Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10): Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2024 là năm thứ 3 Quảng Ninh cùng cả nước hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Để lan tỏa và thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ đến toàn thể CBCCVC, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công an tỉnh tổ chức chương trình tặng điện thoại thông minh, hỗ trợ cài đặt ứng dụng VNeID và các ứng dụng số cơ bản cho người dân huyện Bình Liêu, đồng hành cùng người dân trên hành trình chuyển đổi số.

Xác định công tác truyền thông phải sâu sát, gần gũi với người dân - đối tượng thụ hưởng chính của chuyển đổi số, từ đó giúp nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng về chuyển đổi số, trong suốt thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng.

Tại Quảng Ninh, để hỗ trợ người dân trên hành trình chuyển đổi số, hiện đang có 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động bao phủ 1.452 thôn, bản, khu phố ở toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn, với sự tham gia của hơn 11.000 thành viên. Với nhiều nỗ lực và cách làm linh hoạt, nhất là phương thức hoạt động “cầm tay chỉ việc”, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực hỗ trợ người dân, giúp lan tỏa công nghệ số đến mọi ngóc ngách của cuộc sống, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, từ tháng 10/2024, các Tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức chiến dịch ra quân phổ cập kỹ năng số cho người dân. Trong đó, tập trung vào việc hướng dẫn người dân sử dụng VNeID để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: “https://dichvucong.quangninh.gov.vn/” và Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ: “https://dichvucong.gov.vn/”; phổ biến và hướng dẫn người dân mua bán trên các sàn thương mại điện tử Việt Nam và sàn thương mại OCOP tỉnh Quảng Ninh “https://ocopquangninh.com.vn”; đồng thời hướng dẫn kiến thức và các kỹ năng bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng.

Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số thiết yếu trên điện thoại.

Ông Nguyễn Hữu Hồi, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 2B, phường Hồng Hải (TP Hạ Long) chia sẻ: Trong tiến trình chuyển đổi số, các kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng… đều là những kỹ năng hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp người dân. Để đưa được những kỹ năng này tới gần hơn với người dân, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã có nhiều hoạt động rất tích cực, đạt nhiều hiệu quả. Thời gian tới, Tổ công nghệ số cộng đồng và địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động thiết thực để phấn đấu đến hết năm 2024, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người thành thạo 5 kỹ năng số cơ bản.

Cùng với công tác tuyên truyền, phổ cập kiến thức, kỹ năng số, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng sẽ được tỉnh Quảng Ninh tổ chức để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Nổi bật, Hội thảo Cà phê công nghệ dự kiến tổ chức trong quý IV/2024 với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia về chuyển đổi số. Hội thảo kỳ vọng là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, chia sẻ về các chủ đề liên quan đến quản lý nhà nước, các xu hướng phát triển của kinh tế số - xã hội số; những cơ hội, thách thức mà các doanh nghiệp đang đối mặt; mô hình chuyển đổi số hiệu quả tại một số doanh nghiệp điển hình. Từ đó, đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế của địa phương.

Đồng bào huyện miền núi Bình Liêu sử dụng thành thạo thiết bị di động có kết nối mạng 4G trong cuộc sống hằng ngày.

Cùng với đó, từ ngày 10/10, trên báo Quảng Ninh điện tử tại địa chỉ “https://baoquangninh.vn” và Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ “https://quangninh.gov.vn” cũng diễn ra Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh” năm 2024. Đây là hoạt động thiết thực giúp CBCCVC, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu và nắm chắc thêm về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của bộ, ngành trung ương và của tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số; Đề án 06; những kết quả chuyển đổi số, Đề án 06 của tỉnh đã đạt được; cách thức khai thác, sử dụng các ứng dụng số thuộc hệ thống thông tin, nền tảng, ứng dụng về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Đề án 06 phù hợp người dân, doanh nghiệp và một số kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Ðộng lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng  tập trung vào việc thúc đẩy, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại khu công nghiệp, khu chế xuất; ưu tiên sử dụng giải pháp công nghệ số do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Hiện nay, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh, đã có khoảng 60% doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. Từ tháng 6/2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7% chỉ tiêu); 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số…

Tỉnh Quảng Ninh tích cực tổ chức hội thảo, diễn đàn về công nghệ để thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới của chuyển đổi số vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm của đời sống kinh tế - xã hội.

Việc ứng dụng công nghệ số vào nhiều khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí không chính thức, hạ giá thành sản phẩm và tạo sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp. Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số… hiện các sở, ngành chức năng của tỉnh tích cực làm việc và đề nghị các doanh nghiệp tổ chức rà soát, cung cấp thông tin về thực trạng ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất của doanh nghiệp.

Đồng thời, lên phương án hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các ứng dụng trọng yếu, như: Nền tảng quản lý thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng kế toán dịch vụ điện tử, nền tảng quản lý nhân sự, hợp đồng lao động điện tử; nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp…

Theo Song Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15230 Tổng lượt truy cập 94755538