Nhân lên các giá trị tốt đẹp trong lễ hội
Trẩy hội đền, chùa dịp đầu xuân từ bao đời nay đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Qua đó, thể hiện sự tưởng nhớ cội nguồn, các bậc anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước cũng như gửi gắm niềm mong ước về một năm mới bình an, hạnh phúc. Để không ngừng nhân lên những giá trị nhân văn tốt đẹp đó, góp phần gìn giữ văn hóa tâm linh của dân tộc, việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội, lễ chùa ngày càng được người dân quan tâm, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Ghi nhận ở Yên Tử
Tiếp tục nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở thờ tự, các lễ hội không tổ chức khai hội, các hoạt động vui chơi thường niên mà chỉ thực hiện nghi lễ tâm linh truyền thống, vừa nhằm bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân vừa hạn chế tập trung đông người. Các nghi lễ cũng được tổ chức theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch.
Nhân dân, du khách đi lễ tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử.
Là một trong những điểm đến tâm linh thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh nhất trên địa bàn tỉnh mỗi dịp đầu xuân, Khu di tích - danh thắng Yên Tử ngay từ trong Tết đã đón số lượng khách khá lớn sau hai năm yên ắng vì dịch Covid-19. Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, nếu dịp Tết năm ngoái, lượng khách chỉ bằng 1/10 mọi năm, thì năm nay, ngay từ mùng 1 Tết, Yên Tử đã đón gần 1.500 khách và tiếp tục gấp đôi vào những ngày tiếp theo. Cao điểm là ngày mùng 4 và 5 Tết, đơn vị đã đón trên 36.000 lượt khách.
Mặc dù thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, song lượng du khách đông cũng đặt ra cho đơn vị yêu cầu về công tác quản lý an toàn phòng, chống dịch. Vì vậy, thông điệp 5K được xem là tiêu chí hàng đầu để khu di tích thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cũng như triển khai các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Nhân viên Công ty CP Phát triển Tùng Lâm giới thiệu cho du khách về các giá trị văn hóa, lịch sử của khu di tích Yên Tử.
Ông Lưu Quang Trung, Phó Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Xác định việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tăng cường công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ chùa, du xuân của du khách phải bảo đảm các yếu tố an toàn, văn minh. Toàn bộ khu di tích đều được phun khử trùng. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được phát trên loa và in thông tin cảnh báo du khách về dịch bệnh tại những điểm dễ nhìn. Chúng tôi bố trí lực lượng nhắc nhở nhân dân và du khách nghiêm túc chấp hành thông điệp 5K. Những trường hợp không chấp hành đều được nhắc nhở và xử lý kịp thời.
Chị Nguyễn Hương Ngọc, du khách Hà Nội, chia sẻ: Những ngày đầu xuân, ai cũng muốn đi lễ chùa để cầu bình an, may mắn, song trước tình hình dịch bệnh, việc lựa chọn điểm đến an toàn vẫn là ưu tiên số một của gia đình tôi. Đến với Yên Tử, tuy lượng khách khá đông song việc chấp hành quy định chống dịch của người dân khá tốt. Dọc đường từ chùa Hoa Yên lên chùa Đồng, mọi người đều đeo khẩu trang đầy đủ, cũng ý thức việc giữ khoảng cách không có tình trạng chen lấn nên chúng tôi cũng thấy yên tâm. Đây cũng là cách mỗi người dân thể hiện trách nhiệm, ý thức, hành động văn minh khi đi lễ chùa.
Người dân giữ khoảng cách khi tham quan, dâng lễ tại đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả).
Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng
Ngoài Khu di tích - danh thắng Yên Tử, trong dịp đầu năm, các địa điểm thờ tự, di tích văn hóa lịch sử như: Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), chùa Long Tiên, đền Cái Lân (TP Hạ Long), ý thức phòng, chống dịch của người dân tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Mọi người dân đi lễ chùa đầu năm đều đeo khẩu trang đầy đủ và thực hiện quét mã QR tại mỗi điểm đến.
Người dân thực hiện quét mã QR khi đi lễ chùa Quang Nghiêm (TP Hạ Long).
Để đảm bảo an toàn cho du khách đến tham quan, chiêm bái, các cơ sở thờ tự, điểm di tích cũng đều dán mã QR tại nhiều vị trí, bố trí lực lượng trực tại khu vực cổng vào để hướng dẫn người dân quét mã, khai báo y tế cũng như chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang sẵn sàng phục vụ nhân dân và du khách. Không có các hoạt động vui chơi trong lễ hội, không tập trung đông người, vì vậy, không gian tại các điểm di tích, đền, chùa cũng trở nên thoáng đãng hơn, du khách dành thời gian nhiều hơn cho việc tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu thông tin, văn hóa, lịch sử của di tích, danh thắng...
Có thể thấy, chính từ ý thức, trách nhiệm trong phòng dịch mà sự quy củ, trật tự của người dân khi đi lễ dịp đầu xuân cũng được nâng lên rõ rệt. Những năm trở lại đây, Quảng Ninh cũng trở thành điểm sáng của cả nước trong việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại các địa phương trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, giữ gìn và phát huy được truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Đặc biệt, tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND “Về quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn Quảng Ninh”. Quy định mới này ra đời thay thế cho quy định cũ của tỉnh áp dụng từ năm 2007, với nhiều nội dung được bổ sung, thay thế đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Du khách chiêm bái tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí). Ảnh: Hoàng Quỳnh
Theo đó, các lễ hội được tổ chức đã chú trọng nhiều hơn đến việc giới thiệu ý nghĩa lịch sử của lễ hội, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đều có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội. Ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh cùng các quy định chung tại lễ hội của người dân cũng không ngừng được nâng lên. Từ việc bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng rác thải nhựa đến việc mặc trang phục, cách ứng xử phải lịch sự, có văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục và không khí linh thiêng tại những nơi thờ tự... đã và đang tạo nên một bức tranh sáng về văn minh lễ hội, lễ chùa.
Qua đó, tiếp tục tạo cơ sở để việc thực hiện nếp sống văn minh lễ hội đi vào nền nếp, trở thành ý thức, hành động thường xuyên của mỗi cá nhân, để những mùa lễ hội sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn sẽ càng thêm trọn vẹn, ý nghĩa.
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC
Ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên: “Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng”
Bám sát chỉ đạo của Bộ VH,TT&DL, của tỉnh, ngay từ trước Tết Nguyên đán, Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND thị xã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn phù hợp với tình hình dịch Covid-19 cũng như thực hiện nếp sống văn minh tại lễ hội, di tích. Theo đó, các lễ hội truyền thống trên địa bàn đã tạm dừng tổ chức phần khai hội mà chỉ thực hiện phần nghi lễ. Cùng với đó, phòng cũng ban hành hướng dẫn rất cụ thể đối với từng địa điểm, cơ sở thờ tự, điểm di tích, danh thắng... về việc tổ chức các hoạt động đầu xuân nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, 179/179 thôn, khu trên địa bàn thị xã cũng đã hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung nội dung phòng chống dịch, quy tắc ứng xử nơi công cộng, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo... đưa vào quy ước, hương ước của thôn, khu. Qua đó, làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện, xây dựng nếp sống văn minh nói chung.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm: “Làm tốt công tác phòng chống dịch góp phần hình thành ý thức, nếp sống văn minh tại lễ hội”
Qua 2 năm sống chung với dịch Covid-19, người dân đã thích ứng an toàn, linh hoạt để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Chúng tôi rất vui mừng khi Yên Tử lại được đón đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái, du lịch đầu năm. Và còn vui mừng hơn khi mỗi người dân và du khách đều nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch, thực hiện đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ.
Làm tốt công tác phòng chống dịch đã góp phần hình thành ý thức, nếp sống văn minh hơn cho mỗi người dân và du khách khi đi lễ hội, lễ chùa. Từ việc xếp hàng gọn gàng, giữ khoảng cách, không chen lấn, đến việc hạn chế giao tiếp, tiếp xúc gần giúp giữ trật tự hơn tại các không gian thực hành nghi lễ linh thiêng... Cứ như vậy, mọi hoạt động đều đi vào quy củ, nề nếp hơn. Đặc biệt, chúng tôi cũng bố trí lực lượng nhân viên tại các địa điểm của khu di tích để kịp thời hỗ trợ, giới thiệu tới du khách thông tin, cung cấp kiến thức lịch sử, văn hóa về di tích để du khách có thêm trải nghiệm ý nghĩa, trọn vẹn trong chuyến du xuân đầu năm.
Ông Bùi Đình Cường, du khách TP Hà Nội: “Tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan khu di tích”
Quảng Ninh có rất nhiều khi di tích, danh thắng nổi tiếng, không chỉ đẹp về quang cảnh, kiến trúc mà còn có bề dày giá trị văn hóa, lịch sử. Vì vậy, ngoài 2 năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch còn lại năm nào gia đình tôi cũng đi lễ chùa tại Quảng Ninh. Từ Khu di tích, danh thắng Yên Tử đến đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu... tất cả đều cho tôi ấn tượng về môi trường, cảnh quan khu di tích rất xanh, sạch, đẹp.
Đến một khu di tích, danh thắng sạch, đẹp thì chúng ta cũng cảm thấy thoải mái, thư giãn, muốn dành nhiều thời gian để tham quan, vãng cảnh hơn. Bản thân gia đình tôi cũng không mang theo đồ ăn, quà vặt trong quá trình tham quan đền, chùa. Nước uống mọi người cũng sử dụng chai thủy tinh, bình giữ nhiệt cá nhân thay vì dùng chai, lon nước mua sẵn để hạn chế rác thải. Tôi tin mỗi người dân, du khách đều tự ý thức, góp sức bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ như vậy, các khu di tích, danh thắng sẽ ngày càng đẹp hơn, được bảo vệ tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Nụ, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long: “Đi lễ chùa thành tâm, tiết kiệm”
Trước kia khi chưa ảnh hưởng của dịch, mỗi dịp đi lễ đền, chùa đầu năm, gia đình tôi thường chuẩn bị mâm lễ cúng gồm thức ăn, hoa quả, vàng tiền khá cầu kỳ. Song 2 năm vừa qua, để đảm bảo phòng chống dịch, việc đi lễ chùa cần nhanh chóng, tránh tập trung đông người, vì vậy chúng tôi cũng cắt giảm những lễ vật dâng cúng cho phù hợp. Từ đây, thay vì tập trung và mất khá nhiều thời gian vào việc cúng bái, lễ lạt, mua bán không cần thiết tại các hàng quán, chúng tôi dành nhiều thời gian hơn để vãn cảnh, tìm hiểu về di tích, danh thắng.
Cũng từ việc làm này, tôi thấy, việc đi lễ đầu năm không phải quan trọng nhất là lễ lạt, nhiều khi có phần tốn kém mà cần nhất vẫn là tấm lòng thành kính, tri ân cội nguồn. Đó cũng là cách chúng ta thể hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm, xây dựng môi trường các khu di tích, danh thắng, cơ sở thờ tự ngày càng lành mạnh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy...
Theo Nguyễn Dung/baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán