Nơi đây sơn kỳ, thủy tú
Quảng Ninh được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” với sơn kỳ, thủy tú. Núi non, sông nước, biển đảo phân bố ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, không chỉ hàm chứa trong đó những giá trị lịch sử, văn hoá lâu đời, mà còn tạo nên vô số cảnh sắc tuyệt mỹ làm say đắm lòng người.
Lên cao để thấy…
“Tựa sơn, hướng bể” có lẽ là địa thế chung ở Quảng Ninh. Đứng trên những đỉnh núi cao là bạn có thể phóng tầm mắt bao trọn cả một vùng non nước, ruộng nương, nhà cửa tươi đẹp vùng Đông Bắc, thậm chí ở những khu vực biên giới còn có thể nhìn sang cả nước bạn Trung Quốc. Các điểm cao này cũng gắn liền với những khu vực có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với rừng già nguyên sinh, những thác nước lớn, nhỏ, hồ đập trong xanh thơ mộng, nằm trong các khu rừng quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên… có giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm.
Đường lên Cao Xiêm đi dưới những cây sau sau lá đỏ. Ảnh: Hoàng Gái (CTV)
Cao nhất ở Quảng Ninh phải kể tới vùng rừng núi Quảng Nam Châu hùng vĩ, rộng lớn, với 3 đỉnh cao tạo thế chân kiềng: Đỉnh Quảng Nam Châu cao 1.507m, Cao Xiêm cao 1.429m, Ngàn Chi cao 1.166m so với mực nước biển. Khu vực này đã được đề xuất thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu nằm trên địa bàn 6 xã của 3 huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà với diện tích gần 17.000ha.
Khu vực đồi núi Quảng Nam Châu thuộc phía Đông cánh cung Đông Triều - một trong bốn cánh cung núi chính của vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam; cánh phía Tây có những đỉnh núi thấp hơn, gồm dãy Yên Tử với đỉnh cao nhất 1.068m và dãy Thiên Sơn với đỉnh cao nhất là 1.096m so với mực nước biển… Trong đó, dãy Thiên Sơn nằm trong quần thể Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, nơi được xem là “lá phổi xanh” của tỉnh, có giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm. Nơi đây có những đỉnh cao mây phủ trên dưới nghìn mét, như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp..., các cánh rừng tự nhiên xanh tươi được đan xen bởi hàng trăm khe suối, thác nước, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình làm say đắm lòng người.
Suối nước trong veo tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Nổi tiếng trong lịch sử là núi Yên Tử, nơi đây từng được xem là “phúc địa của Giao Châu”, vào thời Nguyễn từng được liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ. Núi Yên Tử từ hàng nghìn năm trước đã có những đạo sĩ tìm đến tu tiên đắc đạo, nhiều thiền sư “đạo cao, đức trọng” tu hành. Đặc biệt, cách đây 725 năm (năm 1299), vua Trần Nhân Tông đã về Yên Tử quyết chí tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền thuần Việt với tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời rất đặc sắc. Ngài cùng với Pháp Loa và Huyền Quang đã kế tiếp nhau trở thành Tam tổ Trúc Lâm, đưa tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm lan tỏa rộng rãi không chỉ ở nước ta mà cả các quốc gia lân bang, với sức sống bền bỉ, trường tồn qua gần nghìn năm lịch sử cho tới tận hôm nay.
Vẻ đẹp của Yên Tử ngoài giá trị lịch sử, văn hoá, nơi hội tụ khí thiêng trời đất, còn là sự kỳ vĩ của núi non, cây cỏ hòa với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống hàng trăm ngôi chùa, am, tháp từ chân núi lên tới đỉnh chùa Đồng. Các di tích nơi đây được bao bọc bởi Khu rừng quốc gia Yên Tử có diện tích gần 2.800ha, được xem như một bảo tàng lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử. Ảnh: Đức Mạnh (CTV)
Cũng nằm trên dãy núi Yên Tử nhưng có độ cao thấp hơn là núi Bảo Đài, nổi tiếng với khu am - chùa Ngọa Vân là nơi dừng chân cuối cùng và hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông, là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm. Ngọa Vân thuộc quần thể di sản nhà Trần ở Đông Triều cùng với Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) nằm trong Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, đã được 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương lập hồ sơ trình lên UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Không chỉ sở hữu những di sản nghìn năm lịch sử, núi non của Quảng Ninh còn tạo ra những cảnh sắc với vẻ đẹp khó rời mắt. Có thể kể đến khu đồi Phượng Hoàng, đỉnh Bình Hương (TP Uông Bí) có độ cao gần 500m so với mực nước biển, làm say lòng người bởi núi non kỳ vĩ, những thảm cỏ, ngọn thông xanh miên man vào mùa hè và màu cỏ cháy mê hoặc vào mùa thu đông. Hay khi chinh phục đỉnh Cao Ba Lanh ở độ cao 1.050m là có thể nhìn bao quát cả một vùng biên ải với con sông biên giới uốn lượn giữa đôi bờ và nhà sàn lưng đồi, ruộng bậc thang lớp lớp trong màu xanh ngút ngàn. Nơi đây còn có hệ thống các “bãi đá thần” thiêng liêng, huyền bí với những truyền thuyết kỳ lạ và nhiều chứng tích của một thời chiến tranh cách mạng với hầm hào, giếng nước, con đường mòn kéo pháo... lãng đãng trong màn mây, tạo khung cảnh như chốn “bồng lai tiên cảnh”…
Vẻ đẹp đồi Phượng Hoàng (TP Uông Bí) mùa cỏ cháy làm say lòng người.
Đảo xanh, biển rộng…
Kể từ mũi Sa Vĩ ở địa đầu Móng Cái, nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ hình chữ S của đất nước, đường bờ biển của Quảng Ninh dài hơn 250km, chạy qua 7/11 địa phương trong đất liền, chưa kể 2 huyện đảo là Vân Đồn và Cô Tô. Vùng biển và hải đảo của Quảng Ninh là một vùng địa hình độc đáo. Hơn 2.000 hòn đảo của Quảng Ninh chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trong đó có những đảo lớn như Cái Bầu, Bản Sen, Cô Tô lớn, Thanh Lân, đảo Trần, lại có đảo chỉ nhỏ như hòn non bộ. Trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long có hàng nghìn đảo đá vôi, nguyên là vùng địa hình karst bị nước bào mòn, tạo nên muôn nghìn hình dáng, ẩn chứa trong lòng là những hang động kỳ thú. Nhiều hang động có vẻ đẹp tuyệt mỹ và được xem là những “hồ sơ về cổ khí hậu, cổ môi trường”, có sự đa dạng về thực vật và động vật, bao gồm các loài đặc hữu được tìm thấy ở các khu vực karst, như cọ Hạ Long, tuế Hạ Long, thạch sùng mí Cát Bà…
Vịnh Hạ Long cho tới nay đã 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Di sản này thuộc top những điểm đến hấp dẫn nhất trong số những di sản thế giới, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Gần đây nhất, tháng 9/2023, Di sản đã được mở rộng ranh giới sang quần đảo Cát Bà của Hải Phòng, nơi có những điều kiện về cảnh quan thiên nhiên và địa chất địa mạo tương đồng với Vịnh Hạ Long. Nằm giáp ranh Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cũng có vẻ đẹp độc đáo. Đặc biệt nơi đây có Vườn Quốc gia Bái Tử Long với các giá trị đa dạng sinh học cao, cảnh quan tự nhiên sinh động, kỳ thú như những cánh rừng ngập mặn, rừng cây cổ thụ lâu năm, sinh cảnh khe suối, thác nước, hang động đá vôi, bãi tắm, làng chài…
Rừng ngập mặn lâu niên trên đảo Cái Lim, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh ngoài những bãi bồi phù sa còn những bãi cát trắng táp lên từ sóng biển. Có nơi thành mỏ cát trắng làm nguyên liệu cho công nghệ thủy tinh, có nơi thành bãi tắm tuyệt vời, như Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Ba Châu... Nhiều bãi đá lớn như bãi đá Móng Rồng và nhiều bãi đá ven biển của Cô Tô có vẻ đẹp kỳ dị, cho ta cảm giác tựa những con quái vật trước khi bị kéo tuột ra biển đã ra sức cào móng vuốt xuống mặt đất, tạo thành những vệt đá dài trên bờ cát bây giờ.
Đi biển, giữa màu xanh muôn trùng của sóng nước chỉ thấy vẻ đẹp của non nước quê hương, nhưng vùng biển của tỉnh còn giàu có về nguồn lợi thủy sản. Qua đánh giá của các nhà khoa học, khu hệ sinh vật biển của Quảng Ninh giàu về thành phần loài và các thứ bậc phân loại. Sinh vật biển được biết hiện nay là 2.439 loài, chiếm 54,2% tổng số loài khu vực Vịnh Bắc Bộ; sinh vật biển tại vùng ven biển khoảng 750 loài. Trong đó có nhiều loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
San hô tại vùng biển Quảng Ninh có nhiều hình dáng, rực rỡ sắc màu. Ảnh: Viện Tài nguyên - Môi trường biển
San hô là một món quà của biển Quảng Ninh, các rạn san hô là nơi sinh sống của hàng nghìn loài sinh vật biển, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao, quý hiếm, như hải sâm, ốc nón, trai ngọc, bào ngư… Theo ước tính, toàn tỉnh còn khoảng 40ha rạn san hô, phân bố tại 4 khu vực chính là Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, biển Cô Tô và đảo Trần. Trong đó, vùng biển Cô Tô từng có những rạn san hô diện tích lớn nhất, được đánh giá là đẹp nhất vùng biển Đông Bắc Việt Nam với những loài quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Đứng trên những đỉnh núi cao mây bay, gió thổi, ngắm làng mạc thanh bình, đô thị sầm uất dưới thung lũng, đồng bằng mới thấy sông núi quê hương trù phú, thênh thang thế nào. Lênh đênh trên sóng, ngắm những đàn cá nhỏ tung tăng lượn lờ trên các rạn san hô rực rỡ sắc màu dưới lòng biển Vịnh Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô mới thấy biển trời Đông Bắc tươi đẹp biết bao, là nguồn lợi cho Quảng Ninh giàu mạnh từ biển bạc, rừng xanh...
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán