Nghị lực của Lê Tuấn Phương

Không may mắn khi sinh ra với khuyết tật câm điếc bẩm sinh, cuộc đời của anhLê Tuấn Phương (khu 7, phường Quang Trung) là chuỗi ngày nỗ lực không đầu hàng nghịch cảnh. Bằng tình yêu thương của gia đình, sự đồng hành sẻ chia của xã hội và nghị lực của bản thân,anh đã chiến thắng những khó khăn, khắc phục khuyết tật của bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Lê Tuấn Phương sinh năm 1986, là con lớn trong gia đình có 3 anh em. Sự ra đời của Phương là niềm vui và hi vọng của ông bà, bố mẹ. Phương ngoan ngoãn, nhanh nhẹn nhưng đến 5 tuổi vẫn chưa biết nói. Do nhận thức chưa đầy đủ nên cả gia đình lúc đó vẫn cho rằng Phương bị chậm nói. Đến năm lên 8 tuổi, Phương được gia đình đưa đi khám tại Hà Nội và được bác sỹ chẩn đoán bị câm điếc bẩm sinh. Cô Hương, mẹ của Phương, chia sẻ: lúc đó gia đình vừa thương vừa lúng túng trong việc dạy dỗ, bảo ban con. Cố gắng không để con thiệt thòi, cô Hương xin cho con đi học dự thính tại trường Tiểu học Quang Trung. Tuy nhà trường lúc đó không có giáo viên có chuyên môn và kỹ năng dạy trẻ khuyết tật nhưng với trách nhiệm và sự tận tâm cùng sự cố gắng của gia đình, Phương đã được đến lớp.

Mọi công việc, bản vẽ chỉ cần hướng dẫn một lần là anh Phương (áo xanh) nắm được ý tưởng và chủ động triển khai thực hiện.

Tình cờ biết đến phương pháp điều trị câm điếc bằng châm cứu của GS.BS Nguyễn Tài Thu, gia đình quyết định đưa Phương đi chạy chữa. Sau đó là những ngày mẹ và Phương kiên trì bám trụ tại bệnh viện Y học cổ truyền. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn đó, cô Hương cho biết: 2 mẹ con ở luôn trong viện, tháng chỉ về thăm nhà vài ngày. Ròng rã hơn 3 năm, tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng không có kết quả. Kinh tế gia đình dần eo hẹp nên cô đành quyết định dừng việc chạy chữa cho Phương. Nghe tin Nhà nước có trường học cho trẻ khuyết tật câm điếc, mẹ của Phương lại lặn lội tìm đến đăng ký học cho con. Phương được nhận vào học và ở nội trú luôn tại trường THCS Xã Đàn - một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên dành cho trẻ em điếc và khiếm thính tại Việt Nam. Tại đây, Phương được làm quen với nhiều bạn bè có khuyết tật như mình, được thầy cô dạy ngôn ngữ ký hiệu, dạy kiến thức.

Tốt nghiệp trường THCS Xã Đàn, Lê Tuấn Phương được nhận vào học tại trường Trung cấp kinh tế - du lịch Hoa Sữa, ngành nghề cắt may. Ra nghề, Phương và các bạn học sinh khuyết tật lại được tạo điều kiện làm việc tại doanh nghiệp may xuất khẩu. Tại trường Hoa Sữa, anh đã làm quen với chị Ngô Thị Thu Huyền. Chị Huyền cũng bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. 2 con người không may mắn đã cùng đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, khiếm khuyết của nhau.

Sau hơn 10 năm trong nghề, Lê Tuấn Phương đã trở thành thợ chính với tay nghề cao.

Năm 2009, bố của anh bị tai biến nặng. Việc làm ăn của gia đình  cũng gặp nhiều khó khăn. Một mình mẹ anh không thể vừa chăm sóc cho bố vừa gánh vác kinh tế, các em lại còn nhỏ. Trước biến cố của gia đình, Phương rời Hà Nội về nhà vừa đi làm vừa phụ mẹ. Sẵn nghề may, Lê Tuấn Phương được nhận vào làm tại Xí nghiệp may Uông Bí. Được đào tạo nghề bài bản lại thêm tính cẩn thận, chịu khó nên anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, được đồng nghiệp và lãnh đạo tin tưởng.

Năm 2010, anh Phương và chị Huyền xây dựng gia đình. Mức lương của một công nhân may gia công không đủ để anh có thể lo cho gia đình nhỏ cũng như đỡ đần cho mẹ. Từ trăn trở đó, anh quyết định đổi nghề. Gia đình anh trước đây có nghề làm nhôm kính. Khi bố anh trở bệnh xưởng của gia đình đã phải đóng cửa. Từ kinh nghiệm tích lũy được qua việc phụ giúp cho bố, anh Phương mạnh dạn đi xin học nghề nhôm kính. Nhiều bạn bè cũ của bố mẹ đã nhận dạy nghề, tạo việc làm cho anh. Bù lại thiệt thòi trong giao tiếp, anh Phương có sự tập trung cao và cần cù trong công việc. Từ một thợ phụ học việc, sau hơn 10 năm trong nghề, Lê Tuấn Phương đã trở thành thợ chính với tay nghề cao. Hiện anh đang làm thợ chính tại xưởng sản xuất nội thất nhôm kính Toàn Kiên, khu 8 phường Quang Trung với mức lương 500.000đ/ngày. Anh Đào Khánh Toàn, chủ xưởng cho biết: anh Lê Tuấn Phương rất nhanh ý và có chuyên môn tốt. Mọi công việc, bản vẽ chỉ cần hướng dẫn một lần là anh nắm được ý tưởng và chủ động triển khai thực hiện.

Mới đây, gia đình anh Phương được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn quỹ Kế hoạch nhỏ để xây dựng nhà ở.

Sự cố gắng, nỗ lực mỗi ngày của Lê Tuấn Phương đã được đền đáp xứng đáng. Sau những giờ làm việc căng thẳng, gia đình nhỏ 4 thành viên của anh luôn rộn rã tiếng cười. 2 cháu Lê Hà My, Lê Trúc Linh luôn chăm ngoan, học giỏi, biết đỡ đần ông bà, bố mẹ. Sau 2 năm gián đoạn công việc bởi dịch bệnh, chị Huyền vợ anh cũng đã xin vào làm việc tại Khu công nghiệp Yazaki. Mới đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Thành Đoàn Uông Bí, gia đình anh Phương được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn quỹ Kế hoạch nhỏ để xây dựng một căn nhà nhỏ. Căn nhà là sự động viên, là cơ sở để vợ chồng anh an cư lạc nghiệp. Cuộc sống của anh Phương đang vơi bớt những khó khăn và dần đi vào ổn định. Tin tưởng rằng với nghị lực và sự động viên của gia đình, sự chung tay sẻ chia của các cấp, các ngành, Lê Tuấn Phương sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.

Huyền Trang

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14668 Tổng lượt truy cập 94802099