Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ

Đó là yêu cầu của đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đối với Ban Chỉ đạo và các cấp trong thời gian tới.

Ngày 19/01/2022, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức Hội nghị toàn quốc Góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại điểm cầu Trung ương và các đại biểu đại diện Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, các ban, sở, ngành tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.

Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết khẳng định: Với sự nghiêm túc, tích cực triển khai của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết, đến nay, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đã gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết về Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 24 hội nghị, hội thảo; làm việc với một số bộ, ngành, địa phương; tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và 26 báo cáo chuyên đề để xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW và gửi xin ý kiến các cơ quan ở Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Nghị quyết 26-NQ/TW đã đề ra chiến lược tổng thể, toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt với sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá cho thấy, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt được mức khá cao (2,94%/năm), chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử. Thu nhập bình quân ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.

Nông nghiệp duy trì tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế so sánh, theo nhu cầu thị trường và hướng mạnh vào xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Tỷ trọng nông sản qua chế biến tăng dần. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng cả trong và ngoài nước, tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, chủ động và tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học và công nghệ, tham gia chuỗi giá trị nông sản, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt, người dân nông thôn đã tích cực tham gia, tự nguyện hiến đất, hiến nhà, góp công, góp sức, trực tiếp tham gia cùng chính quyền cơ sở trong công cuộc xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng”. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ ở cơ sở được tăng cường. 

Đ/c Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết phát biểu khai mạc Hội nghị

Nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tăng khá. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn 1,5 năm, tạo sức lan tỏa, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Nông thôn chuyển biến rõ rệt, khang trang, xanh, sạch, đẹp; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tuy được triển khai chưa lâu nhưng đã đạt được kết quả tích cực ở nhiều địa phương.

Tuy vậy, đồng chí cũng chỉ ra, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Giá trị tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững. Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, vai trò cộng đồng chưa phát huy tốt, nếp sống văn hoá nông thôn, nơi gìn giữ những truyền thống văn hoá cao đẹp của dân tộc ở một số nơi có nguy cơ ngày càng mai một...

Để đảm bảo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Báo cáo Tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những nội dung chủ yếu như: Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết về những thành công và hạn chế, nguyên nhân trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã đề ra. Làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm rút ra từ việc thể chế Nghị quyết. Những nội dung kế thừa và phát huy từ kết quả thực hiện Nghị quyết 26 và những quan điểm, mục tiêu, giải pháp nào phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới cho từng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xác định về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế thừa các quan điểm đã nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW, phát triển, hình thành hệ quan điểm mới và các mục tiêu giai đoạn tới. Cho ý kiến về các nhiệm vụ giải pháp; cho ý kiến về tiêu đề của Nghị quyết mới.

Trên tinh thần đó, Hội nghị đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, đánh giá về kết quả sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương và bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện; đánh giá về những thành tựu, khó khăn, thách thức, tồn tại, nguyên nhân, cũng như đề xuất điều chỉnh một số chính sách khó thực hiện đối với các địa phương; nhận định bối cảnh, xu hướng và đề xuất về quan điểm, mục tiêu, giải pháp để phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân nước ta trong thời gian tới.

Cần có Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp tình hình mới

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: Từ khi có Đảng ra đời thì nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất bài bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của các cơ quan nhà nước đã thúc đẩy tính tích cực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành Trung ương tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới mà chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đ/c Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, đến thời điểm này đã chín muồi để tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và cũng là thời điểm để có thể ban hành một Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Gợi ý về quan điểm, mục tiêu và giải pháp đối với Nghị quyết mới, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, tiếp tục khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Giải quyết tốt những vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt mục tiêu mà Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban, Bộ, ngành về vị trí, vai trò ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi. Trong đó phải xác định định các giải pháp đột phá phù hợp từng giai đoạn, có lộ trình để thực hiện, tránh trường hợp quá chung chung thời nào nói cũng được.

“Nghị quyết mới phải tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên cơ sở cái gì mà đã làm hay thì tiếp tục phát huy, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề mới, khắc phục tối đa các hạn chế yếu kém”- đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng lưu ý một số vấn đề đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội như về thể chế về đất đai để phục vụ cho phát triển nông nghiệp được hoàn thiện; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được mong chờ đặt hàng chứ không phải là chờ đợi để giải cứu; nông thôn trở thành môi trường để giới trẻ khởi nghiệp trong kinh tế nông nghiệp; môi trường bền vững, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao…

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết; ý kiến phát biểu tâm huyết, ngắn gọn, sát thực tiễn, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn của các đại biểu tham dự Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo Tổng kết để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Ban Chấp Trung ương đảm bảo chất lượng, đúng kế hoạch đã đề ra./.

Theo Hiền Hòa/dangcongsan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26078 Tổng lượt truy cập 94774731