Nỗ lực hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Trong các yếu tố tác động đến tiến trình chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung, các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung thống nhất là một trong những yếu tố được đánh giá là quan trọng nhất. Vì vậy, chương trình chuyển đổi số quốc gia năm 2023 đã lựa chọn chủ đề là “Dữ liệu số” với mục tiêu nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các CSDL chuyên ngành. Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đang đề ra nhiều kế hoạch và các giải pháp xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh sử dụng CSDL 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng tích hợp vào bản đồ đất đai để hỗ trợ công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Tùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, CSDL mang tính “nền móng”, nhất là CSDL quốc gia về dân cư đã bắt đầu được ứng dụng và đem lại một số hiệu quả thiết thực. Từ tháng 5/2022, tỉnh chính thức kết nối hệ thống Chính quyền điện tử tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư, trở thành một trong những tỉnh, thành đầu tiên hoàn thành việc kết nối theo Đề án 06 của Chính phủ.

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: Với CSDL quốc gia về dân cư, các cơ quan quản lý nhà nước có thêm căn cứ để nghiên cứu, đề xuất lộ trình tiếp tục đơn giản hoá TTHC, giảm giấy tờ cho công dân, đem lại hiệu quả cao hơn trong công tác giải quyết TTHC. CSDL quốc gia về dân cư được kết nối, chia sẻ với các CSDL chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực khác cũng giúp hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các CSDL chuyên ngành. Đồng thời, góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính...

Bên cạnh CSDL quốc gia về dân cư, đến hết năm 2022, tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối chính thức với 4 CSDL chuyên ngành, gồm: CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp), Hệ thống phục vụ dịch vụ công (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam).

Bước sang năm 2023, tỉnh cũng đang triển khai kết nối thử nghiệm với 7 CSDL khác, gồm: CSDL liên thông tài nguyên môi trường - thuế; CSDL quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); CSDL đất đai quốc gia (Bộ TN-MT); CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ TT&TT); Cổng dịch vụ công của Bộ Xây dựng; Hệ thống mã bưu chính Vpostcode (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam).

Năm 2022 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án "Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh”, đáp ứng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và đang nhanh chóng triển khai để đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

TP Hạ Long tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin đất đai tỉnh Quảng Ninh VNPT iLIS và hệ thống CSDL về đất đai cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên theo dõi công tác quản lý đất đai.

Tuy đã đạt được một số kết quả khá tích cực, nhưng trên thực tế, tiến độ xây dựng các hệ thống CSDL chuyên ngành của tỉnh vẫn đang còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Trong năm qua, mới chỉ có 6 CSDL chuyên ngành được triển khai xây dựng, gồm: CSDL 3 loại rừng và quản lý tài nguyên rừng, diễn biến rừng tích hợp vào bản đồ đất đai của tỉnh; CSDL về thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; CSDL địa lý quản lý nuôi tôm nước lợ và phát triển; Hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai (Sở NN&PTNT); CSDL đất đai và triển khai thí điểm phần mềm Quản lý đất đai tại các địa phương Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên (Sở TN&MT); CSDL sổ hộ tịch và CSDL công chứng (Sở Tư pháp). Tuy nhiên, các CSDL này cũng mới chỉ là những hợp phần nhỏ trong tổng thể CSDL chuyên ngành của các sở, ngành, lĩnh vực trọng yếu của tỉnh…

Năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền tảng dữ liệu số để tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện. Trước mắt tỉnh sẽ dồn lực xây dựng, hoàn thành cơ bản 8 CSDL nền tảng của tỉnh, gồm: Đất đai, CBCCVC, y tế, giáo dục, quy hoạch, du lịch, đầu tư công và giao thông.

Đồng thời, triển khai kết nối chính thức các CSDL đã thử nghiệm trong năm 2022; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, các CSDL quốc gia để phục vụ chuyển đổi số đồng bộ, thống nhất ngay sau khi các hệ thống của bộ, ngành, trung ương hoàn thành hoặc cho phép kết nối.

Tỉnh cũng đẩy nhanh hoàn thành nâng cấp phần mềm lưu trữ tài liệu điện tử để phục vụ số hóa tài liệu lưu trữ điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tiếp tục hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” và bảo đảm 100% dữ liệu công dân của tỉnh lưu trữ trong CSDL quốc gia về dân cư được tích hợp với các CSDL chuyên ngành liên quan...

Theo Minh Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19274 Tổng lượt truy cập 94809491