Ngành Than chăm lo đời sống người thợ
Ưu tiên các nguồn lực để chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động luôn là trách nhiệm được các đơn vị ngành Than đặt lên hàng đầu trong chiến lược sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, các đơn vị càng quan tâm chu đáo hơn đến môi trường làm việc, sức khỏe và điều kiện ăn, ở của công nhân. Nhiều mỏ đã chủ động điều chỉnh một số chế độ, chính sách dành cho lao động, đầu tư thêm các công trình phúc lợi để cải thiện đời sống tinh thần thợ mỏ.
Mới đây, Công ty Than Uông Bí - TKV đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà sinh hoạt công nhân trong khu vực khuôn viên trụ sở Công ty ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí. Công trình có tổng mức đầu tư trên 37,4 tỷ đồng, gồm 3 tầng với một phòng ăn 360 chỗ; phòng truyền thống, phòng làm việc, kho tài liệu, phòng hội trường...
Ông Bùi Văn Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty, cho biết: “Công trình đưa vào sử dụng giúp công nhân có thêm địa điểm sinh hoạt tinh thần khang trang, hiện đại, từ đó tái tạo sức lao động, phục vụ tốt sản xuất. Đây cũng là một trong nhiều giải pháp đơn vị thu hút nhân lực hầm lò”.
Công trình Nhà sinh hoạt công nhân Than Uông Bí được đầu tư hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Tại Công ty CP Than Vàng Danh, khu tập thể 314 ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, khép kín. Ngay trong các khu tập thể, đơn vị đầu tư nhiều phân khu chức năng để rèn luyện thể chất với nhiều trang thiết bị hiện đại, giá trị lớn, như: Máy chạy bộ, máy massage, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, bóng đá...
Thợ lò Trần Tiến Trung, Phân xưởng K12, cho biết: “Sinh hoạt trong khu tập thể 314, thợ lò không thiếu thốn thứ gì. Điều kiện ăn, ở, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao còn tốt hơn rất nhiều so với bạn bè tôi trong các khu công nghiệp”.
Với những thợ mỏ sinh sống tại Quảng Ninh, ngành Than cũng dành nhiều quan tâm, chăm lo về điều kiện nhà ở, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách. Sau nhiều năm, chương trình hỗ trợ xây "Mái ấm công đoàn" đã có nhiều sự đổi mới. Hiện nay, mức hỗ trợ xây mới cho mỗi nhà của TKV là 60 triệu đồng và đã trở thành nguồn động viên quan trọng, giúp các gia cảnh khó khăn có thêm nghị lực để vươn lên, ổn định cuộc sống.
Ý nghĩa của chương trình hỗ trợ "Mái ấm công đoàn" không chỉ lan tỏa nét văn hóa tốt đẹp trong các doanh nghiệp ngành Than, mà còn thúc đẩy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau giữa những người lao động trong cùng một đơn vị. “Trong năm 2021 nguồn quỹ từ người lao động đóng góp và trích từ Quỹ phúc lợi Tập đoàn là 9,7 tỷ đồng. Công đoàn TKV đã xét duyệt 151 nhà từ nguồn "Mái ấm công đoàn", trong đó xây mới 117 nhà với mức tiền 60 triệu đồng/nhà; sửa chữa 34 nhà với mức tiền 20 triệu đồng/nhà. Tổng số tiền cho các hoạt động này là 7,7 tỷ đồng” - ông Phạm Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn TKV cho biết.
Để chăm lo điều kiện sinh hoạt cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhiều đơn vị đã có cách làm riêng, ưu tiên tối đa nguồn lực cho công tác xây, sửa nhà ở, giúp công nhân ổn định cuộc sống. Chị Lê Thị Nga, Công ty CP Than Mông Dương, chia sẻ: “Gia cảnh khó khăn, chồng mất vì tai nạn lao động, tôi được Công ty hỗ trợ 80 triệu đồng để xây nhà mới. Số tiền tuy không phải toàn bộ chi phí xây nhà nhưng lại là động lực rất lớn giúp tôi có thêm quyết tâm cải thiện điều kiện sinh hoạt, cho các con tôi có một mái nhà vững chãi hơn”.
Song hành với các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa môi trường làm việc để cải thiện điều kiện lao động cho thợ mỏ. Hầu hết các đơn vị ngành Than, nhất là các mỏ hầm lò đã chủ động, tích cực đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào tối đa các khâu của dây chuyền sản xuất. Đó là những lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, cơ giới hóa hạng nhẹ, những cỗ máy đào lò đa năng, đào lò cải tiến, hệ thống vận tải người và thiết bị..., giúp giảm sức lao động thủ công, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người thợ.
Thợ mỏ được chăm lo chu đáo càng thêm quyết tâm gắn bó với các đơn vị ngành Than.
Nhận định năm 2022 và những năm tới, TKV tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch bệnh phức tạp, diện sản xuất thu hẹp, điều kiện khai thác xuống sâu, áp lực mỏ lớn, chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh những chiến lược chủ động, thích ứng, linh hoạt, TKV vững tin vào truyền thống văn hóa kỷ luật - đồng tâm của lực lượng lao động, thợ mỏ - họ là những người nhân lên sức mạnh để TKV vượt khó.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027