Người thầy tâm huyết với học sinh khuyết tật
Thầy Nguyễn Duy Quy (1965), Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt tương lai (Đà Nẵng) đã có nhiều sáng kiến tạo nên những phương pháp học tập giúp cho các em học sinh khiếm thị, khuyết tật dễ dàng tiếp cận với các môn học, là động lực để các em tự tin hòa nhập cuộc sống.
Thầy Quy cùng học sinh làm hương.
Những sáng kiến trong giảng dạy
Là một giáo viên chuyên toán, thầy bén duyên với học sinh khuyết tật từ năm 1999, khi được điều động về dạy toán tại trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Nhớ lại lúc đó, thầy nói: “Trường dành cho học sinh khiếm thị, tôi thật sự rất bối rối làm thế nào để có thể truyền đạt kiến thức cho các em, thậm chí không hề có chút kinh nghiệm nào trong việc dạy và tiếp xúc với các em đặc biệt này”.
Để bắt đầu làm quen với môi trường dạy học mới, thầy đã tìm hiểu và nhận thấy trường không hề có giáo viên dạy ba môn tự nhiên, nên khi biết có thầy về dạy học sinh rất vui mừng, khiến thầy rất cảm động trước tình cảm của các em.
Tuy nhiên, thầy gặp phải khó khăn đầu tiên là sự tương tác giữa thầy và trò. Đó là làm sao để các em có thể hiểu và tưởng tưởng ra được đúng với hình ảnh, con số trong đầu bằng phương pháp dạy bình thường lại càng khó. Nên sau hai buổi đi dạy, tối đến thầy tham gia học thêm chữ nổi suốt ba tháng và dành thời gian để làm đồ dùng học tập cho học sinh. Sau một gian mày mò, thầy Nguyễn Duy Quy đã hoàn thành bảng từ ghép hình bằng nam châm giúp học sinh có thể sờ và hình dung ra các con số, hình học, ký hiệu hóa học, mạch điện… Sáng kiến: “Bảng từ dạy học các môn tự nhiên cho học sinh khiếm thị” của thầy đã đoạt giải nhất toàn quốc Hội thi đồ dùng dạy học cho học sinh khuyết tật năm 2014.
Từ thành công ban đầu, thầy Quy đã áp dụng sáng kiến cho nhiều bài giảng khác, như “Bảng lưới từ vẽ hình học môn Toán cho học sinh khiếm thị”. Sau đó là sáng kiến “Dụng cụ vẽ hình và tập hình vẽ Toán 9 cho học sinh khiếm thị” cũng đoạt giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng lần thứ X.
Chưa dừng lại, thầy Nguyễn Duy Quy cũng nghiên cứu ra “Chiếc gậy dò đường thông minh cho người khiếm thị”. Cây gậy có mạch điện, đèn led và chạy bằng pin, khi cần đi qua đường, hoặc yêu cầu trợ giúp người khiếm thị sử dụng công tắc trên cây gậy. Gậy sẽ phát ánh sáng và âm thanh thu hút sự chú ý của mọi người. Đến nay, thầy đã làm ra hàng trăm chiếc gậy để cung cấp cho học sinh khiếm thị ở TP Hồ Chí Minh. Những học sinh trong trường và có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được thầy tặng gậy.
Từ năm 2000 đến nay, thầy Quy đã có hơn chục sáng kiến và giải pháp sáng tạo kỹ thuật được cấp trên công nhận, khen tặng và áp dụng trong giảng dạy. Trong đó có bốn sáng kiến đạt giải thưởng cao, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng Lao động Sáng tạo.
Quyết định táo bạo
Năm 2014, thầy Quy chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt tương lai, nơi có hơn 200 em khuyết tật. Khi nhận nhiệm vụ mới, thầy day dứt nhất là việc hướng nghiệp cho các em sau khi ra trường sẽ làm nghề gì, học ở đâu, ai sẵn sàng nhận và giúp đỡ các em… Và rồi thầy đã tự quyết định giữ các em tiếp tục học ở trường. Thầy Quy chia sẻ: “Thật sự đó là một quyết định rất táo bạo của bản thân, mà lúc đưa ra tôi vẫn không dám chắc chắn mình có thể thực hiện được hay không. Nhưng khi nói ra tôi nhận được sự vui mừng và cảm ơn rất nhiều từ phụ huynh, đặc biệt là sự ủng hộ của cán bộ toàn trường nên tôi đã chấp nhận “đánh cược””.
Thầy cùng các giáo viên đã tự biên soạn chương trình dạy học cho tất cả các môn học. Hè năm 2015, thầy đi khắp các cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật để tìm nghề phù hợp cho các em. Chọn được nghề làm hương, thầy lại rong ruổi đi xin các đơn vị hỗ trợ cho các em hai máy làm hương, thêm một máy trộn và mượn được một người đến dạy. 22 em ở lại trường đã tạo nên sự thành công không ngờ. Hương do các em làm ra đã được giáo viên, phụ huynh và những người chung quanh mua ủng hộ. Tuy số lượng ít, nhưng cuối năm, số tiền các em làm ra trừ chi phí thầy đã tặng các em một chuyến du lịch.
Thầy còn mạnh dạn cho các em khiếm thính học nghề nail, gội đầu và dành một phòng nhỏ trong trường để các em có thể làm việc, phục vụ những người quen với giá rẻ, một nửa tiền thu được sẽ hỗ trợ các em, một nửa còn lại để mua đồ phục vụ công việc.
“Sắp tới tôi muốn giúp các em mở tiệm rửa xe máy. Tất cả các nghề các em học và làm ở đây với số tiền thu của khách không đáng là bao, nhưng lại là động lực rất lớn đối với các em trong việc khẳng định bản thân và tự tin hòa nhập vào cuộc sống. Từ khi bước chân về trường Nguyễn Đình Chiểu đến nay, tôi đã quyết định cả đời mình gắn bó với các em học sinh khuyết tật. Còn việc tiếp tục giữ các em ở lại thì còn cố gắng được bao nhiêu tôi vẫn sẽ cố để giúp đỡ các em”, thầy Quy tâm sự.
Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Duy Quy vinh dự là người duy nhất của Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được xét chọn là một trong 20 công dân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho thành phố.
Theo nhandan.com.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027