Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện
Với quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, CBCCVC-LĐ và nhân dân, công tác chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của cả 3 trục chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Triển khai Kế hoạch số 59/KH-UBND (ngày 1/3/2022) của UBND tỉnh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với quyết tâm cao và các giải pháp linh hoạt, đến nay, tỉnh đã hoàn thành 2/27 mục tiêu đề ra trong giai đoạn. Trong đó, mục tiêu tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến đạt 75% (mục tiêu đặt ra là 60%). Lũy kế 9 tháng năm 2022, đã có gần 297.000 hồ sơ trực tuyến trên tổng số hơn 426.000 hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh.
Mục tiêu tỉnh đặt ra là 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sử dụng hóa đơn điện tử cũng đã hoàn thành. Đến nay, đã có 10.679 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử; 2.219 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử.
Cùng với đó, một số mục tiêu cũng có tỷ lệ triển khai thực hiện cao, như: Thu thập, gắn mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số cho hơn 367.000 địa chỉ trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ trên 90%); 86% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 79,8% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng và sóng viễn thông di động…
Trên cả 3 trục của chuyển đổi số, nhất là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, tỉnh đều đạt được những kết quả khả quan. Trong xây dựng chính quyền số, tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư, phạm nhân; cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, cập nhật chứng minh thư nhân dân 9 số; ứng dụng VssID; cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống tiêm chủng Covid-19; cập nhật dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh; cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân... Đồng thời, hoàn thành kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử; đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin. Đầu tháng 9 vừa qua, tỉnh triển khai nghiên cứu, thử nghiệm phần mềm sổ tay đảng viên điện tử trong Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.
Người dân TP Hạ Long sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến trong các hoạt động kinh tế, xã hội hàng ngày.
Về phát triển kinh tế số, đáng chú ý nhất là việc tỉnh đã thành công đưa 186/267 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (đạt 70%). Toàn tỉnh hiện có 156/356 sản phẩm OCOP của 38/130 cơ sở sản xuất được đăng tải trên Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại đã tạo được thói quen giao dịch trên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ người dân trong quảng bá sản phẩm và tăng lượng giao dịch, tăng doanh thu, cũng như đánh giá được thị trường tiêu thụ tốt hơn.
Tỉnh cũng đã hoàn thành triển khai sử dụng hoá đơn điện tử và phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2,1 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 1,5 triệu tài khoản đang hoạt động cùng 45.582 tài khoản doanh nghiệp. Tỷ lệ tài khoản thanh toán điện tử/tổng tài khoản thanh toán đang hoạt động đạt 62%, bình quân 1,5 tài khoản/người dân trưởng thành. Lũy kế đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn tỉnh có 265.000 thuê bao di động có cài đặt và sử dụng dịch vụ mobile money…
Cùng với đó, Sở TT&TT cũng đang phối hợp cùng UBND TP Móng Cái, các sở, ngành liên quan và đơn vị tư vấn khảo sát, xây dựng quy trình điện tử, chuẩn bị các nội dung để triển khai mô hình cửa khẩu số tại cửa khẩu Bắc Luân II.
Trong xây dựng xã hội số, đến nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, trung tâm hành chính công các cấp, các ngành điện, nước đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh cũng đang triển khai thí điểm Phố thông minh không dùng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu (TP Hạ Long) thông qua ứng dụng Viettel Money và một số ứng dụng của các đơn vị ngân hàng. Viettel Quảng Ninh phối hợp với Công ty Âu Lạc lập 2 quầy trải nghiệm dịch vụ cho khách du lịch; thành lập tổ tư vấn trực tiếp 15 ngày liên tục; tổ chức buổi bán hàng lưu động định kỳ hàng tuần; cài đặt dịch vụ cho 14/42 quầy bán hàng tại các khu vực của Khu du lịch Tuần Châu.
Để xã hội số không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, vùng miền, đến được tới đại đa số người dân, thực sự phục vụ đời sống nhân dân, các sở, ngành, đơn vị chức năng cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ phủ lõm sóng di động và phát triển cáp quang băng rộng. Tính đến hết quý III/2022, tỉnh đã hoàn thành 34/54 trạm phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng cho 44/66 thôn, bản trên địa bàn; hiện đang lắp thiết bị cho 6 trạm để phủ sóng cho 7 thôn, bản và nhanh chóng triển khai xây dựng 14 trạm còn lại để phủ lõm sóng cho 15 thôn, bản còn lại.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027