Ngành Y tế: Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện
Trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, Y tế là ngành trọng yếu, có liên quan và tác động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người dân, đặc biệt là việc chuyển đổi số, phát triển y tế số để chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc.
Nhân viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí xử lý hồ sơ khám chữa bệnh cho người dân bằng thẻ CCCD gắn chíp.
Trước khi tỉnh Quảng Ninh bước vào hành trình chuyển đổi số, Y tế tỉnh đã là một trong những ngành tiên phong ứng dụng các thành tựu tiên tiến của khoa học, hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành. Trong đó, nổi bật nhất là triển khai xây dựng 3 bệnh viện thông minh: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Với mô hình bệnh viện thông minh, các bệnh viện đã xây dựng hạ tầng cứng khá đầy đủ, như: Hệ thống máy chủ, máy trạm; hệ thống kết nối toàn bộ các thiết bị; hệ thống đầu đọc mã vạch, thanh toán thuốc, viện phí online… Cùng với đó là hệ thống các phần mềm chuyên môn, như: Phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyển tải dữ liệu hình ảnh, phần mềm nhận và trả kết quả xét nghiệm…
Đặc biệt, 3 bệnh viện thông minh của tỉnh nằm trong số 10 bệnh viện trong cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử. Hết quý I/2023, đã có thêm Trung tâm Y tế huyện Hải Hà chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) thay cho hồ sơ bệnh án giấy. Với bệnh án điện tử, người bệnh có thể lưu trữ tất cả loại giấy tờ khám bệnh, chữa bệnh, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc; dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ; tự quản lý, lưu trữ thông tin sức khỏe, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc… để chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình…
Kế thừa những tiện ích từ mô hình bệnh viện thông minh, trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện hiện nay, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng, nâng cấp các phần mềm, tiện ích, hoàn thiện các tiêu chí bệnh viện không giấy tờ, với mục tiêu cao nhất là đem lại tiện ích phục vụ người dân. Hiện, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR); nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh ở cấp xã, phường; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cổng giám định Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn thuốc quốc gia và Hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh.
Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh cũng đẩy nhanh việc đồng bộ, hoàn thiện dữ liệu tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết tháng 3/2023, dữ liệu tiêm chủng được cập nhật trên hệ thống tiêm chủng Covid-19 đã đạt gần 98%; triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc-xin" cho trên 97% đối tượng đã tiêm; làm sạch dữ liệu tiêm chủng đạt tỷ lệ gần 85%...
Điều dưỡng Bệnh viện Sản Nhi thực hiện y lệnh của bác sĩ trên hệ thống phần mềm của xe tiêm thông minh. Ảnh: Nguyễn Hoa.
Triển khai chuyển đổi số trên nền tảng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, ngành Y tế tỉnh cũng nhanh chóng triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu. Theo thống kê của BHXH tỉnh đến hết ngày 15/3/2023, toàn tỉnh có 219/221 cơ sở khám chữa bệnh đã có thể liên thông tra cứu dữ liệu bằng CCCD gắn chíp; gần 382 nghìn lượt tra cứu thông tin và số lượt tra cứu thành công hơn 261 nghìn lượt.
Hiện các đơn vị y tế tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng phương thức truyền thông cho người tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD khi đi khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT; bố trí kinh phí, chủ động mua sắm trang thiết bị chất lượng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành để đọc thông tin CCCD hoặc ứng dụng VNEID; phối hợp với Công an địa phương tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID…
Toàn ngành cũng thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho gần 1,39 triệu người dân trên phần mềm Hỗ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, toàn bộ 12 cơ sở y tế được phép cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông với hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia, triển khai dịch vụ công ở mức độ 4. Đến hết tháng 3, đã có khoảng 2.600 hồ sơ giấy khám sức khỏe được cấp liên thông qua Cổng, (đứng thứ 2 toàn quốc về dữ liệu liên thông theo thông tin từ BHXH tỉnh).
Tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã và đang được triển khai rộng khắp ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 62% số tiền viện phí tại các bệnh viện, 70% số tiền viện phí tại các trung tâm y tế cấp huyện đã được thanh toán trực tuyến.
Chủ động trong chuyển đổi số, ngành Y tế Quảng Ninh đã và đang thực hiện góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt là trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh cũng như đóng góp cho chuyển đổi số y tế quốc gia, góp phần hiện đại hóa ngành Y tế, thực sự hướng đến mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027