Nông sản Việt chờ tiếp sức từ gói 100.000 tỷ đồng
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao của Chính phủ đã bắt đầu khởi động.
Việc sử dụng gói tín dụng này như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất đang là những băn khoăn không chỉ của người sản xuất, doanh nghiệp và các nhà khoa học.
Có dễ tiếp cận?
Sơ chế rau sạch tại HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) trước khi mang đi tiêu thụ ở các trung tâm thương mại, chợ. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN.
Cách đây gần 1 năm, giới đầu tư nông nghiệp tại Việt Nam khá sửng sốt khi ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú rao bán khu nông nghiệp hữu cơ 320 ha ở vùng ven rừng U Minh, Cà Mau trên trang mạng xã hội cá nhân (facebook) của mình. Rất may, ngay sau đó đã có tới hơn 10 đối tác trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư, giúp Viễn Phú tiếp tục có cơ hội hoạt động trở lại. Cách đây vài ngày, công ty này đã ký kết hợp tác với Saigon Co.op về đầu tư và tiêu thụ một phần sản phẩm.
Điều đáng nói ở đây, Viễn Phú là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam, với quy mô lớn nhất ở khu vực châu Á. Doanh nghiệp này đã có thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa (Hoasuafoods) là sản phẩm gạo hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Kèm theo đó là thị trường xuất khẩu, đầu ra khá ổn định ở những thị trường khó tính nhất hiện nay. Thế nhưng, sau cả một chặng đường dài 10 năm hoạt động, doanh nghiệp này không tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn vay ưu đãi nào.
Theo ông Khải, đầu tư vào nông nghiệp thường có chu kỳ rất dài, nên chuyện khó khăn về vốn là điều tất nhiên. Sở dĩ doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi là do khi đó nhận thức của người tiêu dùng, của các nhà quản lý về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế nên cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% một năm so với mức lãi vay thông thường. Điều này cho thấy Chính phủ đã thực sự quan tâm và muốn thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp sạch phát triển. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp và đang được nhiều doanh nghiệp mong chờ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhận định để tiếp cận với nguồn vốn vay này không phải là dễ dàng. Bởi trước đó đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp nhưng nông dân, doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận.
Theo ông Võ Minh Khải, trước khi bắt tay vào triển khai dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bản thân ông đã nghiên cứu rất nhiều luật và nghị định. Với lĩnh vực hoạt động này, Viễn Phú được hưởng chính sách ưu đãi theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Lúc này, Viễn Phú đã có hơn 30 tỷ đồng vốn đầu tư tự có nhưng do sản xuất nông nghiệp, nhất là hữu cơ thường có chu kỳ rất dài nên vẫn cần thêm một khoản tương đương để hoạt động. Tuy nhiên, khi đưa dự án tới các ngân hàng thì doanh nghiệp đã không tiếp cận được bất kỳ nguồn vốn vay nào chứ chưa nói đến vốn vay ưu đãi.
Ngay như TP Hồ Chí Minh là một địa phương khá năng động, có những chính sách ưu đãi riêng cho sản xuất nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao thì vẫn có nhiều trường hợp không thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi.
Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Phan Quốc Hưng ở phường An Phú Đông, Quận 12 với hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng hoa lan. Mỗi năm cung cấp cho bà con nông dân ở khu vực lân cận hàng chục nghìn cây giống lan quý. Mới đây, gia đình ông còn nghiên cứu, thiết kế ứng dụng công nghệ trồng rau sạch bằng khay nhựa tại các khu chung cư của TP Hồ Chí Minh. Để phát triển hơn nữa, vườn lan của ông Hưng cần phải đầu tư thêm 2-3 tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến nay, gia đình ông vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Nông dân phải là đối tượng hưởng lợi chính
Atisô tươi được bán ở khắp các chợ lớn, nhỏ tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN
Chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ đang tạo làn sóng đầu tư mới trong nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Đây được xem là tín hiệu tốt khi "nhà nhà, người người" đều có chung nỗi lo lắng về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, có một vấn đề đặt ra hiện nay là người dân sẽ được hưởng lợi gì từ chính sách này ? Với kiểu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, liệu họ có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi ?
Dưới góc độ của một chuyên gia nông nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, gói tín dụng này của Chính phủ sẽ hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất. Tuy nhiên, sẽ có không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để chạy chọt dự án nhằm hưởng lợi.
Do vậy, “khi sử dụng quỹ ưu đãi, doanh nghiệp phải có dự án đảm bảo sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, dự án này phải có nhiều người dân tham gia vào chuỗi sản xuất chứ không phải doanh nghiệp vay rồi làm giàu cho chính bản thân họ, còn nông dân – những người thực sự cần hỗ trợ lại không được hưởng lợi gì”, Giáo sư Xuân nói.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cũng cho rằng, chính sách cần hướng đến việc hỗ trợ người nông dân một cách rõ ràng hơn. Hiện trong nông nghiệp có hai xu hướng canh tác là hóa học và hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ sẽ chiếm ưu thế và được ưa chuộng.
“Mặc dù hiện nay Chính phủ khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng công nghệ cao, song vẫn chưa có định hướng rõ ràng trong việc canh tác theo hóa học hay hữu cơ. Sản xuất sạch không đồng nghĩa với canh tác hóa học hiện đại. Việc định hướng này rất quan trọng để triển khai những chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân cũng như hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai”, ông Viên cho biết.
Ngoài việc gắn chính sách với người sản xuất thì các chuyên gia cũng cho rằng, việc sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao không thể làm theo phong trào mà cần có chiến lược dài hạn. Trước khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp bắt buộc phải nghĩ tới hướng tiêu thụ sản phẩm trước tiên, định vị được sản phẩm trên thị trường để tránh tình trạng dư thừa như nhiều nông sản hiện nay. Đồng thời, tính toán lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng để tạo lợi nhuận từ những sản phẩm chất lượng cao mà giá thành cũng phải cạnh tranh, đáp ứng được đúng nhu cầu mà thị trường đang cần.
Theo Hứa Chung (TTXVN)
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027