Những năm tháng không quên

Quỹ thời gian cho một con người sống và để người ấy công tác, làm việc, tưởng là dài nhưng hoá ra rất ngắn ngủi. Vậy mà tôi đã công tác ở Đài Truyền thanh Truyền hình Uông Bí đến 13 năm, bằng gần nửa thời gian để đủ tuổi nghỉ chế độ hưu trí. Có lẽ vì thời gian công tác ở Đài như vậy, nên đến bây giờ nhiều người khi nhắc đến tôi họ vẫn gọi tôi với cái tên “Vinh Đài”, mặc dù sau thời gian công tác tại Đài, tôi còn chuyển sang một đơn vị khác công tác và đã về hưu tới hơn chục năm. Chẳng hiểu đó là cách gọi thể hiện sự dí dỏm hay trìu mến? Nhưng với tôi, tôi lại thấy đó là một điều vinh hạnh, tự hào.

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, nhớ lại những năm tháng thật nhiều kỷ niệm không thể nào quên mà tôi cùng anh chị em ở Đài đã trải qua, tôi xin ghi lại vài dòng hồi ức ...

***

Năm 1990 tôi được điều về Đài Truyền thanh thị xã Uông Bí (TTUB). với trọng trách Trưởng Đài, thay cho đồng chí Đỗ Đức Dũng chuyển công tác vào phường Bắc Sơn.

Đài Truyền thanh và sau được gọi là Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Uông Bí từ khi thành lập cho đến tận bây giờ, chưa bao giờ được là một cơ quan báo chí theo qui định chung. Nhưng tất cả cán bộ và nhân viên ở đây, ngay từ ngày thành lập Đài đến nay, họ đã làm việc với trách nhiệm của một cơ quan báo chí, theo Luật báo chí.

Đài TTUB ra đời từ những năm 60, đó là những năm đầu khi thị xã Uông Bí được thành lập trên cơ sở khôi phục, phát triển ngành Than và Điện. Với chức năng là một cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ địa phương, Truyền thanh Uông Bí đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền để xây dựng Thị xã từ những ngày còn sơ khai cho đến tận bây giờ. Trong chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, Đài TTUB đã như một pháo đài, trụ vững giữa đạn bom kẻ thù. Những thông tin viên thời đó đã len lỏi vào các trận địa, vào nhà máy, vào hầm mỏ, thu lượm tin tức, tuyên truyền kịp thời những gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm. Đồng thời động viên nhân dân Thị xã sơ tán để bảo vệ tính mạng, tài sản, làm tốt công tác tuyển quân với tinh thần: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, và “tất cả cho tiền tuyến”. Đồng thời thúc giục lực lượng vũ trang kịp thời đánh trả máy bay địch. Đài đã góp vào bảng vàng thành tích của Đảng bộ và nhân dân Uông Bí làm nên một thị xã anh hùng của thời đạn lửa ấy.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Đài truyền thanh luôn là một công cụ tuyên truyền đắc lực cho công cuộc đổi mới của Đảng. Nhiều gương điển hình trong lao động sản xuất, trong kinh doanh, trong học tập và công tác, qua hoạt động của Đài đã được tuyên truyền rộng rãi trong thị xã, trên hệ thống hơn 40 loa công cộng, hơn 500 loa gia đình, bằng 50 km đường dây chạy từ dốc Văn Vi - Nam Khê về Dốc Đỏ - Phương Đông và với các tuyến dây chạy sâu vào ngõ xóm, vào các gia đình.

Những năm đầu của công cuộc đổi mới làm cho thị xã ngày một  khang trang, sầm uất. Đời sống của đại bộ phận người lao động ngày một được cải thiện. Những ngôi nhà cao tầng kiên cố đã dần dần thay thế cho những ngôi nhà cấp bốn được xây bằng gạch tự đóng. Những phương tiện nghe nhìn của thời bùng nổ thông tin đã được nhiều gia đình mua sắm. Truyền hình được thu từ Tam Đảo về, từ Hải Phòng sang, từ Hạ Long xuống. Đó cũng là thời điểm mà hệ thống loa truyền thanh của thị xã bị thu hẹp dần. Từ dốc Văn Vi được thu về Nhà thờ Trưng Vương, sau về đến Ngã năm Cột Đồng Hồ. Từ Dốc Đỏ được thu về Cầu Sến rồi về đến đầu dốc bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển. Theo đó những chiếc loa gia đình cũng không còn tác dụng. Đường dây bị phá hỏng, những chiếc loa công cộng cứ bị xoay hướng đi chỗ khác, hoặc bị đập cho méo mó. Đó là thời điểm mà không riêng gì Đài Truyền thanh Uông Bí mà một số đài huyện, thị bạn cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Khí thế làm việc của cán bộ, công nhân ngành truyền thanh nói chung và đài Truyền thanh Uông Bí nói riêng dường như trầm hẳn xuống...

Năm 1991, một bất ngờ đã đến với đài Uông Bí. Khi ấy bác Phạm Đức Thiếp làm chủ tịch UBND thị xã. Bác đã thông báo cho chúng tôi: Khách sạn chuyên gia cho Thị xã chiếc máy phát hình cũ.

Thế là vào một ngày nắng tháng 5, cả Đài huy động hết cán bộ và nhân viên kỹ thuật trèo lên đỉnh Khách sạn chuyên gia ở Trưng Vương, tháo máy phát hình mang về. Máy phát được lắp trong ngôi nhà cấp bốn xây từ hồi còn chiến tranh phá hoại (bây giờ vẫn còn trên đỉnh đồi Truyền thanh).

Đây là một chiếc máy phát hình chỉ chuyên thu và phát kênh 4 nhờ tín hiệu từ vệ tinh cho chuyên gia Liên Xô xem. Nhân dân Uông Bí chỉ là người xem nhờ hình ảnh, chứ có mấy ai biết tiếng. Thế thôi nhưng cũng là niềm vui mới cho chúng tôi, cho cả nhân dân Uông Bí suốt từ Đốc Đỏ về Nam Khê. Mỗi lần vì một lý do nào đó mà không phát hình là lại thấy nhớ.

Từ một chiếc máy phát hình lỗi thời của chuyên gia Liên Xô cho, ý tưởng làm truyền hình Uông Bí đã được hình thành.

Tôi nêu ý tưởng với anh em trong Đài, mà chủ yếu là tổ kỹ thuật. Cả Đài đồng tình. Chúng tôi báo cáo UBND thị xã, được chủ tịch Phạm Đức Thiếp đồng ý. Làm việc với Đài PTTH Quảng Ninh, lúc đầu họ chần chừ vì kênh sóng nhưng rồi sau cũng đồng ý. Họ đã lên một phương án cải tiến chi tiết nhưng với một dự toán kinh phí vượt khả năng chi trả của Đài Uông Bí. Đề án lắng xuống mất một thời gian...

Thấy tiếc cho một tiềm năng mà các đài cấp huyện đều không có. Chúng tôi họp lại tổ kỹ thuật và quyết định giao công việc cải tiến ấy cho kỹ sư vô tuyến Vũ Quang Thường.

 Sau gần một tháng, công việc cải tiến hoàn thành, đó là vào những ngày cuối năm 1991. Chúng tôi dùng đầu VIDEO đưa tín hiệu vào máy phát. Những bộ phim hay được chiếu trên kênh 4 qua máy phát cũ của Nga đã góp một phần làm cho cuộc sống tinh thần của nhân dân Uông Bí thời đó thêm sôi động.

Nhưng không thể phát phim mãi được, ý tưởng làm truyền hình Uông Bí tiếp tục được thực hiện. Chiếc CAMERA nhãn hiệu JVC được UBND thị xã điều về Đài, kèm theo người sử dụng là nhân viên Phạm Đức Thịnh. Trong một không gian chật hẹp của ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, chúng tôi lập đủ trường quay, nơi biên tập, dựng chương trình, nơi đặt máy phát. Khi đó chúng tôi dựng chương trình chỉ bằng 1Camera, một ti vi và dùng một đầu VIDEO để cắt hình. Nhưng bằng sự tự tin, bằng nhiệt tình và trách nhiệm, chúng tôi đã sản xuất ra những chương trình với tên gọi Truyền hình Uông Bí, có đủ logo, có hình hiệu và phát với thời lượng từ 25 đến 30 phút cho một chương trình. Điều đáng mừng là phát thanh viên Nguyễn Minh Ngọc chưa một lần lên sóng Truyền hình, nhưng ngay buổi đầu tiên không hề lúng túng trước ống kính, chững chạc như một phát thanh viên truyền hình thực thụ.

Sau đó những bản tin thời sự địa phương, những phóng sự ngắn, dài chúng tôi sản xuất đã lần lượt xuất hiện trên Truyền hình Uông Bí vào các tối thứ 3, thứ 5 rồi thứ 7, chủ nhật hàng tuần, được đông đảo khán giả quan tâm chờ đợi và đồng tình, ủng hộ. Cứ hàng năm khi tết đến, hình ảnh lãnh đạo thị xã chúc tết nhân dân được nhiều người khen ngợi. Những tác phẩm đầu tiên  được sản xuất nhằm biểu dương gương người tốt việc tốt, những tập thể điển hình trong sản xuất, công tác. Những cuộc cùng lực lượng an ninh truy bắt tội phạm ma tuý, mại dâm cũng được chúng tôi làm tin phát sóng. Cả những cuộc cưỡng chế nhằm lập lại trật tự đô thị cũng được chúng tôi đưa lên hình. Sau rồi  những phóng sự: Con đường vào Bãi Dài…; hay Rừng cháy…rồi Cấm đường…,Cái rãnh qua đường, Lụt trong phố .v.v. phản ánh những việc làm chưa tốt trong thị xã khi chúng tôi phát sóng đều được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.

Vào những năm 1998, 1999, Đài được xây dựng cơ sở làm việc khang trang, được trang bị máy phát hình mới, các thiết bị thu hình, dựng chương trình hiện đại hơn. Nhờ đó Truyền hình Uông Bí đã phủ sóng hầu hết vùng ngoài Uông Bí, đến tận Thuỷ Nguyên, tận Yên Hưng và một phần Đông Triều. Chất lượng các chương trình được nâng cao, đáp ứng một phần nhu cầu thông tin địa phương cho nhân dân Uông Bí.

Ngoài đài phát hình tại Uông Bí, còn hai trạm phát hình mới được Nhà nước đầu tư xây dựng tại Vàng Danh và Thượng Yên Công. Chúng tôi đã chuyển băng hình chương trình đến 2 trạm để phát cho nhân dân xem. Việc làm đó khiến nhân dân ở hai vùng vừa sâu, vừa xa của Uông Bí đều mến mộ.

Sau Uông Bí có truyền hình, vào những năm 93, 95 các huyện thị khác như Yên Hưng, Hoành Bồ, Đông Triều rồi Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Bình Liêu…cũng lần lượt xây dựng đài Truyền hình. Trước sự phát triển mạnh mẽ truyền hình cấp huyện trong tỉnh, Đài PTTH Quảng Ninh đã phát động một chương trình diễn đàn cấp huyện và hàng năm tổ chức liên hoan PTTH tỉnh Quảng Ninh. Cuộc liên hoan đầu tiên được tổ chức tại Móng Cái. Đài TTTH UB được giải nhất cho tác phẩm truyền hình: “Đổi mới ở vùng cao Miếu Thán - Vàng Danh”.

Những năm sau đó là rất nhiều giải cho các tác phẩm truyền hình, tác phẩm phát thanh. Và tôi cũng rất vinh dự khi là đồng tác giả (với vai trò trực tiếp là đạo diễn, viết lời bình, đọc lời bình) của những tác phẩm đạt giải qua các kỳ liên hoan, như: “Đình làng thời đổi mới”; “Những sắc màu làm đẹp quê hương”; “Săn tìm khoảnh khắc bình yên” hay “vải chín sớm Phương Nam” rồi “Về miền ký ức”… Riêng tác phẩm Săn tìm khoảnh khắc bình yên đã đạt giải khuyến khích trong đợt xét tặng Giải Văn nghệ Hạ Long năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, năm 2011, tác phẩm phóng sự truyền hình của Đài TTTH Uông Bí với tựa đề: Giai Tử đã đoạt giải vàng liên hoan PTTH tỉnh Quảng Ninh. Tác phẩm ấy cũng đã đoạt giải bạc trong liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2011...

Cùng với Truyền hình, công tác phát thanh cũng được củng cố, ngày càng phát triển. Cũng có ý kiến băn khoăn cho rằng: Phương tiện nghe nhìn phát triển, thông tin từ Trung ương, từ Tỉnh đã vào tận vùng sâu, vùng xa, vào từng gia đình, vậy cần gì loa truyền thanh công cộng? Nhưng với chúng tôi, những người làm tham mưu cho Đảng trong lĩnh vực này không đồng tình. Theo chúng tôi có những thông tin kể cả của địa phương và Trung ương người dân vẫn cần nghe qua loa công cộng. Bởi vậy, không chỉ duy trì hàng chục km đường dây theo Đài truyền thanh thị xã mà các xã phường đều phát triển hệ thống truyền thanh xã, phường. Đặc biệt là truyền thanh không dây được gọi là Phát thanh FM. Năm 2004, một hệ thống phát thanh FM được lắp đặt tại Đài TTTH Uông Bí. Đây là một hệ thống phát thanh hiện đại, phát xa hơn 50 km. Thiết bị này cơ động, đã truyền thanh trực tiếp các sự kiện trọng đại của thị xã trước đây và thành phố bây giờ. Như các phiên họp HĐND thành phố, Đại hội Đảng bộ thành phố và một số lớn khác tại Quảng trường nhà hát 25/2. Các đài xã, phường đều thu tín hiệu của Đài Uông Bí và phát cho nhân dân nghe qua hệ thống truyền thanh của xã, phường mình.

Sự nghiệp Phát thanh Truyền hình phát triển, đội ngũ cán bộ cũng theo đó mà lớn mạnh, mà đông dần lên. Chúng tôi tuyển phát thanh viên, tuyển phóng viên có trình độ đại học. Cử cán bộ đi học đại học, có cả đại học báo chí, phát thanh truyền hình. Nghiệp vụ báo chí, kỹ thuật vận hành, ngày càng được nâng cao. Ngay cả khi tỉnh tổ chức liên hoan phát thanh viên cấp huyện, có năm Đài Uông Bí đã đạt giải nhất.

 Truyền hình Uông Bí bây giờ không được phát chương trình địa phương nữa, khiến người dân Uông Bí và cả chúng tôi, những người một thời tạo dựng nên nó có những hẫng hụt, tiếc nuối!

Sau hơn 50 năm, như một dòng chảy, lớp trẻ thay thế lớp già. Đến nay, khi đã sáp nhập với trung tâm văn hóa, thể thao, thông tin thuộc Phòng VHTT để thành lập Trung tâm Truyền thông – Văn hóa thành phố, thì tổ Đài truyền thanh – truyền hình vẫn duy trì một đội ngũ cán bộ nhân viên tới gần 20 con người. Đảng viên chỉ có 3 đ/c những năm 80 nay đã có 11 đảng viên. Một số đồng chí đã trưởng thành từ Đài trở thành Thường vụ Thành uỷ, thành cán bộ chủ chốt của Thị xã cũng như của Thành phố bây giờ.

Những nỗ lực bền bỉ của các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên sau hơn 50 năm, từ ngày thành lập Đài cho đến hôm nay, đã xây dựng lên một Đài TTTH Uông Bí luôn đứng trong tốp đầu của các Đài Truyền thanh Truyền hình cấp huyện của tỉnh Quảng Ninh.

Đó là những điều mà chúng tôi, những người làm thông tin tuyên truyền, làm báo địa phương của một thời, của cả những ngày hôm nay tự hào với địa phương, tự hào với chính mình.

Đó là những năm tháng không thể nào quên!

Uông Bí 5/6/2017

 NGUYỄN XUÂN VINH

Nguyên trưởng Đài TTTH Uông Bí

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24912 Tổng lượt truy cập 91174033