Ngày 28/10/1961 thành lập Thị xã Uông Bí, mốc son sáng trong hành trình xây dựng và phát triển đô thị Uông Bí

Ngày 28/10/2021, Uông Bí tròn 60 năm xây dựng và phát triển kể từ dấu mốc lịch sử ngày 28/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 180/CP thành lập thị xã Uông Bí.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Uông Bí, có thể thấy rằng, đây là một mốc son sáng, không chỉ khẳng định vị thế, vai trò chiến lược của Uông Bí trong công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa của tỉnh và cả nước thời điểm đó, mà còn là tiền đề để Uông Bí khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh, nội lực, liên tục phát triển, dành được những thành tựu đáng tự hào trong những chặng đường tiếp sau. Và ngày nay là thành phố, đô thị loại 2 năng động, hiện đại, khẳng định được vị thế trong không gian phát triển của tỉnh cũng như vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Nhân kỷ niệm 60 năm Uông Bí xây dựng và phát triển, 10 năm thành lập thành phố, chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh lịch sử năm 1961 để hiểu rõ hơn vì sao thời điểm này, Chính phủ đồng ý chủ trương, ra quyết định thành lập thị xã Uông Bí.

Từ một xã miền núi nghèo nàn, hoang sơ, sau 60 năm xây dựng, phát triển, Uông Bí hiện đã là thành phố, đô thị loại 2 năng động, hiện đại.

Năm 1960, Uông Bí mới chỉ là một xã miền núi thuộc huyện Yên Hưng, khu Hồng Quảng, song lại là địa bàn có vị trí chiến lược trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Trung ương Đảng đã chỉ rõ, một trong những nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là thực hiện một bước ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, góp phần công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Tháng 2/1961, Đại hội đại biểu khu Hồng Quảng lần thứ I (kỳ 2) diễn ra tại thị xã Hòn Gai cũng nhấn mạnh: phải coi trọng nhiệm vụ phát triển công nghiệp mỏ.

Chủ trương phát triển công nghiệp của trung ương, khu Hồng Quảng thời điểm này chính là cơ sở quan trọng để Uông Bí khơi dậy tiềm năng, lợi thế sẵn có của một vùng đất có ngành công nghiệp than – điện sớm phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng tại công trường Nhà máy nhiệt điện Uông Bí năm 1962 (Ảnh tư liệu).

Ngược dòng lịch sử về giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX, nhờ có nguồn tài nguyên than đá dồi dào, trữ lượng lớn, chất lượng tốt, lại nằm ở vị trí thuận lợi về đường bộ, đường thủy, thực dân Pháp đã xây dựng Uông Bí trở thành một trong những thị trấn công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam khi đó. Các cơ sở công nghiệp, dịch vụ ở đây phát triển mạnh. Để phục vụ cho việc khai thác than ở mỏ Uông Bí - Vàng Danh, nhiều nhà máy, cơ sở được xây dựng như: nhà máy sàng Vàng Danh, Nhà máy nhiệt điện, nhà máy cơ khí Uông Bí, nhà máy sửa chữa và đóng xe, đóng tàu, nhà máy đúc gang, sản xuất đèn, xưởng sữa chữa xà lan, cảng Điền Công… Tuy chỉ là một thị trấn nhưng mức độ tập trung công nghiệp của Uông Bí thời điểm ấy được đánh giá rất cao. Đây có thể nói là hạ tầng cơ sở, “hạt nhân công nghiệp”, góp phần tạo nền móng cho sự phát triển của đô thị Uông Bí sau này…

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, với lợi thế là vùng công nghiệp than – điện phát triển sớm, Nhà nước quyết định xây dựng Nhà máy nhiệt điện lớn nhất miền Bắc tại Uông Bí, công suất 153 Mw. Ngày 19-5-1961, kỷ niệm 71 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và chính thức khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.

Cùng với xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, ngày 15-8-1961, Bộ Công nghiệp nặng quyết định thành lập công trường Vàng Danh với nhiệm vụ khôi phục và mở rộng diện khai thác than ở Vàng Danh.

Bên cạnh tiền đề về phát triển công nghiệp phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, một cơ sở quan trọng nữa là sau 3 năm cải tạo XHCN (từ năm 1958 đến 1960), Uông Bí đã đạt được những thành tựu khả quan về phát triển kinh tế, cải tạo quan hệ xã hội, quan hệ sản xuất mới, xây dựng được những yếu tố văn hóa, lối sống và bước đầu xây dựng được nền móng của một nền giáo dục mới, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Về văn hóa, Uông Bí là mảnh đất có truyền thống văn hóa đa dạng, đặc sắc và lâu đời, với sự góp mặt, hội tụ của nhiều yếu tố, giá trị văn hóa từ các dân tộc khác nhau. Đặc biệt, vùng đất này đã sớm hình thành một trung tâm văn hóa Phật giáo tại Yên Tử, không chỉ có ý nghĩa đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa của Uông Bí, mà còn có ý nghĩa tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa của cả nước. Như vậy, Uông Bí là địa bàn vô cùng quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đòi hỏi Uông Bí cần phải có cơ chế riêng, phải được qui hoạch lại, trước hết là kiện toàn lại hệ thống cơ sở Đảng, hệ thống chính quyền để có thể phát huy đầy đủ nội lực của mình, đóng góp vào sự phát triển cách mạng chung của cả nước giai đoạn này.

Nhận thức được vai trò, vị trí to lớn đó của Uông Bí, nhằm tạo điều kiện cho Uông Bí phát triển, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), thực sự trở thành một khu căn cứ, hậu phương vững chắc cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ trước thời điểm xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí và khôi phục lại mỏ than Vàng Danh, vào tháng 4-1961, Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng đã đề nghị Chính phủ cho thành lập thị xã Uông Bí. Đồng thời chỉ đạo Đảng bộ huyện Yên Hưng tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết về tổ chức, bộ máy cho quyết định quan trọng này.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngày 28-10-1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 180/CP thành lập thị xã Uông Bí và đặt trực thuộc khu Hồng Quảng. Theo Quyết định, Thị xã Uông Bí gồm: xã Uông Bí cũ, cảng Điền Công, hai thôn Lạc Trung, Đồng Nối (của xã Yên Thanh thuộc huyện Yên Hưng) và 30 hộ ngư dân đánh cá các nơi tập trung đến. Ngoài ra còn có cán bộ, công nhân các công trường, xí nghiệp trung ương và địa phương, chiếm 70% dân số toàn thị xã…

Quyết định số 180/CP thành lập thị xã Uông Bí trực thuộc khu Hồng Quảng.

Sự kiện thành lập Thị xã Uông Bí vào ngày 28/10/1961 có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son sáng, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong hành trình 60 năm đô thị Uông Bí xây dựng và phát triển. Thành lập Thị xã Uông Bí đã khẳng định vai trò, vị thế của một vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, truyền thống văn hóa, lịch sử; đồng thời mở ra một thời kỳ phát triển mới sau này với những thành tựu vẻ vang...

Và 60 năm hành trình qua hai thế kỷ, trải qua nhiều khó khăn, thách thức với bao trăn trở, thử nghiệm, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, nỗ lực thức dậy những tiềm năng nội sinh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Uông Bí đã đưa thành phố từ một xã miền núi nghèo nàn, hoang sơ, phát triển thành thành phố, đô thị loại 2 năng động, hiện đại, giàu sức hấp dẫn, khẳng định được vị thế của mình trong không gian phát triển của tỉnh và vùng Đông Bắc Tổ quốc. Thành tựu trong 60 năm xây dựng, phát triển chính là những kinh nghiệm quí báu, là tài sản vô giá, nguồn cổ vũ to lớn để chặng đường tới, thành phố tiếp tục vượt qua những thách thức, khó khăn, xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, cơ bản hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025.

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 22536 Tổng lượt truy cập 91449004