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.
Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn”, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Với những kết quả đạt được, cùng quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nêu gương, nêu cao trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tin rằng những tồn tại, khó khăn, yếu kém sẽ được khắc phục hiệu quả. Đất nước ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng sẽ đạt được những kết quả quan trọng trong nửa cuối nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo nhandan.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027