Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông tại Quảng Ninh có nhiều tín hiệu tích cực, các tiêu chí giảm đều qua mỗi năm. Có được điều đó, ngoài những nỗ lực trong đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, tập trung nâng cao ý thức, nhận thức trong nhân dân thì công tác đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (GPLX) từng bước được siết chặt, đảm bảo thực chất thông qua việc tăng cường nhiều giải pháp.
Học viên học lái xe ô tô trên cabin điện tử.
Theo số liệu thống kê từ Sở GT-VT, hiện Quảng Ninh đang có trên 1 triệu xe ô tô và mô tô các loại. Cùng với hạ tầng giao thông ngày một hoàn thiện, đời sống người dân được nâng cao thì nhu cầu học lái xe ngày một tăng. Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX khi các cơ sở đào tạo trong tỉnh đang hoạt động theo cơ chế mở, xu hướng chạy theo số lượng học viên rất có thể xảy ra.
Vì thế, xác định ý thức, nhận thức và kỹ năng của người lái xe phụ thuộc vào vai trò của đội ngũ giáo viên, Sở GT-VT đã yêu cầu các trung tâm đào tạo siết chặt quản lý, rà soát năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh. Sở thường xuyên thực hiện kiểm tra công tác đào tạo, kiểm tra đột xuất, giám sát các kỳ thi cấp chứng chỉ nghề tại các trung tâm nhằm đảm bảo công tác sát hạch diễn ra đúng quy trình, quy định. Bên cạnh đó là tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, chuyên môn cho giáo viên, bám sát các chương trình đào tạo mới của Bộ GT-VT ban hành.
Để công tác đào tạo sát với thực tế, đảm bảo chất lượng, Sở còn yêu cầu các cơ sở đào tạo quan tâm, trang sắm thêm cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện khi tổ chức đào tạo như: Trang bị, nâng cấp, đổi mới và chuẩn hóa phương tiện đào tạo và sát hạch; triển khai các phòng học mô phỏng với các tình huống giao thông thực tế, học lái xe ô tô trên cabin điện tử… Điều này đã giúp học viên có thêm kỹ năng khi lái xe ô tô trong không gian chật hẹp và đông đúc, người lái có thể chủ động dừng đỗ tại các vị trí theo quy định.
Song song với đó là thường xuyên kiểm tra, thay thế thiết bị đã hết niên hạn sử dụng, cải tạo và làm mới các sân tập, các bài thi theo tiêu chuẩn sát hạch. Để kiểm soát, giám sát học viên, 100% các trung tâm đều sử dụng thiết bị giám sát bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt để điểm danh; sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT)… đảm bảo học viên phải tham gia đầy đủ thời gian học lý thuyết, cũng như quãng đường thực hành lái xe trên đường.
Sân tập và sát hạch của Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, TP Uông Bí.
Anh Vũ Đình Kiểm, Giáo viên Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng, cho biết: Với sự giám sát của DAT (Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe), học viên hạng B1 sẽ phải lái 710km trên đường, B2 là 825km. Học viên phải thực hiện đủ thời gian học trên cabin điện tử trước khi thực hành trên xe thật. Toàn bộ quá trình dạy và học này đều được giám sát và truyền về máy chủ của Sở GT-VT... Thêm nữa, thực hiện theo Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT của Bộ GT-VT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, các trung tâm đào tạo lái xe của tỉnh đều đã trang bị sa hình và thiết bị chấm điểm tự động đối với bài thi sát hạch xe mô tô; chấm điểm tự động đối với bài sát hạch xe ô tô đường trường (trước đây được thực hiện chấm điểm bởi cán bộ sát hạch). Như vậy, đến nay, các bài thi sát hạch của ô tô và mô tô đều đã được thực hiện chấm điểm tự động thông qua hệ thống máy tính, chấm dứt sự can thiệp của con người trong quá trình sát hạch.
Với mục tiêu quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, Sở GT-VT Quảng Ninh còn tự nghiên cứu và đưa vào ứng dựng phần mềm Quản lý đào tạo lái xe - dữ liệu sát hạch lái xe. Phầm mềm cho phép quản lý chặt chẽ giáo viên, xe tập lái, phân luồng học viên tại các cơ sở đào tạo, không để xảy ra quá tải, bảo đảm học viên tham gia đầy đủ các học phần từ lý thuyết tới thực hành. Điều này sẽ khiến công tác sát hạch được chính xác, minh bạch và thực chất hơn, kỹ năng người lái xe được nâng cao hơn thông qua việc tăng cường luyện tập trước khi sát hạch, chấm dứt tình trạng thi hộ, gian lận.
Theo thống kê, hiện nay, nhu cầu học lái xe tại Quảng Ninh mỗi năm tăng từ khoảng 7-10%. Do vậy, công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX luôn cần được đổi mới và nâng cao chất lượng. Việc chủ động, đầu tư có trách nhiệm của các trung tâm đào tạo, sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của Sở GT-VT Quảng Ninh đã giúp lái xe mới có thêm nhiều kinh nghiệm thực tế, tạo được thói quen, phản xạ khi xử lý; công tác quản lý được tăng cường, minh bạch, góp phần giảm thiểu các vụ TNGT đáng tiếc.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027