Mỗi xã chỉ có một Ban Thanh tra nhân dân

Xã, phường, thị trấn được bầu một Ban Thanh tra nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động theo quy định.

Theo phản ánh của ông Phan Xuân Hồng (Đắk Nông), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định, Ban Thanh tra nhân dân thành lập ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quản lý, hướng dẫn thực hiện; Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do Công đoàn cơ sở thành lập và hướng dẫn thực hiện.

Tuy nhiên hiện có ý kiến yêu cầu Công đoàn cơ sở cấp xã phải thành lập Ban Thanh tra nhân dân hoạt động trong nội bộ cơ quan xã.

Theo ông Hồng, nếu đúng thì ở cấp xã có 2 Ban Thanh tra nhân dân (1 Ban của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và 1 Ban của Công đoàn cơ sở), như vậy là chồng chéo. Ông Hồng hỏi, việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã thực hiện thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:

Tổ chức Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 như sau:

"1. Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn gồm các thành viên được bầu từ các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã. Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 05 người.

2. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên cùng địa bàn. Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban Thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ, không còn được tín nhiệm hoặc xin thôi làm nhiệm vụ thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đề nghị thôn, tổ dân phố đã bầu thành viên đó xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ. Trường hợp khuyết thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong nhiệm kỳ và thời gian còn lại của nhiệm kỳ là từ 06 tháng trở lên thì Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức việc bầu bổ sung thành viên Ban Thanh tra nhân dân theo hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã".

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022: "Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động".

Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 như sau:

"a) Hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân;

b) Công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thông báo kết quả bầu và thành phần Ban Thanh tra nhân dân đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và Nhân dân ở địa phương;

c) Hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung công tác; xem xét báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; tham gia hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khi xét thấy cần thiết;...".

Ngoài ra có các quy định cụ thể tại Điều 13, Điều 14 của Nghị định số 59/2023/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn.

Căn cứ quy định nêu trên, ở xã, phường, thị trấn được bầu 1 Ban Thanh tra nhân dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hướng dẫn việc tổ chức hội nghị của cộng đồng dân cư ở thôn, tổ dân phố để bầu hoặc cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động theo quy định.

Theo baochinhphu.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 809 Tổng lượt truy cập 94818585