Nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu

Dữ liệu được ví như “dòng máu” của chuyển đổi số. Vì vậy, nhiệm vụ triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) nền tảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực cập nhật, chuẩn hóa, làm sạch, làm giàu dữ liệu, nhất là các dữ liệu chuyên ngành có liên quan đến người dân, tạo nền tảng cho hoạt động chuyển đổi số.

Cán bộ chuyên trách CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ quản trị và vận hành các kho dữ liệu dùng chung, các CSDL chuyên ngành, các hệ thống thông tin đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.

Để xây dựng nền móng cho các CSDL phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) thiết yếu, ngay từ trước khi tiến trình chuyển đổi số diễn ra đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai tạo lập 2 CSDL dùng chung, gồm: CSDL Quản lý văn bản và CSDL Giải quyết TTHC tập trung. Các CSDL này đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và được kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Hệ thống hạ tầng mạng WAN nội tỉnh được đầu tư, nâng cấp cũng đã cung cấp kết nối hệ thống CSDL của tỉnh với trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và hệ thống quản lý văn bản điện tử quốc gia. Cùng với đó, đến thời điểm hiện tại, tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành một số CSDL chuyên ngành như: Giáo dục và đào tạo, Y tế, CBCCVC...; thực hiện chia sẻ cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời, đầy đủ, công khai cho các cơ quan của tỉnh và người dân, doanh nghiệp sử dụng.

Song song với việc tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động ổn định của các hệ thống CSDL đã có, tỉnh cũng đang tiếp tục nghiên cứu triển khai xây dựng, hoàn thiện một số CSDL chuyên ngành thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tiêu biểu như trong lĩnh vực Tư pháp, hiện đã hoàn thành số hóa, đồng bộ hơn 1 triệu dữ liệu hộ tịch trên phần mềm của Bộ Tư pháp; lĩnh vực Y tế, đã triển khai được CSDL quản lý hình ảnh tập trung của tỉnh; mô hình Trung tâm dữ liệu điều hành y tế; nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (Vtelehealth) và nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR); triển khai kê đơn thuốc điện tử và 11 bệnh viện, trung tâm y tế cấp tỉnh không sử dụng giấy tờ... Trong lĩnh vực BHXH, dữ liệu của hơn 1,2 triệu người có thẻ BHYT đã được làm sạch và đồng bộ thành công với CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp (đạt 98%). Lĩnh vực LĐ-TB&XH cũng đã và đang hoàn thành thu thập, cập nhật thông tin của các CSDL bảo trợ xã hội (đạt 100%), dữ liệu người lao động (đạt 66,97%), CSDL trẻ em (đạt 82,09%)…

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân với nhiều dữ liệu được khai thác trên hệ thống CSDL của tỉnh có liên kết với CSDL quốc gia về dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Hải Vân cho biết: Việc tỉnh và các sở, ngành nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các hệ thống CSDL chuyên ngành và kết nối liên thông với CSDL quốc gia về dân cư là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hoá TTHC, giảm giấy tờ cho công dân, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác giải quyết TTHC. Cùng với đó, các CSDL cũng thường xuyên được quan tâm cập nhật, làm sạch, giúp hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các CSDL chuyên ngành. Đồng thời, góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính...

Với những CSDL chuyên ngành đã và đang được xây dựng và hoàn thiện, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu toàn quốc trong việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 06 của Chính phủ. Qua 8 tháng năm 2024, kết quả thực hiện 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của tỉnh đã đảm bảo và vượt chỉ tiêu đề ra. Một số dịch vụ công thiết yếu thực sự đã đi vào cuộc sống, được người dân thường xuyên sử dụng như: Cấp hộ chiếu phổ thông (100%), đăng ký thường trú, tạm trú (93,2%)…

Đặc biệt, việc triển khai 2 nhóm dịch vụ công liên thông là: “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” từ tháng 7/2023 đã nhanh chóng đạt tỷ lệ hồ sơ trên 70%, giúp người dân làm thủ tục “3 trong 1”, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức đi lại, nhận được nhiều đánh giá và phản hồi tích cực từ nhân dân.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung duy trì thực hiện các quy chế quản lý các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Đồng thời duy trì kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả dữ liệu của 14 CSDL, hệ thống thông tin quan trọng, nền tảng của quốc gia; triển khai kết nối Cổng dịch vụ công của tỉnh vào hệ thống xác thực của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ việc xác thực nộp hồ sơ trực tuyến thông qua số điện thoại hoặc số BHXH hoặc VNeID mức độ 2, tạo điều kiện thuận lợi để 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền.

Theo Minh Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16409 Tổng lượt truy cập 94758018