Những lưu ý cần thiết để tránh tai nạn thương tâm do cháy nổ từ xe điện

Không sạc xe qua đêm, hạn chế đi xe tốc độ cao, không nên đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập, tránh làm ắc quy, pin xe hỏng, rò rỉ điện hoặc chì, axit...

Tử vong vì xe điện bốc cháy khi đang sạc

Khoảng 1h ngày 13/7, ngôi nhà ba tầng của gia đình anh L.V.D. nằm trên đường Nguyễn Thị Định, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn bốc cháy nghi ngút. Thời điểm xảy ra vụ cháy, vợ chồng anh D. cùng một cô con gái ngủ ở tầng hai. Còn bà nội L.T.C. và cháu gái 5 tuổi L.T.T.T. ngủ dưới phòng khách ở tầng 1. Nhận tin báo, cảnh sát phòng cháy chữa cháy huy động xe cứu hỏa, điều lực lượng đến dập lửa.

Lúc này, lửa đã cháy lan khắp tầng hai, tầng ba, vợ chồng anh D. và con gái ở tầng hai được cứu kịp thời. Còn bà C. và bé T. tử vong tại chiếu nghỉ cầu thang từ tầng một lên tầng hai.

Được biết, anh D. làm nghề chạy xe điện chở khách ở khu du lịch Sầm Sơn được gần 4 năm, vợ anh làm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại nhà. Sau khi cắm sạc vào chiếc xe điện 4 bánh, anh D. lên tầng hai đi ngủ, khoảng 15 phút sau, chiếc xe bốc cháy, lửa bao trùm cả căn nhà khiến mẹ và con gái anh thiệt mạng khi đang ngủ ở phòng khách.

Hiện trường vụ cháy ở Thanh Hóa làm 2 người tử vong.

Thực tế, các vụ cháy xe điện khi đang sạc hoặc đang sử dụng vẫn xảy ra, chủ yếu do sử dụng và vận hành sai cách. Theo một chuyên gia về phòng cháy chữa cháy, các loại xe hiện nay đều có thiết bị chống quá nhiệt, quá dòng nhưng thực tế cũng chỉ có 1 vài dòng xe nhập khẩu hay lắp ráp trong nước với tiêu chuẩn cao, còn lại thì hầu hết đều có đánh giá phòng cháy chữa cháy, không được ngặt nghèo như các phương tiện khác. Mặt khác, nhiều người có thói quen  đi xe điện về chiều tối cắm sạc xong bỏ đó qua đêm là rất nguy hiểm. Hầu hết các chung cư hiện nay khi đi vào thiết kế không đặt ra tiêu chí hay khu vực cấp điện hoặc tổ chức sạc cho các dòng xe này.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong số các nguyên nhân xe điện cháy nổ thì nguyên nhân thì chủ yếu bắt nguồn từ bộ phận ắc-quy và hệ thống điện. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng lại chưa để ý tới bộ phận này của xe. Họ mua xe về và sử dụng tới lúc "không đi được nữa" thì mới mang tới cơ sở sửa chữa, chứ rất ít người mang xe đi bảo dưỡng định kỳ. Đó là chưa kể tới việc xe có chất lượng không tốt thì bình ắc quy và hệ thống điện cũng sẽ không đảm bảo an toàn, dễ gây chập cháy.

Theo TS Trần Văn Thịnh, xe điện cũng như xe xăng, chỉ an toàn khi sử dụng đúng cách. Khi sử dụng xe điện, nên nên sạc khi pin/ắc quy gần hết và hạn chế sạc qua đêm. Sau khi sử dụng từ 2-3 tháng có thể xả lượng axit trong pin/ắc quy thay bằng axít mới và sạc đầy pin/ắc quy. Sử dụng sạc chính hãng kèm theo khi mua xe, đảm bảo dòng vào chuẩn và ổn định… Nếu lâu không dùng xe đạp điện thì nên sạc đầy bình, sau đó tháo rời ắc quy/pin ra để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị. Không để pin/ắc quy ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao, dễ gây cháy nổ. Không va đập hoặc rung mạnh tác động vào pin/ắc quy.

Khi rửa xe hay đi mưa cần làm khô các giắc cắm và dây điện trước khi khởi động xe. Định kì 3 - 6 tháng kiểm tra hệ thống sạc, pin/ắc quy một lần. Bất kì ắc-quy nào cũng có tuổi thọ sử dụng nhất định và cần thay mới khi xuống cấp. Nếu có hiện tượng lạ như pin/ ắc quy bị phồng, nứt hay phát ra tiếng động lạ khi sạc điện... nên thay thế ắc quy mới hoặc đến ngay các cơ sở sửa chữa để kiểm tra.

Đừng sạc điện ngay khi về nhà

Khi mua một chiếc xe đạp điện hay xe máy điện thì sẽ có cuốn hướng dẫn sử dụng đi kèm, mọi người nên tuân thủ theo những chỉ dẫn của nhà sản xuất. Đơn cử khi sạc điện cho thì phải sạc vào thời điểm mà chúng ta có thể kiểm soát được. Tốt nhất là sạc vào ban ngày. Vị trí cắm sạc cũng quan trọng, phải là chỗ dễ quan sát, khô ráo bởi nếu có sự cố thì sẽ nhanh chóng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời. Khi cắm sạc phải cắm chắc chắn, tránh việc phóng tia lửa điện trong lúc sạc.

Theo TS Trần Văn Thịnh, hiện trên thị trường xe đạp điện, chủng loại, mẫu mã, giá cả rất phong phú, người tiêu dùng đa phần mua theo khả năng tài chính của mình chứ ít nghĩ đến độ an toàn của xe. Xe đạp điện có 2 loại động cơ chính, một loại chạy bằng pin, còn một loại chạy bằng ắc quy. Các phương tiện tích trữ năng lượng này đều được người sử dụng cho rằng khá hiệu quả và tiện lợi. Nhưng nguồn gốc của chúng lại được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, còn chất lượng của các bình ắc quy hay pin như thế nào vẫn luôn là một dấu hỏi lớn đối với người tiêu dùng. Xe đạp điện được sản xuất đúng chuẩn an toàn với người sử dụng. Nếu được bảo dưỡng định kỳ thì khả năng xảy ra cháy nổ là rất thấp. Đáng lưu ý là đa phần người sử dụng đều mua về rồi cứ thế sạc điện đi đến khi nào xe không thể đi được nữa thì mới đem đi sửa. Đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi sử dụng xe đạp điện.

Cần thường xuyên kiểm tra các bộ phận chuyển động, dây phanh, đèn, còi xe để đảm bảo hoạt động tốt, không bị kẹt hay hỏng hóc. Ắc quy lắp đặt không đúng, khi sử dụng xe một thời gian, các đinh ốc sẽ lỏng dần dẫn tới tình trạng va đập bình ắc quy khi di chuyển gây cháy nổ.

 Người sử dụng thường có thói quen dùng sai xe điện như chở quá tải, nạp điện khi điện ắc-quy vẫn còn, nạp chưa đủ thời gian... dẫn đến bình ắc-quy giảm tuổi thọ. Nếu không có cách sử dụng đúng và sử dụng quá nhiều thì trung bình tuổi thọ bình ắc-quy của xe đạp điện khoảng 1 - 2 năm. Theo đó, người dùng cần thay đổi thói quen không tốt khi dùng xe. Không nên đi xe quá lâu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa to, nước ngập, tránh làm ắc quy, pin xe hỏng, rò rỉ điện hoặc chì, axit.

Ngoài ra, hạn chế đi tốc độ cao, tuân thủ yêu cầu điều khiển phương tiện an toàn. Ngoài ra bình ắc quy hay pin xe đạp điện thường có thời gian bảo hành trong 1 năm, khi hết bảo hành người dùng phải thay 4 cục ắc quy trong bình điện với giá từ 1 triệu rưỡi đến 3 triệu đồng. Điều này cho thấy sử dụng xe đạp điện tốn kém nhất là ắc quy và pin...

Chuyên gia đề xuất, khi nhu cầu đi xe điện ngày càng nhiều, các khu chung cư nên tổ chức khu vực sạc riêng trên mặt đất, ngoài ra cũng cần có các thiết bị cảnh báo cháy sớm và có thể chữa cháy kịp thời. Cơ quan PCCC cũng cần hỗ trợ người dân, quan trọng nhất là không để cháy nổ xảy mà người dân được thuận tiện trong vận hành phương tiện đảm bảo môi trường theo quan điểm mới của Đảng và nhà nước ta hiện nay.

Theo các chuyên gia, xe mới đi về dù yếu điện thì cũng không nên sạc ngay mà chờ khoảng 15 - 20 phút rồi mới cắm điện. Khi hệ thống báo pin chỉ còn 25 - 30% là lúc thích hợp nhất để sạc.

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 17389 Tổng lượt truy cập 94759958