Nâng cao sức khỏe, chất lượng đời sống người dân

Hạnh phúc của nhân dân luôn là động lực phấn đấu của Đảng ta; là mục tiêu xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Thấm nhuần quan điểm đó, những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn nêu cao tinh thần “lấy dân làm gốc”, hiện thực hóa mục tiêu “Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

Chăm lo “vốn quý” của người dân

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra tại Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.

Trên chặng đường phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân”. Tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh có nhiều chủ trương, định hướng chiến lược trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Y tế; dành nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế với mục tiêu cao đó là để người dân được chăm sóc, thụ hưởng những chính sách y tế đầy đủ và ngày một tốt hơn.

Thực tế thời gian gần đây trong bối cảnh nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, vượt lên những khó khăn, nguy hiểm, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Quảng Ninh đã khẳng định vai trò của một trong những lực lượng tuyến đầu, chủ công, nòng cốt chống dịch; luôn sẵn sàng, quyết tâm, trách nhiệm và dồn hết tâm lực, trí lực và kinh nghiệm để đóng góp quan trọng trong công cuộc phòng, chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19; vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân, vừa giữ vững ổn định chính trị - kinh tế - xã hội. Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác phòng, chống dịch, ổn định phát triển kinh tế và giữ vững đà tăng trưởng hai con số nhiều năm liền.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Quảng Ninh đã cơ bản được hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động. Ảnh: Nguyễn Soái.

Không ngừng chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là trong bối cảnh môi trường sống hiện nay có nhiều thay đổi, các loại dịch bệnh tiềm ẩn và có những diễn biến hết sức khó lường, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và nâng cấp Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Đây là 2 công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực y tế chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023). Các công trình có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao khả năng điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là các bệnh nghề nghiệp đối với lao động ngành Than. Đặc biệt, mục tiêu xây dựng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh trở thành trung tâm chuyên khoa về phổi của quốc gia và khu vực, thu hút được bác sĩ giỏi, nhân lực y tế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trên quan điểm đầu tư cho y tế là đầu tư cho con người, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã chi gần 9.000 tỷ đồng cho phát triển sự nghiệp y tế toàn tỉnh. Những cơ chế, chính sách được ban hành đều thống nhất trên quan điểm ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực này để người dân được thụ hưởng nhiều nhất những thành tựu phát triển của tỉnh. Từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, hệ thống y tế Quảng Ninh đã ngày càng khẳng định năng lực, không ngừng được nâng tầm, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của hơn 1 triệu người dân trong tỉnh cũng như du khách, nhà đầu tư đến sinh sống, làm việc tại địa phương.

Bác sĩ phẫu thuật chấn thương sọ não cho người bệnh tại Trung tâm Y tế Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Hoa

Đến nay, Quảng Ninh đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân; 14,9 bác sĩ/1 vạn dân; 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 24 điều dưỡng/1 vạn dân. Cùng với đó, tỉnh còn trích nguồn ngân sách để hỗ trợ tham gia BHYT đối với người dân các xã vừa ra khỏi diện 135 cũng như người cao tuổi (trên 70 tuổi), tăng cơ hội cho mỗi người dân được tiếp cận và chăm sóc y tế. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 94,25%. Các chỉ tiêu về y tế hiện đã tiệm cận rất gần tới các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đặt ra đến năm 2025.

Cơ sở vật chất khang trang hiện đại, đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao, đến nay có thêm 717 kỹ thuật mới được triển khai tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Người dân yên tâm điều trị tại địa phương, vì vậy tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh. Cụ thể: Từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh còn 3,17%, từ tỉnh lên trung ương còn 0,85%...

Mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện cũng được kiện toàn và nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Các chương trình mục tiêu y tế được triển khai đảm bảo yêu cầu... Với sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực y tế, tỉnh đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu “nâng cao chất lượng cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Người dân “an cư lạc nghiệp”

Những ngày qua, tại các địa phương trong tỉnh, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở rộn ràng, phấn khởi dọn về nhà mới ở. Bà Nguyễn Thị Cõn (thôn Hải Yên, xã Quảng Thành, huyện Hải Hà), cho biết: “Nhà cũ của tôi xây lâu rồi nên gần đây hư hỏng nặng. Mỗi khi mưa to gió lớn là cả nhà lo lắm. Gia đình thuộc diện nghèo nên không có tiền để sửa sang lại nhà. Được chính quyền quan tâm hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới, ai cũng phấn khởi và từ nay không còn gì phải lo lắng nữa...”.

Triển khai Cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã rà soát có 441 hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh, đến ngày 25/9, toàn tỉnh đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 424 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Còn 17 nhà thuộc huyện Ba Chẽ và TX Quảng Yên đang được gấp rút hoàn thành để bàn giao cho các gia đình trước ngày 30/9 này.

Cấp ủy, chính quyền huyện Hải Hà cùng nhà hảo tâm đến chứng kiến lễ bàn giao nhà xây mới cho gia đình bà Trần Thị Lân (thôn 4, xã Quảng Thịnh). Ảnh: Thu Chung

Bám sát chủ đề công tác năm 2023 về “nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân”, ngoài chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, để tiếp tục hỗ trợ gia đình người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở, ổn định cuộc sống, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2031/QĐ-UBND (ngày 21/7/2023) phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Theo số liệu từ các địa phương, dự kiến số hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ cần được hỗ trợ nhà ở là 1.450 hộ (584 hộ xây mới và 866 hộ cải tạo, sửa chữa) với kinh phí thực hiện khoảng trên 81 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; bên cạnh đó là vốn huy động từ cộng đồng, đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ. Đề án triển khai trong năm nay. Các hộ gia đình hoàn thành xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở trong năm 2024.

Là cơ quan thường trực của tỉnh trong triển khai đề án, Sở Xây dựng đang tích cực đôn đốc, hướng dẫn các địa phương; đăng tải các mẫu thiết kế nhà điển hình để UBND địa phương cung cấp, hướng dẫn các hộ gia đình tham khảo, lựa chọn. Chính quyền địa phương cũng huy động các nguồn lực để sớm khởi công, xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở, đảm bảo quy mô, chất lượng, an toàn, đáp ứng được nhu cầu, phát huy hiệu quả sử dụng...

Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho CNLĐ, nhất là công nhân trong các các KKT, KCN, ngành Than. Hiện nay 2 dự án nhà ở cho công nhân KCN (Dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN Sông Khoai, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.500 người; dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai, khoảng 700 căn hộ) đang được gấp rút triển khai, dự kiến gắn biển chào mừng đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Lãnh đạo Công đoàn Công ty Than Dương Huy trao thưởng cho Tổ Đặc thù Phân xưởng Đào lò 5 có thành tích đào lò vượt kế hoạch. Ảnh: Phạm Tăng

Ngoài ra, nhiều dự án nhà ở cho công nhân KCN đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, phấn đấu triển khai vào cuối năm nay, như: Nhà ở xã hội tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà) khoảng 1.000 căn hộ; nhà ở xã hội phục vụ CNLĐ tại KCN Cảng biển Hải Hà với diện tích 23ha. 4 dự án phục vụ CNLĐ ngành Than: Khu tập thể công nhân tại phường Hà Lầm, khu tập thể công nhân 5 tầng của Công ty Than Hòn Gai tại phường Cao Xanh, nhà ở công nhân hầm lò tại phường Hà Tu đều thuộc TP Hạ Long và khu tập thể công nhân tại phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả)... đang được lập quy hoạch, phấn đấu sớm hoàn thành thủ tục xây dựng để khởi công.

Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư trên địa bàn đến năm 2030; quỹ đất tái định cư đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đến năm 2030”. Đến nay, tổng số suất tái định cư dự kiến đến năm 2030 để bố trí tái định cư khoảng 45.956 suất, đạt khoảng 91% so với yêu cầu.

Quan tâm nhà ở cho người dân, CNLĐ trên địa bàn tỉnh là việc làm mang ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, giúp người dân, người lao động “an cư lạc nghiệp”. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu: Mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Đồng thời, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã.

Theo Nguyễn Huế/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 25994 Tổng lượt truy cập 94774618