NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH, TÔI BIẾT - Truyện ngắn của Hoàng Tháp

Buổi sáng hôm ấy, có một người đàn ông, trạc tuổi ngoài sáu mươi với khuôn mặt nhân từ, vầng trán cao rộng và đôi mắt sâu, thăm thẳm màu đen. Ông tìm gặp tôi tại nhà.

Vừa ngồi xuống chiếc ghế bên bàn uống nước đối diện với tôi, sau lời mời của tôi, người đàn ông như thể vội vàng để còn đi đâu đó, ông ngước mắt nhìn tôi rồi nói ngay:

- Xin lỗi, tôi đã tự ý đến nhà ông mà không xin phép trước vì tôi muốn nhờ ông một việc.

- Không sao đâu, về nghỉ hưu rồi thỉnh thoảng còn có người đến nhà trò chuyện, chơi với mình tôi cũng thấy vui. Nhưng tôi còn có thể giúp ông được việc gì sao? Ông cứ nói đi, tôi nghe đây.

- Tôi vừa lắp xong một chiếc xe đạp. Phụ tùng lắp xe được chọn lọc từ những chiếc xe đạp đã hỏng, bỏ đi, song chiếc xe chắc chắn lắm, có thể dùng cho việc đi lại bình thường, rất cần cho những hoàn cảnh nghèo khó, không có xe đạp để đi lại. Đặc biệt là các cháu học sinh ở những gia đình thiếu thốn. Tôi muốn ông giới thiệu cho tôi một cháu học sinh nào đó, tại khu ông thường trú, đang không có xe đạp. Tôi sẽ  tặng cháu chiếc xe đạp này, giúp cháu phần nào giảm bớt khó khăn. Được ông hưởng ứng, chỉ giúp, tôi rất vui, bởi tôi tin ông.

- Cảm ơn sự tin tưởng của ông đối với tôi. Nhưng bản thân tôi không biết chính xác được cháu nào hoàn cảnh khó khăn hơn để xứng đáng nhận chiếc xe đạp từ tấm lòng lương thiện của ông. Ngay hôm nay tôi sẽ tìm hỏi ý kiến ông trưởng khu của tôi vì ông là người tử tế, lại luôn luôn quan tâm, gần gũi với nhân dân. Hẳn là ông sẽ chỉ được cho ông biết một cháu học sinh nào đó có hoàn cảnh thích hợp để nhận được chiếc xe đạp tình nghĩa mà ông dành cho cháu. Được không ông?

- Vâng! Tôi đồng ý theo cách làm của ông và chờ ông thông báo cho tôi bằng điện thoại. Xe đạp tôi để sẵn ở nhà, đợi cháu học sinh đến nhận hoặc nhờ ông hỏi, cho tôi biết địa chỉ, tôi sẽ mang đến tận nhà cho cháu. Số điện thoại của tôi đây, ông có thể ghi lại, tiện cho việc trao đổi với nhau.

Nói dứt lời ông khách đưa cho tôi tờ giấy nhỏ, có số điện thoại di động của ông. Tôi cảm động đón nhận.

- Cảm ơn ông, tôi sẽ ghi lại số điện thoại của ông nhưng xin lỗi ông cho tôi được hỏi: Xuất phát từ đâu, ông nảy sinh ra việc làm tốt đẹp này?

Nghe tôi hỏi, ông khách đưa mắt nhìn ra ngoài cửa nhà tôi, vào một khoảng không vô định, như thể ông đang hồi tưởng về một kỷ niệm nào đó, trong quá khứ của đời ông, rồi ông thong thả nói:

- Tôi sinh ra ở nông thôn, nhà tôi nghèo lắm. Còn nhỏ được gia đình, bố mẹ cho đi học, khi tôi học tới cấp ba thì từ nhà tôi đến trường, quãng đường xa những 10km. Bố mẹ tôi không lo chạy được tiền để mua xe đạp cho tôi đi học. Dù chỉ là một chiếc xe đạp cũ, xấu cũng không thể có khả năng mua. Tôi cố gắng đi bộ tới trường theo học được một thời gian ngắn thì bỏ học. Thuở ấy, người bỏ học vì trường cấp ba xa, lại không có xe đạp làm phương tiện đi lại, không chỉ có riêng tôi mà trong thôn, xã nơi này, nơi khác đều có. Thời gian gần đây thôi, năm 2015, tôi đã chứng kiến một gia đình nghèo khó, không thể có tiền mua xe đạp cho con làm phương tiện tới trường đi học. Biết vậy, tôi cho cháu một chiếc xe đạp. Cháu và gia đình vui mừng đón nhận khiến tôi cũng thấy vui, ông ạ! Thế là từ năm đó, tôi bắt đầu với công việc tặng xe đạp lắp từ phụ tùng cũ cho các cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn.

- Tôi rất trân trọng việc làm xuất phát từ tình yêu thương con người của ông. Vậy từ năm 2015, ông đã giúp được mấy cháu học sinh có xe đạp tới trường đi học? Và ông làm cách nào để có kinh phí mua lại những chiếc xe đạp cũ hỏng, bỏ đi trong hoàn cảnh ông đã nghỉ hưu? Rồi ông có thể kể qua về quãng đời quá khứ của ông cho tôi nghe được không? Họ tên của ông là gì? Thú thực việc làm của ông đã khiến tôi muốn biết về ông nhiều hơn...

- Không sao đâu, chính tôi cũng muốn được chuyện trò, tâm sự với ông cơ mà. Tên tôi là Phạm Hữu Lợi, sinh năm 1950, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hiện nay tôi ở tổ 23B, khu 5, phường Bắc Sơn. Trong khu dân cư, tôi cũng tham gia làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Trưởng ban thanh tra.

...

Lớn lên ở làng quê, tới năm 1978, có lệnh tổng động viên của Nhà nước, tôi viết đơn tình nguyện, xin đi bộ đội. Trong thời gian quân ngũ, tôi ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 328, tới năm 1982 thì ra quân. Tôi được vào làm công nhân tại Công ty thông Quảng Ninh. Khi về hưu với đồng lương hưu là 3.100.000 đồng tháng, đủ cho bản thân tôi có một mức sống đơn giản. Nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi mở quán sửa chữa xe đạp ngay tại nhà để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình hàng ngày. Tôi đang còn ở trong một căn nhà cấp bốn bé nhỏ, sơ sài. Trước cửa nhà tôi là một con đường giao thông, có nhiều người dân qua lại ngược xuôi. Nhờ vậy quán sửa chữa xe đạp của tôi luôn luôn có việc làm.

- Ông có dự định bao giờ làm một ngôi nhà to đẹp hơn không?

- Nghĩ tới làm một ngôi nhà chắc chắn, to đẹp như một số người, thì chưa biết đến khi nào! Xã hội có nhiều người giàu có hơn mình nhưng còn biết bao nhiêu người đang khó khăn thiếu thốn hơn mình, tôi thấy sống trong căn nhà hiện tại của tôi cũng đã là hạnh phúc rồi ông ạ! Mình đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút không còn khả năng làm kinh tế như mọi người. Cũng may, con tôi đã khôn lớn, xây dựng gia đình riêng, co công ăn việc làm, tự chăm lo được cái gia đình nhỏ bé của mình.

Những năm tháng trong quân ngũ rồi thời gian làm công nhân và thực tế cuộc sống hàng ngày, tôi rất cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn của những người quanh mình, nhất là các em học sinh và muốn chia sẻ phần nào. Tôi đã đi mua từng chiếc xe đạp cũ, hỏng bỏ đi, tìm gặp hoặc mua lại từ người chuyên đi mua đồ cũ. Sau đó, tôi lựa chọn từ những xe cũ, hỏng ấy, lấy một vài thứ phụ tùng còn tận dụng được, lắp thành những chiếc xe đạp có thể làm phương tiện đi lại bình thường.

Bắt đầu từ năm 2015 tôi thực hiện việc lắp xe đạp bằng phụ tùng cũ để tặng những đứa trẻ nghèo khó, cần xe đạp đi học hàng ngày. Tôi phát hiện được học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn cần xe, thì tôi cho, hoặc thông qua sự mách bảo của những người tôi tin tưởng như ông hay qua sự cho biết của cán bộ các thôn, khu dân cư. Nhờ vậy tôi biết từng học sinh nào nghèo, thực sự cần xe để tặng.

- Như vậy, nghĩa là ông đã tặng xe đạp được cho nhiều học sinh nghèo rồi phải không?

- Cũng chưa đáng kể đâu ông ạ! Năm 2015, tôi lắp được 2 cái xe đạp, tặng cho hai cháu học sinh nghèo ở khu 5. Năm 2016 tôi lắp được 3 cái, tặng được cho hai cháu ở khu 1 và một cháu ở khu 2. Từ đầu năm 2017 đến nay, tôi lắp được 2 cái, tặng cho một cháu ở khu 8 và một cháu ở khu 9. Thế là tôi đã lắp được 7 chiếc xe đạp tặng cho học sinh nghèo ở một số khu dân cư, đều thuộc phường Bắc Sơn, thành phố Uông Bí. Dự kiến, năm 2018, tôi sẽ lắp xe đạp tặng cho các cháu học sinh nghèo ở khu 7 và khu 3. Năm 2019 tôi sẽ lắp xe đạp tặng cho các cháu ở khu 4 và khu 6. Nếu còn sức khỏe, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm phụ tùng xe đạp cũ để lắp thêm những chiếc xe đạp khác dành cho các cháu học sinh nghèo, giúp thêm được cháu nào hay cháu đó, phải không ông?

- Tấm lòng nhân ái của ông, đáng được mọi người kính trọng. Tôi tin rằng: mỗi cháu học sinh được ông giúp đỡ sẽ không bao giờ quên ông.

- Tình nghĩa con người có thể là như vậy. Bây giờ, xin phép ông, tôi về. Nhìn ông mặc quần áo chỉnh tề thế này, chắc là ông có việc cần phải đi đâu đó, đúng không ông? Xin lỗi, sáng nay, tôi là người khách không mời mà đến, quấy rầy làm mất thời gian của ông. Lần sau, tôi không dám đường đột như thế nữa. Cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng tôi. Khi nào rảnh rỗi mời ông sang nhà tôi chơi, chào ông.

- Vâng! Đúng là tôi cũng có việc phải đi bây giờ, ông về nhé! Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ sang nhà ông chơi. Trước khi đi, tôi sẽ điện cho ông.

- Vậy thì tốt quá, tôi mong được đón tiếp ông.

***

Mấy ngày hôm sau, tôi tìm đến nhà ông Phạm Hữu Lợi chơi. Đúng lúc ông Lợi đang cân vành xe đạp cho một người đàn bà trung tuổi. Nhìn thấy tôi vào, ông đon đả:

- Mời ông ngồi xuống ghế chơi, chờ tôi ít phút. Tôi đang dở sửa xe cho khách. Biết ông điện trước sang chơi nhưng khách bất ưng, vào sửa xe, tôi không nỡ từ chối vì quanh khu này, không có quán sửa chữa xe đạp nào. Tôi đã pha sẵn ấm chè ngon, mời ông rót uống. Tay tôi đang bẩn, mong ông thông cảm. Người đàn bà ngồi chờ sửa xe, ngước mắt nhìn tôi, nói xen vào:

- Mong bác vui lòng cho em được rót nước mời bác uống, chờ bác Lợi sửa giúp em chiếc xe. Em cần xe, đi có việc gấp bác ạ!

- Không sao đâu! Tôi tự rót nước uống được mà.

- Ông cứ chữa xe cho vị khách này đi! Tôi không vội đi đâu cả.

- Vậy thì tốt quá, tôi làm cũng sắp xong.

Tôi ngồi, vừa uống nước, vừa xem ông Lợi sửa xe khoảng 20 phút đã có thêm ba người tới quán của ông Lợi. Người thì mua giun xe, người thì mượn bơm xe. Khi họ hỏi để trả tiền, ông đều từ chối không nhận và nói giọng đùa vui với mấy người vừa đến nhờ ông.

- Hôm nay, tôi kiếm đủ tiền ăn rồi dịp khác tôi nhận vậy, xin đừng ngại. Giúp được cho nhau một chút có đáng là bao.

Tôi cũng đã từng nhiều năm đi xe đạp, sửa chữa xe ở các quán khác nhau. Hầu như ở quán nào, họ cũng lấy tiền. Dù là tiền mua giun xe hay tiền thuê, mượn bơm xe. Tôi nhìn ông Lợi hỏi: "Sao ông không lấy tiền mua giun xe và tiền mượn bơm xe của khách. Tôi nghĩ lấy tiền của họ cũng là đúng mà! Bởi đều là những thứ ông phải đi mua cả.

- Những thứ đó chẳng đáng kể gì. Thời buổi ô tô, xe máy nhiều như hiện nay, thì người đi xe đạp là thuộc dạng người nghèo. Giúp họ một chút nhỏ từ tấm lòng mình, nhìn họ vui, mình cũng thấy vui, ông ạ!

Nghe ông Lợi nói, tôi càng thấy nể trọng ông hơn. Một người cựu chiến binh, đã có những năm tháng tình nguyện đi bộ đội, góp phần bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Nay đã về nghỉ hưu, sức khỏe tuy giảm sút, không còn được như thời trai trẻ nhưng ông vẫn say sưa với công việc sửa chữa xe đạp hàng ngày. Sống với bà con xung quanh trong xóm, khu bằng tấm lòng nhân ái, sẻ chia giúp đỡ những học sinh nghèo khó, ông xứng đáng nhận được sự tin yêu của mọi người...

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19035 Tổng lượt truy cập 94705911