Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Đảng ta còn có nhiều nhược điểm, mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém... Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo...”. Vì vậy, việc học tập lý luận chính trị (LLCT) có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tiến hành thường xuyên, lâu dài.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng khen của BTV Tỉnh ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi tỉnh Quảng Ninh năm 2022.

Mục đích của việc học tập LLCT cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhằm nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân...

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay vẫn còn có nơi, có chỗ, có cán bộ, đảng viên chưa xem trọng việc học tập LLCT; còn biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, nhu cầu, động cơ về việc học tập của cán bộ, đảng viên. Nguyên nhân chủ yếu: Ảnh hưởng của lối sống đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích chính trị, lợi ích cộng đồng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; “mất gốc” kiến thức lý luận nền tảng, dẫn đến ngại, sợ học LLCT; nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của việc học tập LLCT, cập nhật kiến thức thường xuyên; trách nhiệm của một số cấp ủy, sự quan tâm, phối hợp và phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong giáo dục LLCT còn hạn chế...

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đề ra nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục LLCT: “Đổi mới nội dung, chương trình, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, đào tạo lại với rèn luyện trong thực tiễn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Củng cố và nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Thường xuyên bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ...”.

Để khơi dậy ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng lười học, ngại học LLCT, công tác giáo dục LLCT tiếp tục được tiến hành đồng bộ các giải pháp cả ở phía người học và công tác giáo dục LLCT của cấp ủy. Trong đó, cần tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác giáo dục LLCT, nhằm giúp mọi cấp ủy, cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao LLCT là quyền lợi và trách nhiệm, là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời không bao giờ là đủ...

Đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục LLCT trong toàn Đảng, hệ thống chính trị. Cấp ủy các địa phương cần chỉ đạo trường chính trị, trung tâm chính trị, cơ quan chuyên môn phối hợp xây dựng bổ sung nội dung các chương trình, các lớp đào tạo để tăng tính thực tiễn, bám sát với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thực hiện nội dung này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã cập nhật bổ sung tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đơn vị; nhận diện những quan điểm sai trái và các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta trên mạng xã hội vào chương trình bồi dưỡng nhận thức về Đảng để thực hiện tại các đảng bộ, trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giảng viên, báo cáo viên phải chú trọng nghiên cứu kỹ mục đích, yêu cầu của từng chương trình để liên hệ sát với nội dung sao cho thiết thực, gắn với thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới.

Nghi lễ chào cờ trong Lễ kết nạp đảng viên tại Trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long).

Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh đã nâng cao chất lượng giảng dạy các chuyên đề thông qua cơ chế mời giảng viên, báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, địa phương; tăng cường trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự; tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế, gắn lý luận với thực tiễn... Việc học LLCT của cán bộ, đảng viên đã tránh tình trạng “dạy chay”, “học chay”, “dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được”, hoặc “lý luận suông”.

Hiện nay, hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ giáo dục LLCT theo các khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng các cấp về cơ bản đã được chuẩn hóa. Trên cơ sở đó, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ và trung tâm chính trị cấp huyện có thể lựa chọn những giảng viên giỏi giảng bài và ghi hình và đưa lên mạng xã hội nội bộ của địa phương.

Theo Quy định số 57-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa XIII, cán bộ, đảng viên ở vị trí công tác nào phải đáp ứng trình độ LLCT tương ứng. Theo đó, có thể tranh thủ thời gian tự học, tự nghiên cứu và làm bài tập, trả lời câu hỏi trắc nghiệm tích hợp trong bài giảng đã được số hóa. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT chỉ tập trung học viên về trường trong một thời gian ngắn để củng cố, giải đáp, thảo luận, tham quan, thu hoạch, thi tốt nghiệp. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần thay đổi hình thức thi, kiểm tra bằng vấn đáp, trắc nghiệm để cán bộ, đảng viên hiểu thực chất kiến thức và khắc phục tình trạng sao chép, gian lận trong việc kiểm tra, thi hết môn, tốt nghiệp... Như vậy sẽ kết hợp được ưu thế của hình thức học trực tuyến và trực tiếp, đồng thời linh hoạt về thời gian để cán bộ, đảng viên có thể vừa học, vừa thực hiện nhiệm vụ theo chức trách của mình.

Đất nước bước vào thời kỳ mới với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu thực hiện “bốn kiên định” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Để có được sự kiên định, niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, không có con đường nào khác là phải học tập LLCT một cách thực sự, thực chất. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục LLCT, cộng với tinh thần tích cực, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên là giải pháp cơ bản góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có trí tuệ và đạo đức, đủ sức lãnh đạo đất nước tiến tới phồn vinh và hạnh phúc trong thời kỳ mới.
 
Theo Hoàng Đại Dương (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 27488 Tổng lượt truy cập 94864450