Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân từ việc làm thiết thực

Để xây dựng, phát triển Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện hiệu quả một trong những nội dung chủ đề công tác năm 2023 mà Nghị quyết 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra là Nâng cao đời sống nhân dân, từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Là thành phố thủ phủ của tỉnh, để nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân, thời gian qua, Hạ Long tập trung các giải pháp cải thiện về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý dứt điểm các điểm tồn đọng rác, các điểm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân. Thành phố còn tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe của người dân, chăm lo đến các đối tượng khó khăn, yếu thế… Hiện nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ở Hạ Long đạt 98,09% dân số; 100% người dân đô thị sử dụng nước sạch sinh hoạt; 100% dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh.

Thành phố Hạ Long nâng cấp, sửa chữa đường, vỉa hè tại khu 4, phường Hồng Hà phục vụ đi lại thuận tiện cho người dân.

Bà Phạm Thị Tuyết (khu 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long), cho biết: Người dân chúng tôi khá hài lòng với chất lượng cuộc sống. Hiện nay, môi trường, tình hình ngập lụt trên địa bàn được cải thiện nhiều; chăm sóc sức khỏe của bà con được đảm bảo; con em được học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch sẽ; đời sống kinh tế của các gia đình ngày càng nâng cao”.

Không chỉ với TP Hạ Long, thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều nỗ lực mọi giải pháp để nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Trước hết, tỉnh tập trung mạnh vào cải thiện đời sống của các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng yếu thế trên địa bàn. Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn… được triển khai mạnh, tạo sự đồng thuận tham gia tích cực của toàn xã hội. Năm 2023, qua rà soát có 246 hộ trên địa bàn tỉnh cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.

Đến hết tháng 7/2023, các địa phương đã huy động được 20.720,821 triệu đồng cho công tác này, trong đó có những địa phương huy động vượt nhiều so với kế hoạch đề ra, như: Huyện Hải Hà huy động đạt 238% so với kế hoạch; TX Đông Triều huy động đạt 146,5% so với kế hoạch… Đến hết tháng 6/2023, đã có 239 hộ trong diện hỗ trợ tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tỉnh đề ra mục tiêu không còn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn vào dịp Quốc khánh 2/9 này.

Vợ chồng ông Phạm Văn Thoại (bên phải ảnh) - hộ tàn tật ở thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên (Vân Đồn) trò chuyện với cán bộ huyện, xã ngay trong ngôi nhà mới xây dựng có sự hỗ trợ 1 phần kinh phí của các đoàn thể huyện Vân Đồn.

Cùng với đó, các địa phương cũng tập trung vào thực hiện các dự án xây nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 21/6/2023 triển khai đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp (KCN) đã khởi công xây dựng; 6 dự án đang triển khai thủ tục chấp thuận đầu tư và dự kiến khởi công trong giai đoạn 2023- 2024…

Cùng với chăm lo nơi ở, Quảng Ninh còn nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. HĐND tỉnh đã thông qua, phân bổ 457 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học ngành giáo dục; 277 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; bố trí 745,5 tỷ đồng chi đầu tư công từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để đầu tư xây dựng 12 trường học trên địa bàn tỉnh; phân bổ 245 tỷ đồng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất ngành y tế…; tiếp tục hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực trạm Y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng; đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh năm 2023...

Dự án mở rộng Bệnh viện phổi Quảng Ninh đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn. Ảnh: Đỗ Phương

Hiện trên địa bàn tỉnh có 561/629 trường học đạt chuẩn quốc gia; 99,96% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 86,37% hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-l:2018/BYT; tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đến hết tháng 6/2023 đạt 95,2%.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, qua đó tạo thu nhập ổn định cho người dân cũng được tăng cường. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh giới thiệu việc làm trong nước cho 1.540 lượt lao động; tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.840 người, trong đó 550 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tình hình ANTT, ATXH trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường. 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh bắt giữ, xử lý 290 vụ, 748 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó xử lý hình sự 273 vụ với 568 đối tượng; các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 1.088 vụ buôn lậu, trị giá 12,5 tỷ đồng…

Giải pháp mà các cấp, các ngành đang triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh; giúp bà con ngày càng yên tâm, gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh sống; tạo động lực để các hộ đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21959 Tổng lượt truy cập 94769629