Người dân, ứng dụng Hue-S đóng góp rất lớn để dẹp tín dụng đen

Bí thư Thành ủy Huế khẳng định, người dân và Hue-S đóng góp rất lớn để lực lượng chức năng triệt xóa những ổ nhóm tội phạm, cho vay nặng lãi.

Công an làm việc với 2 đối tượng (áo trắng) cho vay nặng lãi vừa mới đến hoạt động trên địa bàn TP. Huế. Ảnh: Công Quang

TP. Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung đang rất quyết liệt trong việc triệt xóa các loại tội phạm, đặc biệt là nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy TP. Huế - về "bí quyết" để lực lượng chức năng có thể khống chế loại tội phạm này ngay từ trứng nước.

Thưa ông, lâu nay, việc kiểm soát, xử lý các băng nhóm cho vay nặng lãi được chính quyền TP. Huế thực hiện ra sao?

- Không phải từ bây giờ mà ngay khi triển khai Hue-S (ứng dụng đô thị thông minh Huế),  TP. Huế đã tận dụng công cụ này một cách triệt để để có cơ sở đấu tranh với các loại tội phạm. Với tội phạm cho vay nặng lãi, trước đây, có rất nhiều các quảng cáo dán ở cột điện, những nơi công cộng, các nhóm đối tượng phát tờ rơi, tiến hành cho vay đều đã được lực lượng công an triệt xóa.

Sau một thời gian tạm lắng, các đối tượng này chuyển phương thức hoạt động bằng cách cho người đi phát tờ rơi vào buổi tối, tránh các đoạn đường có camera hoặc vào các khu chợ, các khu trọ có đông sinh viên, công nhân... và có nhiều người đã mắc bẫy. 

Hoặc tinh vi hơn, các đối tượng này có chiêu trò là hack các tài khoản mạng xã hội đang tồn tại, sau đó lấy tài khoản bị hack để đăng quảng cáo. Thế nhưng, vẫn có đầu mối để cơ quan công an theo dõi, điều tra đó là các số điện thoại thực để người vay có nhu cầu liên hệ.

Công an TP. Huế đã và đang rất quyết liệt với lại tội phạm này, dù hoạt động bằng hình thức nào đi nữa, nhưng hễ manh nha xuất hiện những ổ nhóm cho vay nặng lãi thì lực lượng chức năng đều xử lý ngay từ trứng nước.

- Thường những băng nhóm cho vay nặng lãi ở Huế đến từ các địa phương khác. Vậy có khó khăn không trong việc kiểm soát, xử lý?

Đúng vậy, phần lớn các đối tượng hoạt động tín dụng đen đến từ ngoại tỉnh. Khó khăn là các đối tượng này có kinh nghiệm trong hoạt động phạm pháp và rất cảnh giác. Tuy nhiên, nghiệp vụ của lực lượng công an ngày càng hoàn thiện thì dù có tinh vi đến đâu vẫn đều xử lý được.

Ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy TP. Huế đã dẫn bài báo Lao Động lên trang cá nhân kèm theo lời kêu gọi người dân tố giác tội phạm cho vay nặng lãi.

Tín dụng đen và ma túy đó là 2 tội phạm nền làm cơ sở hình thành nên các tội phạm khác. Xác định điều đó, TP. Huế đã và đang triển khai, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm này.

- Muốn xử lý triệt để gốc rễ vấn đề này, theo ông, cần phải bắt đầu từ đâu?

Trên thực tế, thị trường vẫn có những kênh cho vay. Tuy nhiên, do nhu cầu phải đảm bảo việc bảo toàn vốn nên các ngân hàng đều cần có các tài sản thế chấp. Ngoài ra, thủ tục vay còn có gì đó thiếu linh động nên những người cần nguồn vốn vay nhanh để làm ăn hoặc cần vào việc gấp lại khó tiếp cận.

Hiện, vẫn có các công ty được cấp phép cho vay, hoặc có dịch vụ cầm đồ. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ về vấn đề này, ở mặt vĩ mô, cần nghiên cứu thêm các cơ chế cho vay linh động hơn, nhưng đây là bài toán khó và cần xử lý dần dần.

Hue-S là công cụ để người dân phản ánh vấn nạn này rất hữu hiệu. Thưa ông, thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ để xử lý vấn nạn này cũng như bảo mật danh tính của người tố giác sẽ được chính quyền thúc đẩy ra sao?

- Hue-S là kênh thành lập ra với mục tiêu giúp người dân thực sự làm chủ xã hội, chính quyền đóng vai trò phục vụ giúp người dân thực hiện vai trò làm chủ đó.

Ngay từ đầu, Hue-S được thiết kế theo nguyên tắc, tất cả phản ánh của người dân gửi lên, thì mệnh lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh - người điều hành về mặt hành chính cao nhất của tỉnh - sẽ gửi đến các cơ quan có liên quan có trách nhiệm buộc phải thi hành, xử lý.

Qua nhiều năm thực hiện, có thể thấy rằng, Hue-S đang giúp cho người dân phát huy được quyền làm chủ. Những yêu cầu, nguyện vọng của người dân chuyển tải nhanh chóng đến chính quyền và đã có rất nhiều yêu cầu của người dân được xử lý. 

Đặc biệt, tính bảo mật của Hue-S rất cao. Người dân sau khi gửi phản ánh sẽ được xác minh, kiểm tra lại từ trung tâm của Hue-S. Sau đó, thông tin của người phản ánh sẽ được mã hóa rồi mới chuyển đến các cơ quan liên quan.

Ngay cả cơ quan giải quyết vấn đề của người dân không thể biết được danh tính và các đối tượng cho vay nặng lãi hoặc có dấu hiệu phạm tội thì càng không thể biết. Vì vậy, chính quyền cam kết với người dân về tính bảo mật.

Không chỉ qua Hue-S, người dân phản ánh qua các kênh mạng xã hội là nguồn thông tin rất quý giá với lực lượng chức năng. Nhân dân thực sự là tai mắt của chính quyền. Vì vậy, nếu được người dân chung tay thì nạn tín dụng đen hay bất cứ loại tội phạm nào cũng sẽ bị triệt xóa, Cố đô Huế sẽ ngày càng an toàn, văn minh, sạch đẹp.

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14886 Tổng lượt truy cập 94802361